"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị"

13/11/2016 06:40
GS.Hoàng Xuân Sính
(GDVN) - Người đi làm thạc sĩ hay tiến sĩ của nước ta hầu như chỉ nhằm tiến thân vào chức vụ này nọ, không hề mong muốn có thêm kiến thức để làm việc tốt hơn.

LTS: Chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam) nói rằng, đào tạo sau đại học ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị, vì nhiều người đi học lấy bằng không phải vì mong muốn làm việc tốt hơn mà là để thăng tiến chức vụ.

Lâu năm trong giáo dục, chúng tôi đã thấy ở nước ta có 3 vấn đề rất đáng chú ý: Đối với bậc phổ thông các trường phấn đấu để học sinh đỗ vào đại học; Đối với bậc đại học các trường phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp có việc làm; Đối với bậc sau đại học thì ta có một hiện tượng kỳ dị, đó là không phải phấn đấu gì hết.

Chúng tôi xin nói rõ hiện trạng của bậc sau đại học: Trước hết Bộ Giáo dục chưa phân loại "thạc sĩ nghề nghiệp" và "thạc sĩ nghiên cứu". Thạc sĩ nghề nghiệp th́ì có thể vừa học vừa làm, chỉ đến trường nghe giảng vào hai ngày thứ bảy và chủ nhất mỗi tuần; nhưng thạc sĩ nghiên cứu thì phải dành toàn bộ thời gian để học và học rất căng.

Thạc sĩ nghề nghiệp nhằm giúp người đi làm có thêm kiến thức cho công việc được tốt hơn. Còn thạc sĩ nghiên cứu là để dành cho ai có mong muốn dấn thân vào nghiên cứu.

Cho tới nay tôi chưa thấy có quy chế về thạc sĩ nghiên cứu ở nước ta, và tôi đã đọc một văn bản của Bộ Giáo dục đề cập tới thạc sĩ nghiên cứu trong tương lai sắp tới, tôi xin hoan nghênh.

Cho nên khi làm tiến sĩ, các thày hướng dẫn phải chấp nhận nghiên cứu sinh chỉ có thạc sĩ nghề nghiệp, và đành phải làm hộ hoặc cho ra lò những luận án tồi. Vả lại người đi làm thạc sĩ hay tiến sĩ của nước ta hầu như chỉ nhằm tiến thân vào chức vụ này nọ, không hề mong muốn có thêm kiến thức để làm việc tốt hơn.

Hiện nay người ta đi làm thạc sĩ, tiến sĩ thường là với mấy mục đích sau đây: Thứ nhất, mong tiến thân cho những chức vụ có bổng lộc. Thứ hai, xóa đi dĩ vãng học đại học không mấy hay ho như học tại chức, học liên thông, học dân lập bằng cách học thạc sĩ ở những trường đại học lớn - các trường đại học lớn của ta rất khắt khe trong việc tuyển sinh đại học nhưng lại rất nhẹ tay khi tuyển sinh cho bậc sau đại học, khó nghe thấy ai trượt tuyển sinh sau đại học.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính chỉ rõ, đào tạo sau Đại học ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị. ảnh: Văn Chung.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính chỉ rõ, đào tạo sau Đại học ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị. ảnh: Văn Chung.

Chúng tôi cũng xin nói về học phí học thạc sĩ trong nước. Học phí chính thức không đắt, các trường lấy hầu như bằng nhau, nhưng theo dư luận thì có khoản có biên lai (nghĩa có biên lai cho học phí chính thức), có khoản không có biên lai và khoản này thì tùy từng trường.

Các bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng đào tạo thạc sĩ có lời vì nhà trường không phải phấn đấu đào tạo gì cả do người học đã có công ăn việc làm không như với sinh viên ở bậc đại học, và do học phí đã được xác định giữa học viên và nhà trường với những khoản không có biên lai.

Chúng tôi là trường tư, không dám có những khoản không biên lai, cho nên với học phí chính thức thì chỉ đủ chi trả lương thày, mọi khoản khác không tính đến.

Nhiều lần họp Hội đồng quản trị, tôi không trả lời được câu hỏi của một số thành viên: Tại sao người ta lời nhiều với đào tạo thạc sĩ mà trường này lại kêu lỗ? Tôi chẳng biết trả lời ra sao.

Quan hệ người học với thày giáo và lãnh đạo một trường tư có khác: Cứ có chút chút điều gì không vừa lòng thì người học đòi hỏi phải có văn bản để đưa ra chính quyền. Tất nhiên chúng tôi chấp nhận điều đó và coi đó là quyền lợi của người học.

Chúng tôi bắt buộc phải có đào tạo sau đại học, nếu muốn làm công tác nghiên cứu, và cũng là để nâng cao trình độ giáo viên. Nhưng thế giới đều biết là đào tạo sau đại học rất tốn tiền, vì thế ta thấy ở những nước theo giáo dục Anh Mỹ tiền học phí rất cao, trừ các nước chủ trương đại học công là chính như Pháp, Đức thì học phí mới thấp.

