Chính sách cán bộ, không thể dùng triết lý “ăn xổi”

27/10/2015 06:46
Xuân Dương
(GDVN) - Đưa người trẻ có tài, có đức vào vị trí lãnh đạo Đảng, chính quyền là chuyện bình thường, không có gì phải bàn luận.

Tạp chí Cộng sản số ra ngày 2/7/2014 có bài “Nhận diện biểu hiện “Lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ và giải pháp khắc phục” của các tác giả: Cao Văn Thống, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; TS. Đỗ Xuân Tuất, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. [1] 

Bài báo nêu lên 4 biểu hiện của “Lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức - cán bộ:

Thứ nhất, lợi ích nhóm trong việc ban hành chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ

Thứ hai, lợi ích nhóm trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của cấp trên về công tác tổ chức, cán bộ thành các quy định, quy chế, quy trình cụ thể của cấp dưới để trục lợi.

Thứ ba, lợi ích nhóm trong việc chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ.

Thứ tư, lợi ích nhóm trong việc tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ.


Nhận định đăng trên tạp chí “Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” cho thấy “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức - cán bộ không còn là biểu hiện mà đã là một thực trạng có thể nhận diện, không còn là mới manh nha mà đã trở nên trầm trọng.

Chính sách cán bộ, không thể dùng triết lý “ăn xổi” ảnh 1
Ảnh chụp màn hình bài viết trên tạp chí Cộng sản

Những ngày gần đây, số cán bộ được bầu hoặc lựa chọn giữ cương vị lãnh đạo ở địa phương tuổi đời 30 - 40 khá nhiều. Một thực tế thú vị là khá nhiều người trong số đó trưởng thành từ cái nôi Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trước các sự kiện này, Báo Tiền Phong, cơ quan của Trung ương Đoàn có hai bài viết đáng chú ý: “Chọn được người “có tài, có đức”... còn rất xa!” [2]; “Cần giáo dục ý thức vinh, nhục cho cán bộ”. [3]

Quan tâm đến câu chuyện nhân sự không chỉ là người Việt trong nước mà còn khá đông kiều bào ta ở nước ngoài, TS. Đoàn Xuân Lộc sống ở Anh Quốc nêu ý kiến: 

Lãnh đạo, quan chức hoặc quá máy móc, chỉ lo làm "đúng quy trình", vận hành "đúng quỹ đạo" hoặc tư tưởng, lời nói luôn bị "đóng khung", …, không phải ai cũng dám nghĩ, thẳng thắn nói lên những suy nghĩ riêng của mình hay thừa nhận những bất cập, "biết sửa sai để làm đúng" như ông (Bí thư Đà Nẵng - TG)”. [4]

Đưa người trẻ có tài, có đức vào vị trí lãnh đạo Đảng, chính quyền là chuyện bình thường, không có gì phải bàn luận. 

Vấn đề là vì sao dư luận lại phải đặt nhiều câu hỏi về con ông nọ, cháu bà kia, vì sao cứ mỗi dịp như vậy trên mạng xã hội lại đầy rẫy hình ảnh về tài sản của những cán bộ trẻ mới chỉ làm việc trong cơ quan nhà nước được chừng 5, 6 năm, vì sao báo Tiền Phong lại phải nêu ý kiến “cần giáo dục ý thức vinh và nhục của người cán bộ”?

Tác giả Huỳnh Thế Du trong bài: “Nhân sự U40: Cải cách táo bạo” [4] viết: “Điều đáng quan tâm là trong cách nhìn của rất nhiều người Việt chúng ta, những người xuất phát từ nghèo khó, từ bàn tay trắng học giỏi hay thành công mới là điều đáng nói. 

Nếu có bệ phóng thuận lợi mà thành công thì đâu có gì để nói. Đây là cách nhìn cản trở sự phát triển của xã hội
”.

Quan điểm triết học biện chứng cho rằng mỗi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng chính là động lực của sự phát triển.

Theo tinh thần đó, hai quan điểm “những người xuất phát từ nghèo khó, từ bàn tay trắng học giỏi hay thành công” và “có bệ phóng thuận lợi mà thành công” phải được nhìn nhận một cách công bằng, không thiên kiến.

Chính sách cán bộ, không thể dùng triết lý “ăn xổi” ảnh 2

Lời khuyên của ông Vũ Quốc Hùng dành cho các tân lãnh đạo cấp tỉnh trẻ tuổi

(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng: “Chúng ta có thể chết đi, nhưng lịch sử không bao giờ chết. Lịch sử sẽ xem xét một cách công bằng tất cả những ai thật sự vì nước, vì dân”.


