Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ

15/07/2016 06:54
Phúc Lai
(GDVN) - Trộm nghĩ, không biết các con của chúng ta đang học cho chúng, hay học cho bố mẹ chúng đây?

LTS: Những đứa trẻ luôn là “ngôi sao” trong mắt cha mẹ chúng. Điều này càng rõ nét hơn khi các em bước vào tuổi đi học.

Càng ở các thành phố lớn thì dường như trẻ càng bị ngộp thở trước những áp đặt và kỳ vọng quá đáng của bố mẹ mình.

Là một phụ huynh, hôm nay tác giả Phúc Lai muốn bày tỏ nỗi cực nhọc của những đứa trẻ khi bị bố mẹ kỳ vọng quá nhiều qua những câu chuyện mà tác giả đã được chứng kiến. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Cứ đến cuối năm học, lên các trang mạng xã hội là chóng mặt lên vì đủ thể loại giấy khen, bằng khen… được các vị phụ huynh (phần nhiều là các bà mẹ) đưa lên, và đi kèm với hình ảnh là những lời khen, lời tung hô “có cánh” làm cho bố mẹ nở hết cả mặt mũi.

Trộm nghĩ, không biết các con của chúng ta đang học cho chúng, hay học cho bố mẹ chúng đây?

Hôm nay đi họp phụ huynh, tôi mới biết con gái út vừa kết thúc lớp Một với kết quả là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với tất cả điểm Toán 10, Tiếng Việt (đọc, viết) đều 10, tiếng Anh cũng… 10 nốt. 

Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ ảnh 1
Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ (Ảnh: phunuonline.com.vn)

Trao đổi với cô giáo, chúng tôi chưa bao giờ cho rằng cháu là thần đồng hay thiên tài gì đó. Mọi thứ với gia đình tôi là bình thường, vì có thể sang năm, sang năm nữa cháu sẽ không đạt được như vậy nữa.

Câu chuyện của cháu hết sức đơn giản, cháu là người được rèn thói quen học hành nghiêm túc, ngăn nắp, nghiêm cẩn.

Cô giáo cũng nhận xét, con gái của chúng tôi không có gì nổi bật: không đàn ca sáo nhị, không múa hát MC, cũng không học thêm học nếm gì ở ngoài…

Và tôi rất bất ngờ khi được biết rất nhiều gia đình, ngay từ khi con còn rất nhỏ, đã “đầu tư” đi học quá nhiều thứ, từ vài ca ngoại ngữ/tuần đến phụ đạo cho các môn chính khóa (thậm chí các cháu học ở những trường dân lập không có yêu cầu phụ đạo). 

Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ ảnh 2

Khi con thi trượt Đại học

Đến thời điểm này, hơn 200 trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi, bên cạnh niềm vui, không ít thí sinh và gia đình đứng trước nỗi buồn thi trượt.

Ngồi trong buổi họp phụ huynh, tôi nhớ lại cách đây một năm, con tôi phải trải qua một kỳ kiểm tra sàng lọc đầu vào của một trường tiểu học dân lập có tiếng của Hà Nội.  

Nếu năm đó, cháu làm bài không đạt thì cháu đã đi học ở trường làng, trường công lập, đúng tuyến, một môi trường học tập “bình dân” và cũng ít hiện tượng bon chen thành tích hơn. 

Nhưng bất ngờ, cháu lại “đỗ vớt” vì nhà trường có chính sách tuyển các cháu đã có anh, chị học ở trường và cháu đỗ vì anh trai cháu đang học tại đó. 

Ngày đi nộp hồ sơ cho con, chứng kiến cảnh chánh văn phòng trường ngồi tiếp hàng chục cuộc điện thoại mà tôi vừa ngao ngán, lại vừa tâm đắc với giải thích của bà. Lời thoại như sau: 

Dạ chào chị. Vâng, văn phòng trường Đ. đây ạ. Dạ không, kỳ kiểm tra này không có chính sách phúc tra chị nhé. 

Vì do số lượng đơn quá nhiều vượt quá khả năng của trường, nên chúng tôi phải tổ chức sàng lọc. 

