"Gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông đang trở thành hiện thực?

22/05/2017 05:48
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Nếu không cảnh giác và tỉnh táo trong khi phát biểu, đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc thì dễ mắc cạm bẫy của Bắc Kinh. Từ đó, họ sẽ khai thác những sơ hở.

Dự luận đang bàn tán xôn xao về việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thứ Ba tuần trước 16/5/ tuyên bố, nước ông sẵn sàng cùng Trung Quốc và Việt Nam, hai đối thủ chính trong tranh chấp Biển Đông, thăm dò tài nguyên ở Biển Đông.

Đồng thời tuần qua cũng có một vấn đề khác rất thu hút sự chú ý, mà dư luận coi là có nội dung tương tự đã thể hiện tại điểm 6, Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc, nhân kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “… tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển…”.

Đã có nhiều nhận định, đánh giá ở những thái cực khác nhau: có người lạc quan, tin tưởng rằng đó là những tuyên bố thích hợp, hiện thực và đúng đắn; 

Nhưng cùng với đó cũng không ít người hết sức quan ngại, thậm chí bất bình vì họ cho rằng những tuyên bố này chỉ có lợi cho Trung Quốc, thậm chí đã “quy phục” Trung Quốc…

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi xin được đề cập và phân tích một số nội dung có liên quan sau đây:

1. Giải pháp tạm thời dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế

1.1.Giải pháp tạm thời trong quá trình đàm phán phân định khu vực chồng lấn tạo ra bởi các vùng biển được xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982

“Hợp tác phát triển (khai thác) chung” là giải pháp tạm thời có tính thực tiễn để giúp giải quyết loại tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ: 

“Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. 

Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.” (Khoản 3).

Trong thực tế, vận dụng quy định này của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “hợp tác phát triển ( khai thác) chung” (Joint-development) ở vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. 

Khi áp dụng giải pháp này, các bên đều vận dụng, trên cơ sở phải tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. 

Nếu tạo ra vùng chồng lấn thì các bên liên quan cần đàm phán để hoạch định ranh giới trong phạm vi vùng chồng lấn đó. 

Trong khi đàm phán, nếu như chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, thì các bên có thể áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” các vùng biển chồng lấn.

Như vậy, nếu yêu sách ranh giới biển và thềm lục địa nào không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì đương nhiên không được xem xét để áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” có giá trị thực tiễn và tiến bộ này. 

Chẳng hạn, đường “lưỡi bò” chiếm trên 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vạch ra không phù hợp với bất cứ một quy định nào của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đã bị cộng đồng quốc tế lên án và bị Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 phủ quyết.

Cho dù Trung Quốc đã chính thức công bố, hợp thức hóa yêu sách này, cũng sẽ không bao giờ được coi là một yêu sách hợp lý, có căn cứ khoa học để xem xét áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” vùng chồng lấn được tạo ra bởi con đường “hoang tưởng” này. 

1.2. Giải pháp tạm thời áp dụng cho quá trình giải quyết tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ và phân định biên giới quốc gia trên đất liền

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không quy định áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác cùng khai thác” cho tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ giữa các quốc gia. 

Đây là một loại tranh chấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này.

Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành, giải pháp tạm thời trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ hay phân định biên giới quốc gia trên đất liền thường được vận dụng là “giữ nguyên hiện trạng”. 

Thực chất, đây chính là nguyên tắc Status- quo.

"Gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông đang trở thành hiện thực? ảnh 2

COC là Bộ Luật Biển khu vực?

Nguyên tắc này đã được vận dụng khá phổ biến trong luật pháp và thực tiễn quốc tế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình giải quyết những tranh chấp giữa các bên trong các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội…

Với tư cách là một giải pháp tạm thời, trung gian, có tính thực tế, giải pháp này không làm ảnh hưởng hay có tác động gì đến kết quả của quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. 

Tuy nhiên trong thực tiễn, cách hiểu và vận dụng nguyên tắc này như thế nào vẫn còn là vấn đề khá phức tạp, nhiều khi còn tồn tại những nhận thức khác nhau...

Đặc biệt là những quan hệ pháp lý, chính trị nhạy cảm có liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia. 

Chính vì vậy khi triển khai ký và thực hiện các thỏa thuận đó, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc và tính toán rất kỹ và thận trọng. 

Nếu không sẽ bị mắc bẫy, bị rơi vào những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục được, nhất là trên phương diện pháp lý.  