Thầy Việt Nam cho điểm gì mà cao thế?

Bộ Giáo dục của ta rất khuyến khích các trường trong nước liên kết với đại học nước ngoài để đào tạo thạc sĩ, điều này cũng dễ hiểu vì chương trình của họ tốt, giáo viên có trình độ khoa học vững vàng và cập nhật; việc liên kết được Bộ khuyến khích bằng cách cho điểm trong xếp hạng phân tầng các trường đại học.

Sau một số năm làm liên kết, chúng tôi nhận thấy rằng áp lực của đối tác liên kết và của người học quá lớn: đối tác luôn đòi tăng phí đào tạo, người học thì không chịu học phí cao, cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận bù lỗ. Chúng tôi cho đối tác biết áp lực phải chịu, họ trả lời chúng tôi muốn mua danh tiếng thì phải chịu.

Tôi không biết các bạn đồng nghiệp trong nước thấy thế nào về việc này, đối với chúng tôi, không thấy có danh tiếng gì thêm cho trường khi liên kết với đại học nước ngoài.

Người học đến chỗ chúng tôi học, chỉ chăm chăm có cái bằng nước ngoài mà xã hội coi trọng, không bao giờ kể đến cái trường nơi họ đến học, nó tiếp sinh viên thế nào, nó có đủ phương tiện đáp ứng việc học thế nào?

Hoàn toàn không, chúng tôi chẳng có danh tiếng gì với người học cũng như với xã hội. Nếu có danh tiếng thì là danh tiếng với nước ngoài như sau: họ nói với chúng tôi rằng tại sao mỗi lần thi lại quay cóp nhiều như vậy khiến họ bắt phải thi lại nhiều lần?

"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị" ảnh 2

"Có thể có bạn đồng nghiệp nghĩ chúng tôi điên rồ"

(GDVN) - Nữ giáo sư, Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam, nay đã 83 tuổi nói chuyện về làm giáo dục ngày nay. Hóa ra, câu chuyện đâu phải chỉ có tiền nhiều hay ít?

Thày Việt Nam cho điểm gì mà cao thế (phía chúng tôi phụ trách dạy 1/3 chương trình để học phí hạ xuống) để tổng điểm tốt nghiệp bao giờ cũng cao nhất trong 3 nơi thi  là Mỹ, Pháp, Việt Nam trong khi điểm đầu vào lại thấp nhất? Danh tiếng của chúng tôi chỉ có vậy.

Trước tình hình liên kết như vậy, cho nên trong giai đoạn hiện nay chúng tôi thấy không nên mở rộng liên kết với đại học nước ngoài mà phải tập trung vào nâng cao đào tạo sau đại học trong nước.

Chúng tôi đã có chủ trương mời thày nước ngoài dạy cho những môn mà chúng tôi thấy cần thiết cho việc hội nhập khi nước mình đã ký một loạt hiệp định thương mại với quốc tế. Vấn đề khó khăn ở đây là học viên không nghe giảng được bằng tiếng Anh.

Vì vậy, chúng tôi đã tung giảng viên của mình dịch bài giảng bằng tiếng Anh sang tiếng Việt, phát bài giảng bằng cả hai thứ tiếng cho học viên trước khi lên lớp, và cuối cùng lúc giảng viên nước ngoài dạy thì giảng viên của chúng tôi ở bên cạnh để dịch và cũng để giải thích khi có thắc mắc.

Một lớp dạy như vậy rất tốn tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận, vì:

Thứ nhất giảng viên trẻ của chúng tôi được nâng cao trình độ và có nhiều cơ hội tiếp xúc với đại học nước ngoài.

Thứ hai, việc phát bài giảng cho học viên bằng hai thứ tiếng giúp học viên trong công việc họ đang làm khi họ gặp tình huống phải sử dụng tiếng Anh.

Thứ ba, học viên thấy rõ là chúng tôi tổ chức lớp học như vậy là vì người học.

Qua chuyện trên, là nhà quản lý, chúng tôi hiểu rằng để phản ứng tích cực, nhanh nhạy với tình hình thì phải được chủ động trong tài chính, trong học thuật và trong nhân sự. Tất nhiên là trường tư dễ dàng xử lý hơn trường công vì nhân sự lãnh đạo không nhiều và vì chúng tôi không nhận tài trợ của nhà nước.

Chúng tôi có thể tóm tắt sau các trình bày ở trên : chúng tôi được tự chủ với  ít ràng buộc trong chi tiêu và tổ chức - nhân sự. Về học thuật thì chỉ được phần nào như việc tổ chức dạy cao học trong nước như kể trên; còn ngành nghề và khung chương trình thì hoàn toàn là nằm trong khung đã định sẵn.

Và còn việc xin phép liên kết với một đại học nước ngoài thì quả là khó khăn, nó có những quy định mà chúng tôi mong rằng trong tương lai sẽ bớt đi. Mọi người trong chúng ta đều hiểu rằng tự chủ trong học thuật làm trường nổi tiếng.

GS.Hoàng Xuân Sính