Kiểm tra như vậy, con chị không được tuyển không có nghĩa là cháu học kém hơn các bạn khác, và các bạn được tuyển cũng không có nghĩa là học giỏi hơn con chị. 

Cháu đi học trường khác vẫn có thể học giỏi được như bình thường chị ạ, chị cứ yên tâm là như thế. Xin nhắc lại là cuộc kiểm tra này không nói lên điều gì cả
.”

Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ ảnh 3

Học hành như chạy đường dài

Con vào lớp 1, nhiều bậc cha mẹ vội cho con học thêm ngay để không thua kém bạn bè.

Nghe tới đây, tôi cảm nhận được sự thất vọng rất lớn ở đầu dây bên kia.

Như lời chánh văn phòng trường nói, có nghĩa là, bài kiểm tra sàng lọc này không phải là điều gì ghê gớm, học sinh đạt kết quả xuất sắc hay bị “trượt” hoàn toàn không ảnh hưởng tới quá trình học tập của các cháu về sau. 

Ấy thế mà, nhiều ông bố bà mẹ vẫn tự tin khoe rằng: “Con nhà tôi thi lớp 1 vào trường Đ. đạt điểm xuất sắc, không phải nhờ ai xin”. 

Còn tôi, tôi mừng vì khi làm bài kiểm tra về, con tôi thẳng thắn nói: “Con làm được câu này, câu kia…còn câu này không làm được vì chưa ai dạy, con chưa được học…”. 

Tôi mừng vì con dám nói thật, dám thẳng thắn nhìn nhận bản thân. 

Tôi cũng phải nói thêm rằng, suốt năm học lớp 1, việc học của con tôi giống như đi chơi, mỗi ngày chỉ tập trung học khoảng 30 phút nhưng trên tinh thần học cẩn thận, biết kiểm tra để sửa chữa.

Ngoài giờ học ra, con tôi làm đủ những thứ mà cháu say mê như vẽ vời, xem hoạt hình, chơi búp bê, chơi đồ hàng….

Ngày đi họp phụ huynh cho con, trong lớp có trường hợp bé trai giống con gái tôi, đó là không học trước vào lớp 1 nhưng luôn bình tĩnh, cẩn thận khi làm bài nhưng kết quả học tập của hai cháu vẫn xuất sắc như các bạn. 

Tôi nhớ lại, khi chuẩn bị thi học kỳ 1, nhiều bà mẹ lên trang cá nhân chia sẻ nỗi “sợ” con thi trượt học kỳ. 

Có phụ huynh kêu than: “Em học cùng con đến 12 giờ đêm chưa học xong bài các bác ạ!”. 

Thậm chí, họ còn “hoảng” khi biết con gái tôi chỉ học 30 phút mỗi ngày, tôi phải động viên rằng: “Cô, chú yên tâm, giờ thi cử không khó tới mức “giết” các cháu đâu”, khi đó mới an tâm phần nào. 

Là một phụ huynh, tôi nghĩ rằng, điều tốt nhất dạy các cháu bây giờ là cách ứng xử bình tĩnh, tự tin, hòa đồng và thân thiện, biết yêu thương mọi người và môi trường sống, thái độ sống trách nhiệm với mọi thứ xung quanh…chứ quan trọng nhất không phải là một kết quả học tập xuất sắc. 

Và điều quan trọng, là ai cũng chỉ có mười mấy năm ngồi trên ghế nhà trường, hãy làm thế nào để con cái chúng ta hạnh phúc với quãng đời đó, đừng để những kỳ vọng nọ kia của bố mẹ biến cuộc sống của con đầy những áp lực triền miên.

Chia sẻ niềm vui vì thành tích của con là điều tốt, nhưng hãy thận trọng vì những tung hô, xưng tụng… như một thứ ma túy. Rồi chúng ta sẽ quen với quỹ đạo: “Đã là con anh A, chị B là phải học giỏi, là phải đỗ trường này, học bổng trường khác…” và không như thế thì không được. 

Hãy để cho các con chúng ta học vì tương lai và sống cuộc đời của chính các cháu, chứ không phải học vì sự thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ. 

Phúc Lai