Chuyên gia quốc tế chia sẻ nguyên tắc để tạo đột phá trong giáo dục đại học

31/03/2018 07:42
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo dục đại học là công cụ hữu hiệu nhất tạo ra sự công bằng, sự năng động, dịch chuyển trong xã hội và tăng năng suất lao động.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận mang tầm quốc tế ở bậc phổ thông.

Đó là chỉ số đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố cho thấy, học sinh Việt Nam ở tuổi 15 có năng lực cao hơn mức trung bình của các nước có nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là chất lượng học sinh sau khi lên bậc đại học và khi bước ra thị trường lao động thì chưa tốt như mong đợi.

Theo ông Ousmane Dione, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là vì Việt Nam đã có khoảng cách giữa giáo dục phổ thông với đại học.

Do đó, vị này đặt vấn đề với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cần cân nhắc một cuộc cải cách lớn để nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng năng lực nghiên cứu sáng tạo đáp ứng nền kinh tế đang đi lên.

Ông Ousmane Dione nhận định, đã có khoảng cách giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học, vì vậy “Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa vào giáo dục bậc đại học”. 

Bởi lẽ, những chỉ số như mức lương, khả năng có việc làm chính thức, chất lượng lao động đa phần phụ thuộc vào giáo dục bậc đại học. Và công việc của Việt Nam là phải tranh thủ chất lượng của bậc giáo dục phổ thông để tạo nền/ nguồn cho giáo dục đại học phát triển vượt bậc.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ nguyên tắc để tạo đột phá trong giáo dục đại học ảnh 1Những hạn chế của giáo dục đại học qua nhận xét của Bộ trưởng Nhạ

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh:

“Muốn làm được điều đó, phải tìm cách đa dạng hóa và phân bố nguồn tài chính hiệu quả, cân bằng hơn và World Bank cam kết hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học với kinh nghiệm toàn cầu. 

Hi vọng, Bộ Giáo dục có thể huy động sự chung tay nhiều bên liên quan Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ cũng như các khu vực tư nhân ngoài Chính phủ”.

Trong khi đó, tư vấn chiến lược giáo dục Đại học cho Việt Nam, Phó giáo sư Norhayati Mohamed - Giám đốc Văn phòng Quản lý Chương trình/Văn phòng Quản lý Đào tạo Bộ Giáo dục Đại học Malaysia cũng nhấn mạnh đến việc, Chính phủ phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đại học vì chất lượng của bậc học nay là công cụ đảm bảo chất lượng nhân lực quốc gia.

Từ kinh nghiệm của quốc gia mình, theo bà Norhayati Mohamed, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển giáo dục đại học chi tiết.

“Chiến lược giáo dục đại học phải lấy sinh viên làm nhân tốt trung tâm trong quá trình chuyển đổi; quá trình xây dựng có sự tham gia và tham vấn rộng rãi; đề cập tới tất cả các cơ sở giáo dục (công lập, cao đẳng cộng đồng, đại học bách khoa, cơ sở giáo dục đại học tư nhân); mang tính chất định hướng chứ không áp đặt rập khuôn cho từng trường”, chuyên gia đến từ Malaysia góp ý.

Tiến sĩ Javier Botero Alvarez (Chuyên gia giáo dục hàng đầu - Ngân hàng Thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia) lại nhấn mạnh đến việc hệ thống giáo dục đại học phải chú trọng tính đa dạng, bình đẳng và chất lượng giáo dục cho mọi đối tượng trong xã hội bởi mỗi sinh viên là một cá thể khác nhau chứ không đồng nhất. 

Giáo sư Javier Botero Alvarez - chuyên gia giáo dục của Ngân hàng thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Javier Botero Alvarez - chuyên gia giáo dục của Ngân hàng thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia (Ảnh: Thùy Linh)

Chỉ rõ vai trò quan trọng của giáo dục đại học, vị chuyên gia này cho hay, giáo dục đại học là công cụ hữu hiệu nhất tạo ra sự công bằng, sự năng động, dịch chuyển trong xã hội và tăng năng suất bởi lẽ đó là môi trường chuẩn bị kỹ năng cho người lao động, đổi mới sáng tạo. 

“Một vài nguyên tắc để tạo đột phá trong giáo dục đại học là có cơ chế ưu đãi phù hợp, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình (thông tin, giám sát và điều chỉnh công khai)”, ông Javier Botero Alvarez lưu ý.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ nguyên tắc để tạo đột phá trong giáo dục đại học ảnh 3Nguyên Bộ trưởng Hàn Quốc chia sẻ cách dạy học sáng tạo

Từ kinh nghiệm của nền giáo dục Anh quốc, Tiến sĩ Jane Davidson (Phó Hiệu trưởng, Đại học Wales Trinnity Saint David) nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa Chính phủ và hệ thống giáo dục đại học.

Trong đó, cần đạt được sự cân bằng giữa ý muốn của Chính phủ là ra các quy định (can thiệp) để đảm bảo chất lượng mà không làm mất khả năng cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước của các trường đại học.

Trước những đóng góp hữu ích từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định:

“Giáo dục đại học hiện nay phải phát triển theo hướng hội nhập quốc tế để từng bước nâng cao hệ thống giáo dục chất lượng quốc gia. 

Tôi có đặt vấn đề với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về việc phải tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống, tránh tình trạng vay nhưng hoạt động không hiệu quả, thậm chí chưa có đánh giá tác động thực tiễn về đầu tư đó”.

Thùy Linh