“Lò củi và Lò quan”

24/12/2018 06:08
Xuân Dương
(GDVN) - Khi “Lò củi” mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm đang đỏ lửa thì cũng còn đâu đó vẫn có không ít “Lò quan” đang âm ỉ hoạt động.

Chỉ trong thời gian hơn nửa nhiệm kỳ (khóa 12) gần 50 cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu một số cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cả đương chức và về hưu, bị thi hành kỷ luật [1].

Trong số này nhẹ thì khiển trách, nặng thì bị tù hơn 30 năm hoặc chung thân, đặc biệt có tới hơn 20 vị tướng đã bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự.

Việc chuẩn bị nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Tung ương khóa 13 đang được tiến hành, những định hướng cơ bản đã được nêu trong bài: “Đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tình hình mới”. [1]

Cầm đèn chạy trước … Tiều phu

Bài viết cho rằng: “Đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài”.

Việc xếp “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”ở vị trí thứ tư, không phải là “tiền đề, nền tảng hay đột phá” có phải đã hợp lý? 

Xin nêu vài ý kiến đối với quan điểm này: 

Năm 2018, các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng khoảng 7%.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng ngày 12/7/2016, số liệu được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy trong vòng 10 năm, thiệt hại kinh tế do các vụ tham nhũng gây ra lên tới gần 60.000 tỷ đồng, nhưng nhà nước chỉ thu hồi được hơn 4.600 tỷ đồng, tức là cũng vào khoảng 7%”. 

Cuộc chiến chống nội xâm - dựa theo ngôn ngữ của người đứng đầu nhà nước - là chiến dịch “Đốt lò”, tất cả các loại “củi khô, củi tươi, củi ai ái” cho vào lò sẽ cháy hết khi lò nóng.

Ảnh minh hoạ của Đài truyền hình Việt Nam
Ảnh minh hoạ của Đài truyền hình Việt Nam

Với tốc độ “đốt” như hiện nay, sau bao nhiêu năm nữa lượng “củi” sẽ giảm về con số 7% thay vì 30% từng được một số vị lãnh đạo và dư luận đề cập?

Có thể sẽ phải năm năm, mười năm, cũng có thể còn lâu nữa vẫn chưa đạt được tỷ lệ mong muốn bởi còn liên quan đến tốc độ “Chế biến củi”.

Vậy “Chế biến củi” có phải là ngành Giáo dục?

Để trả lời câu hỏi này, phải hiểu thế nào là “củi”?

“Củi” theo cách hiểu chính thống là những người “Phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, mua quan bán chức, tham ô, nhận hối lộ,… ”.

Theo nghĩa đó “củi” được thu gom khắp mọi miền đất nước cho vào “lò” là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách. 

Que diêm, lò nóng và củi tươi

Một số lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân,… liên quan đến những đại án đã bị xét xử không gọi là “củi” bởi với họ chuyện “phai nhạt lý tưởng” không được đặt ra, với họ chỉ có lợi nhuận, mặc dù rất nhiều trường hợp họ có liên quan mật thiết với các loại “củi”, thậm chí là sân sau của “củi”.

Với cách hiểu như thế thì ngành Giáo dục có nhiệm vụ “trồng và chăm sóc cây”, từ cây thành “củi” là quá trình chế biến khác, và dư luận không thấy rõ nét sự liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến quá trình này.

Hơn chục năm trước, tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo cấp thấp nhất (phường/xã) đã được quy định trong Quyết định 04/2004/BNV của Bộ trưởng Bộ nội vụ: 

- Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Chính trị: Có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

Cũng trong năm 2004, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV về tiêu chuẩn Giám đốc sở, trong đó bắt buộc:

Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; Tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; Tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên;…”

Gần đây tiêu chuẩn giám đốc sở do các bộ ban hành, chẳng hạn Thông tư số 77/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bắt buộc phải:

Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên;

Đã hoàn thành Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường dành cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức;…”

Với những cứ liệu nêu trên, có thể cho rằng nhiệm vụ của ngành giáo dục là đào tạo những công dân có đạo đức và kiến thức khoa học, không đào tạo ra cán bộ, công chức.

