Tại hội thảo tham vấn xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 (Master Plan) ngày 29/3, Giáo sư Ju-Ho Lee - nguyên Bộ trưởng Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, chia sẻ thực trạng giáo dục ở Hàn Quốc và đưa ra nhiều góp ý giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Theo đó, Giáo sư Ju-Ho Lee chia sẻ, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần nhất, thứ hai Hàn Quốc đã hợp tác với các nước khác kể từ đó quốc gia này phát triển nhanh chóng chủ yếu dựa vào phát triển con người.
Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt và hiện nay quốc gia này đã sẵn sàng thực hiện để đạt bước đại nhảy vọt với mức GDP bình quân đầu người là hơn 30.000 USD.
Từ đó, ông Lee hi vọng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra có thể sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam đạt được bước đại nhảy vọt trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
Giáo sư Ju-Ho Lee - nguyên Bộ trưởng Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, cần chú trọng đến học tập suốt đời và để làm được điều đó thì tạo hứng thú cho học sinh thay vì bắt các em học thuộc lòng là cần thiết.(Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Lee thông tin Hàn Quốc đã có những nghiên cứu về khả năng cạnh tranh trong ngành công nghệ di động, bán dẫn, ôtô, đóng tàu...
Kết quả cho thấy đất nước này chế tạo rất tốt nhưng lại thiếu khả năng đưa ra ý tưởng để thiết kế sản phẩm mới.
Điều này đòi hỏi nền giáo dục của Hàn Quốc phải thay đổi để nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực thiết kế cho học sinh, sinh viên đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một vấn đề khác khá phổ biến ở Hàn Quốc được ông Lee đưa ra là học sinh thường xuyên được yêu cầu trả lời câu hỏi của giáo viên nhưng chưa được khuyến khích đặt nhiều câu hỏi hay vẽ những ý tưởng lên giấy.
6 vấn đề Thủ tướng giao Bộ Giáo dục cần khắc phục càng sớm càng tốt |
Điều đó khiến người Hàn Quốc giỏi đưa ra câu trả lời, dễ dàng trả lời những câu hỏi trắc nghiệm nhưng không thực sự giỏi sáng tạo.
Ông Lee cho biết, Hàn Quốc đã hiểu được điều này và cần điều chỉnh. Thời gian vừa qua, Hàn Quốc đã sáng kiến chia một năm học ra thành ba kỳ.
Kỳ đầu, học sinh không phải trải qua bất kỳ bài kiểm tra nào và không bị chấm điểm.
Ngược lại, các em được khuyến khích đặt câu hỏi, chủ động tương tác với giáo viên, làm dự án riêng. Điều này nhằm giảm áp lực, tăng khả năng sáng tạo của học sinh.
"Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những người có thể đi tiên phong. Giáo dục phải tạo ra những học sinh, sinh viên có thể đi tiên phong chứ không phải đi theo chân người khác.
Do đó, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng vì vai trò của trường đại học là giảm khoảng cách giữa học thuật và môi trường làm việc của các doanh nghiệp.
Chính vì vậy cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp cùng với đó các trường đại học cần tạo ra nền tảng công nghệ, những nghiên cứu cơ bản không nên tách rời với nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm”, ông Lee khẳng định.
Những ý tưởng trong phòng thí nghiệm ở trường đại học cần nhanh chóng được chuyển hóa thành sản phẩm và thương mại hóa nhanh. Hàn Quốc đang cố gắng cải thiện điều này và ông Lee gợi ý Việt Nam cũng nên chú trọng.
Ông Lee nói thêm: “Các trường đại học là chủ thể quan trọng tạo sự chuyển biến của đất nước, trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở tất cả các nước. Do đó, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới các trường đại học để đạt được bước đại nhảy vọt”.
Thay vì bắt học thuộc lòng thì hãy tạo hứng thú cho học trò
Ông Ju-Ho Lee chia sẻ học sinh Hàn Quốc cũng đạt kết quả PISA tốt như học sinh Việt Nam, nhưng về sau không còn hứng thú với Toán nữa vì cứ phải trả lời câu hỏi của người khác đưa ra.
Và theo khảo sát về năng lực của người Hàn Quốc, học sinh rất tập trung để vượt qua kỳ thi đại học nhưng khi đã vào trường đại học rồi lại không học nhiều nữa. Người Hàn Quốc có năng lực tốt ở độ tuổi trẻ nhưng càng lớn càng giảm đi.
Luật giáo dục đại học cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” |
Từ thực tế đó, ông Lee cho rằng không chỉ Hàn Quốc mà cả Việt Nam cần chú trọng đến học tập suốt đời và để làm được điều đó thì việc tạo hứng thú cho học sinh thay vì bắt các em học thuộc lòng là rất cần thiết.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Lee, một trong những cách giúp học sinh hứng thú học tập là ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy để tạo ra những bài giảng chất lượng, thú vị, có độ tương tác cao.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo viên ngừng sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống. Họ cần kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và người thầy phải tự nhận ra cần thay đổi để thích ứng với thực tế đó.
Chuyên gia giáo dục Hàn Quốc nhận định việc ứng dụng công nghệ cao trong giảng dạy nên tập trung vào các giáo viên trẻ vì họ là tương lai của nền giáo dục.
"Những người lớn tuổi như tôi đôi khi cảm thấy hơi ngại khi phải nghiên cứu về công nghệ cao để có thể ứng dụng trong giảng dạy nhưng giáo viên trẻ lại rất thích thú, từ đó có khả năng ứng dụng tốt hơn”, ông Lee giải thích.