Rõ ràng hai quan điểm này là không đồng nhất, có thể xem đó là mâu thuẫn cần phải giải quyết thỏa đáng trong công tác tổ chức - cán bộ hiện tại. 

Người viết cho rằng ủng hộ những người “xuất phát từ nghèo khó, từ bàn tay trắng học giỏi hay  thành công” là cách nhìn vừa nhân văn, vừa khoa học dù đôi khi nó là cách nhìn nặng về “tình” hơn là về “lý”. 

Trong một xã hội mà số hộ nghèo, cận nghèo lên tới 2.781.237 hộ, chiếm 11,6% tổng số hộ cả nước [5] thì việc động viên con em xuất thân từ thành phần này vươn lên chính là góp phần nâng cao dân trí. Dân trí thấp mới chính là nguồn gốc cản trở sự phát triển của xã hội.  

Tuy vậy cũng cần phải thấy rằng, học giỏi và thành công trong chuyên môn không có nghĩa là cũng giỏi và thành công trong quản lý, lãnh đạo. Kinh nghiệm cho thấy không ít người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học hay văn học nghệ thuật lại không thành công trong công tác hoạch định chính sách. 

Ngược lại, thiên về phía “có bệ phóng thuận lợi” tức là làm giảm cơ hội cho số còn lại.

Nên nhớ rằng số người “có bệ phóng thuận lợi” chỉ là thiểu số trong xã hội và việc họ được đào tạo bài bản ở những trường “tốt nhất nhì thế giới” chưa chứng tỏ họ có đủ năng lực, phẩm giá cần thiết, uy tín của họ cần được kiểm chứng qua việc làm thực tế chứ không phải qua “bệ phóng”.

Từ bao đời nay, người Việt luôn có cái nhìn thiện cảm với những người nghèo học giỏi, thành đạt nhưng chưa bao giờ ca ngợi những người đó nếu họ không mang tài trí của mình phục vụ quốc gia, dân tộc. 

Cùng với việc tôn thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì người Việt cũng tôn thờ người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Cùng với việc đề cao Yết Kiêu, Dã Tượng thì người Việt cũng tôn vinh Hoài văn hầu Trần Quốc Toản…

Công bằng mà nói, nếu hai người tài trí ngang nhau, một người xuất thân chốn bình dân, một người xuất thân trong gia đình quan chức (mà ta quen nói là “con quan”) thì con quan sẽ có ưu thế hơn người bình dân vì cuộc sống hàng ngày cho họ điều kiện tiếp xúc với các quan chức, với những sự việc diễn ra ở tầm cao, không loại trừ cả những tình huống xảy ra nơi công đường dù họ chưa phải là quan chức.

Chính sách cán bộ, không thể dùng triết lý “ăn xổi” ảnh 3

Danh sách Ban thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020

(GDVN) - Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM công bố đồng chí Võ Văn Thưởng giữ chức Phó Bí thư thường trực nhiệm kỳ mới, cùng với 3 Phó Bí thư khác cũng vừa được Đại hội bầu.

Một khi đã như vậy thì cuộc thi xử lý tình huống, nếu tổ chức một cách công bằng, phần thắng sẽ nghiêng về phía con quan, phía “có bệ phóng” và đương nhiên người thua cuộc sẽ tâm phục, khẩu phục. Vậy tại sao một cuộc thi như thế vẫn chỉ là hy vọng?

Câu chuyện 600 trí thức trẻ được đưa về làm phó chủ tịch các xã nghèo nói lên điều gì? Báo Laodong.com.vn trong bài “Đừng để hoài bão của 600 trí thức trẻ phải dở dang” viết: “trong Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 của các xã nơi họ đang công tác, hơn 3/ 4 trong số họ không được bầu vào cấp ủy”. 

Những người bị loại khỏi cấp ủy ấy, bao nhiêu người “có bệ phóng” và bao nhiêu người “không có bệ phóng”? Một câu hỏi khác mà ít người muốn nêu lên là trong số 600 trí thức trẻ ấy có mấy người thuộc diện “có bệ phóng hoành tráng” hay đa phần chỉ là con em lao động?