“Con Lươn, con Chạch” và ba con số 10

Bất kỳ ai muốn trở thành lãnh đạo cơ quan thuộc hệ thống chính trị đều phải được đào tạo “lý luận chính trị”, ở cấp cao hơn thì phải là “chuyên viên”, phải có bằng cấp về quản lý hành chính nhà nước. 

Những kiến thức theo “quy trình” này thường do hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị (quận/huyện), Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý (cấp bộ, tỉnh), học viện chính trị ở cấp trung ương đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò gì và có thể tác động đến quá trình “sản xuất” được “chuyên môn hóa” cao này hay không?

Phải chăng giáo dục chỉ có nhiệm vụ ươm mầm, trồng cây, từ cây sản xuất ra các loại “đồ gỗ cao cấp” - lẫn trong đó là “củi cành”, “củi dăm”, “củi gộc” - là nhiệm vụ của các cơ sở có chuyên môn đặc biệt. 

Số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ cho thấy:

Toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 947.376 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.553 tập thể, 34.673 cá nhân;…” [2] 

Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp;…

Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp (kê khai tài sản), phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực”. [3]

Chống tham nhũng phải chống từ gốc, từ quá trình bổ nhiệm lãnh đạo tại các cơ sở đào tạo nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp thành cán bộ lãnh đạo. 

Nếu những người được gọi là “thày” tại các cơ sở này “nhúng chàm” thì làm sao có thể đào tạo ra những cán bộ chân chính?

Việc đánh giá năng lực, đạo đức trước khi cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng là cần thiết song chính quá trình đào tạo, bồi dưỡng mới phát hiện đúng năng lực thực sự của cán bộ tương lai.

Lọt qua cửa ải này mà gần 50 cán bộ cấp chiến lược bị xử lý thì không thể nói không có trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng, đào tạo, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kim Thành (Hải Dương) đã bị cách chức vì chỉ đạo lập khống hồ sơ, giả mạo chứng từ để rút tiền ngân sách nhà nước, để ngoài sổ sách nguồn thu của đơn vị với tổng số tiền 812 triệu đồng. [4]

"Choảng" nhau tại công sở, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Bảo Lộc bị kỉ luật. [5]

Huyện ủy Thới Bình thi hành kỷ luật với hình thức Khiển trách đối với ông Dương Thành Đê, Giám đốc và ông Dư Minh Niệm, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Thới Bình vì “chi sai nguyên tắc hơn 244 triệu đồng”. [6]

Khi “Lò củi” mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm đang đỏ lửa thì cũng còn đâu đó vẫn có không ít “Lò quan” đang âm ỉ hoạt động.

Bên cạnh đó không thể không kể đến các “Lò ấp tiến sĩ” hoặc “Lò ươm giáo sư” mà dư luận từng đề cập.

Vậy có nên xem xét một cách toàn diện, triệt để, trả lại sự trong sạch cho hệ thống “Lò quan”, để sản phẩm ra lò là những “hoành phi, câu đối” chứ không phải là “củi” hay “ghế”?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/50734/Danh-gia-can-bo-lanh-dao-quan-ly-cap-chien-luoc-trong.aspx

[2]http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201606/thanh-tra-chinh-phu-tong-ket-10-nam-thuc-hien-luat-phong-chong-tham-nhung-300803/

[3]http://thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/PhongChongThamNhung/View_Detail.aspx?ItemID=480

[4]https://dantri.com.vn/xa-hoi/cach-chuc-giam-doc-trung-tam-boi-duong-chinh-tri-rut-tien-ngan-sach-20180807063738498.htm

[5]https://laodong.vn/thoi-su/choang-nhau-tai-cong-so-giam-doc-trung-tam-boi-duong-chinh-tri-tp-bao-loc-bi-ki-luat-549644.ldo

[6]http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/38404802-ca-mau-ky-luat-can-bo-o-huyen-thoi-binh.html

Xuân Dương