Để học sinh - sinh viên hiểu hơn về HIV-AIDS

01/03/2012 06:00
Nguyễn Lâm Tùng
(GDVN) - Làm thế nào để hơn 55% thanh - thiếu niên xóa bỏ được kỳ thị đối với những người HIV-AIDS, đây được xem là thách thức lớn.
Theo số liệu điều tra SAVY 2 do Viện Xã hội học Việt Nam tiến hành được công bố mới đây, có tới hơn 55% trẻ vị thành niên và thanh niên cho thấy dấu hiệu của thái độ phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Đây được xem là thách thức lớn trong nỗ lực xóa bỏ kỳ thị đối với nhóm người có HIV. 
Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của xã hội nói chung? Và làm thế nào để hạn chế tối đa sự kỳ thị này trong cộng đồng? Bác sỹ Jean Baptiste Dufordcp-Tùy viên Hợp tác Y tế và Phát triển xã hội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ với Báo GDVN xung quanh câu chuyện này.
Hơn 55% vị thành niên và thanh niên Việt Nam có dấu hiệu kỳ thị với người bị nhiễm HIV, ông nghĩ sao về con số đó?
Bác sỹ J.B. Dufordcq: Nói thật là bản thân tôi khá bất ngờ khi nghe những số liệu của cuộc điều tra SAVY 2. Bất ngờ hơn khi 70% thanh thiếu niên Việt Nam có hiểu biết về phòng tránh HIV-AIDS, nghĩa là họ có thông tin nhưng lại không thể bảo vệ được mình trước nguy cơ lây nhiễm HIV. Và còn tới 1/3 số học sinh-sinh viên được hỏi vẫn cho rằng: Muỗi đốt, ăn uống chung bát đĩa hoặc tiếp xúc với người nhiễm HIV cũng có thể bị lây nhiễm. Tôi cũng lấy làm lạ vì vai trò giáo dục phòng tránh HIV của gia đình Việt Nam quá sức mờ nhạt (chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1-3%). 
Sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV-AIDS trong thanh thiếu niên có xuất hiện nhiều ở Pháp không, thưa ông?
Bác sỹ J.B. Dufordcq: Tôi không nghĩ việc kỳ thị với người nhiễm HIV là cố hữu ở một quốc gia nào. Nó là câu chuyện có thể bắt gặp ở mọi quốc gia, dù ít hay nhiều, lộ liễu hay kín đáo và ở nhiều nhóm tuổi. Pháp nói riêng hay châu Âu nói chúng cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cách nhìn nhận vấn đề thì lại là điều cần phải suy ngẫm. 
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Bác sỹ J.B. Duordcq: Tôi lấy ví dụ như ở Pháp và nhiều quốc gia châu Âu, gia đình không những là nguồn thông tin quan trọng nhất mà còn là nền tảng cho việc phòng tránh HIV-AIDS trong thanh thiếu niên. Không mờ nhạt như ở Việt Nam các bạn. Các gia đình châu Âu thường khuyến khích con em mình sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Chúng tôi cũng đặt sẵn những chiếc máy bán bao cao su tự động để tất cả mọi người có thể tiếp cận được. Cha mẹ và con cái cũng thường xuyên trò chuyện với nhau về vấn đề giới tính một cách gần gũi và thẳng thắn. Tôi nhận thấy sự gắn bó của các em học sinh-sinh viên với gia đình ở Việt Nam là rất chặt chẽ nhưng vai trò giáo dục thì chưa hẳn đã cao.
Vậy theo quan điểm cá nhân ông, sự kỳ thị đối với nhóm đối tượng bị nhiễm HIV sẽ ảnh hưởng như thế nào tới xã hội nói chung?
Bác sỹ J.B. Dufordcq: Tôi nghĩ với mỗi lựa chọn, chúng ta đều sẽ được và mất. Tuy nhiên trong vấn đề nhạy cảm này, tôi tin sự kỳ thị sẽ khiến chúng ta mất nhiều hơn. Kỳ thị sẽ chỉ khiến những người nhiễm HIV xa lánh hơn với cộng đồng. Họ sẽ sống khép kín, không chịu đi chữa trị. Họ sẽ có những hành vi, cách cử xử “tương xứng” với những gì xã hội dành cho họ, từ đó mức độ lây lan sẽ lớn hơn rất nhiều. Ở châu Phi đã có thời kỳ số người nhiễm HIV mới giảm mạnh nhờ việc chính phủ khuyến khích và giúp đỡ người nhiễm bệnh đi điều trị. Điều cần làm là khai thác cái thiện trong con người họ, để họ thấy được xã hội luôn dang rộng tay đón họ hòa nhập trở lại với cộng đồng. Tôi tin rằng, kỳ thị sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả. 
Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm của nước Pháp trong việc giảm thiểu hiện tượng kỳ thị với người nhiễm HIV trong cộng đồng ở học sinh-sinh viên?
Bác sỹ J.B. Dufordcq: Ngoài vai trò của gia đình như tôi đề cập ở trên, truyền thông cũng là một khía cạnh cần quan tâm. Các công cụ truyền thông cần phải nhắm tới những nhóm đối tượng chuyên biệt. Ví dụ như với người nghiện hút, có thể khuyến khích và hỗ trợ việc điều trị tại gia đình hoặc bằng việc sử dụng thuốc methadol. Tôi thấy ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng hay TP. HCM hiện cũng có bán loại thuốc này. Với đối tượng mại dâm (cả nam và nữ), cần coi họ là nạn nhân của sự nghèo đói, để tạo điều kiện về công ăn việc làm, giúp họ sớm hòa nhập trở lại với cộng đồng. Với nhóm đồng tính, không thể coi họ là những người “không bình thường” hoặc bệnh nhân. Bản thân họ đâu muốn bị như vậy. 
Tôi cũng lấy làm buồn khi ghé thăm một số bệnh viện ở Việt Nam, bởi hiện tượng kỳ thị đối với người nhiễm HIV còn rất phổ biến. Những nhân viên hoặc bệnh viện phải lãnh “trách nhiệm” điều trị bệnh nhân nhiễm HIV giống như là họ bị “trừng phạt” vậy. 
Nói chung, để xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị với người nhiễm HIV trong giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung là điều không dễ và cần rất nhiều thời gian. Trong đó vấn đề giáo dục cần được quan tâm hàng đầu. Tôi tin truyền thông và giáo dục có thể tác động tích cực vào nhận thức của thế hệ trẻ. Những đứa trẻ sinh ra không may bị nhiễm HIV nếu được giáo dục tốt, không phải chịu sự kỳ thị từ các mối quan hệ xã hội sẽ có cơ hội phát triển bình thường và đóng góp được nhiều cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!
HIV chỉ là một bệnh có thể chữa trị
“Tháng 10/2011, tại Hội thảo về Thần kinh học được tổ chức tại thành phố Chicago (Mỹ), các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận quan trọng, đó làhệ thần kinh của thanh thiếu niên bị nghiện (bất kể là nghiện thứ gì) đều rất dễ bị tổn thương và khác nhiều so với những người bình thường. Điều này chỉ ra rằng, chỉ nên coi nghiện là một loại bệnh có thể chữa trị được chứ không phải là hiểm họa gì ghê gớm. Để từ đó có cái nhìn và cách cư xử đúng mực hơn với người bệnh”.
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi (Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam).
Cần giáo dục hiểu biết khoa học về tình dục
“Nhiều năm làm công tác tư vấn, tôi nhận thấy nguyên nhân lây nhiễm HIV đang có xu hướng chuyển dịnh từ tiêm chích sang quan hệ tình dục, đặc biệt là ở tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đó là bởi giới trẻ hiện nay đã có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề tình dục. 
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các bạn trẻ đặc biệt là nam giới thường có nhu cầu quan hệ tình dục hết sức ngẫu hứng mà không có biện pháp phòng tránh. Đừng bao giờ chủ quan với kiến thức của mình. Phải luôn tỉnh táo để nhìn nhận ra mối nguy hiểm mà bản thân có thể mắc phải. Vấn đề đặt ra là cần giáo dục và nâng cao hơn nữa hiểu biết khoa học trong thanh thiếu niên về tình dục”.
TS Vũ Minh Phượng (Phó trưởng Bộ môn Điều dưỡng, trường ĐH Y Hà Nội).
Nguyễn Lâm Tùng