Cho rằng đề cao “những người xuất phát từ nghèo khó, từ hai bàn tay trắng”  là “cách nhìn cản trở sự phát triển của xã hội” không phải là cách nhìn biện chứng, nếu không nói đó cũng là một “cách nhìn cản trở sự phát triển của xã hội”. 

Anh Quốc được xem là đất nước bảo thủ nhưng ngày nay họ vẫn có chính sách phong tước Hiệp sĩ cho những người được quần chúng mến mộ.

Phong tước Hiệp sĩ nghĩa là công nhận họ thuộc vào hàng ngũ quý tộc, nghĩa là công nhận vai trò của những cá nhân xuất thân từ tầng lớp bình dân, đó mới là cách không cản trở sự phát triển của xã hội.

Các triều đại phong kiến trên toàn thế giới, tầng lớp quan lại đa phần là hoàng thân, quốc thích, đều là những người “có bệ phóng thuận lợi” nhưng chưa một triều đại nào tồn tại vĩnh viễn. 

Ưu tiên lựa chọn những người “có bệ phóng thuận lợi” có thể là một quan điểm nêu lên để cùng nhau bàn luận, song nếu quảng bá như một chính sách thì có khi lại phản tác dụng.

Di truyền cận huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ làm thoái hóa giống nòi, khiến cho các thế hệ sau suy giảm trí tuệ và thể lực, điều này không phải do con người nghĩ ra mà do tự nhiên sắp đặt. 

Để tránh hiện tượng “di truyền cận huyết” trong chính quyền, các nền quân chủ chuyển sang quân chủ lập hiến, bên cạnh vua, nữ hoàng còn có thủ tướng.

Bên cạnh việc cha truyền con nối còn có bầu cử tự do, có các chính đảng, nghị viện… Anh Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản… chính là những nước theo chế độ quân chủ lập hiến và là những quốc gia phát triển nhất thế giới.

Không xem nhẹ giới bình dân, cũng không đặt mọi hy vọng vào giới quý tộc đó mới là cách nhìn nhận khoa học, đó mới là cách phát triển đất nước. Sự chuyển đổi thái cực, từ cực hữu sang cực tả luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường. 

Người viết đồng ý với quan điểm của tác giả Hoàng Thế Du: “Nói một cách cụ thể, quan điểm kéo người khác thụt lùi cho bằng mình nên được thay đổi theo chiều ngược lại”.

Theo chiều ngược lại nghĩa là “kéo người khác tiến lên cho bằng mình”, điều này chỉ đúng khi tâm và tầm của “mình” cao hơn “người khác”. 

Còn nếu “Ai cho phép chú tài hơn anh?” (Dân trí, 16/10/2015) thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời đã trích trong bài báo là của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu “Lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân những người giỏi, không cho họ ngồi vào những vị trí quan trọng". 

Tại một thời điểm nào đó, chẳng hạn khi chuyển giao thế hệ, khi cơ chế phát hiện, bồi dưỡng  nhân tài chưa đi vào quỹ đạo, giữa hai nhóm người tài trí ngang nhau, đều chưa có những thành tích được xã hội công nhận thì việc chọn người thuộc nhóm “có bệ phóng thuận lợi” là một biện pháp tình thế có thể chấp nhận.

Nhưng đó chỉ là “biện pháp tình thế” theo kiểu “ăn xổi” chứ không thể là triết lý xây dựng chính quyền.

Khi Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng đã phải nêu những tồn tại thực tế về “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức - cán bộ thì kết luận cho rằng “cách nhìn của rất nhiều người Việt chúng ta” trong việc ủng hộ “những người xuất phát từ nghèo khó, từ bàn tay trắng” chỉ là “cách nhìn cản trở sự phát triển của xã hội” có phải là hơi vội vàng, có phải cũng chỉ là cách nhìn xuất phát từ “nhóm lợi ích” nào đó mà rõ ràng đó không phải là nhóm “bình dân”?

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2014/27961/Nhan-dien-bieu-hien-Loi-ich-nhom-trong-cong-tac-to-chuc.aspx

[2]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chon-duoc-nguoi-co-tai-co-duc-con-rat-xa-924249.tpo

[3]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-giao-duc-y-thuc-vinh-nhuc-cho-can-bo-917634.tpo

[4] http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/10/151022_doanxuanloc_thaygi_o_haibithu

[5] http://baochinhphu.vn/Doi-song/Ca-nuoc-giam-con-597-ho-ngheo/236871.vgp

Xuân Dương