2. “Gác tranh chấp, cùng khai thác” - cạm bẫy pháp lý của Trung Quốc

2.1. “Cạm bẫy pháp lý” được giăng như thế nào?

Quá trình tiến xuống phía Nam, độc chiếm Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược vươn lên trở thanh siêu cường quốc tế trong tranh chấp địa-chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc đã tính toán sử dụng nhiều biện pháp, thủ thuật, thủ đoạn khác nhau, lúc “cứng”, lúc “mềm”…

Song song với biện pháp sử dụng sức mạnh để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào những thời điểm khác nhau của thế kỉ trước, Trung Quốc đã tính toán sử dụng các biên pháp “mềm”, rất tinh vi và nguy hiểm. 

Một trong những biện pháp đó là việc họ đã đề xuất giải pháp “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” được ông Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20. 

Trong suốt hơn 40 năm qua, “gác tranh chấp, cùng khai thác" đã trở thành một chủ trương lớn trong triển khai chiến lược biển của Trung Quốc. 

Họ luôn tìm mọi cách để áp đặt ý tưởng và chủ trương này đối với các nước láng giềng. 

Đối với Biển Đông, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia…

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ tháng 11 năm 1991, Trung Quốc cũng đã nhiều lần đề cập với Việt Nam về chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Tuy nhiên, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không được đa số các nước ASEAN hưởng ứng, do các nước đều hiểu rõ bản chất của ý tưởng này là:

Biến khu vực không tranh chấp thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển và thềm lục địa của các nước khác nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.

Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”. 

Ban đầu là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”, sau đó thì rút gọn lại là “gác tranh chấp, cùng khai thác” và gần đây là “khai thác chung” hay “cùng khai thác”. 

Hơn thế nữa, Trung Quốc đang muốn đánh đồng đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” với giải pháp tạm thời  “cùng phát triển (khai thác)”vùng biển chồng lấn, có ý nghĩa thực tế theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Bển năm 1982.

Bằng cách đánh tráo các khái niệm này, họ âm mưu áp dụng cho hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò”. 

Ông Đặng Tiểu Bình, người đưa ra chủ thuyết "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác", ảnh: news.china.com.
Ông Đặng Tiểu Bình, người đưa ra chủ thuyết "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác", ảnh: news.china.com.

Rõ ràng, quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc đã vượt qua mọi quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thậm chí ý tưởng "gác tranh chấp, cùng khai thác" theo cách hiểu của Trung Quốc, hoàn toàn không có trong các án lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, quần đảo trên biển.

Mặc dù luôn luôn khẳng định chủ trương “cùng khai thác” không làm ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, song ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua “cùng khai thác” để hợp pháp hóa các yêu sách phi lý và phi pháp của mình trong Biển Đông. 

Họ còn muốn dùng vấn đề “cùng khai thác” để phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế. 

Thời gian qua, Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng “cùng khai thác” là biện pháp duy nhất để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. 

Trung Quốc cho rằng đề xuất này thể hiện thiện chí to lớn của phía Trung Quốc, có cơ sở pháp lý, không đụng chạm đến quan điểm của mỗi bên về vấn đề chủ quyền.

Họ lập luận "gác tranh chấp, cùng khai thác" có tính xây dựng, thực tế và tính khả thi nhất, tạo điều kiện cho các bên khai thác tài nguyên phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, cũng như góp phần giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định trên biển… 

Thực tế cho thấy trong triển khai chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, Trung Quốc vừa nhằm duy trì và củng cố yêu sách mở rộng phạm vi biển theo đường "lưỡi bò” trong Biển Đông, tranh đoạt được tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng.

Đồng thời họ còn nhắm mục tiêu giữ được bộ mặt “hòa bình”, tranh thủ dư luận, tăng cường ảnh hưởng chinh trị đối với khu vực, hạn chế vai trò của các cường quốc khác. 

Như vậy, đề xuất “gác tranh chấp, cùng  khai thác” của Trung Quốc  chỉ là một “cạm bẫy” pháp lý cực kỳ nguy hiểm. 

2.2.  Cảnh giác để không dính bẫy "gác tranh chấp cùng khai thác" của Trung Quốc.

Đường “lưỡi bò” chiếm trên 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vạch ra xuất phát từ tham vọng độc chiếm Biển Đông, không dựa vào bất cứ một quy định nào của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

"Gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông đang trở thành hiện thực? ảnh 4

Vùng chồng lấn, vấn đề hoạch định ranh giới biển và thực tiễn Việt Nam

Mặc dù Trung Quốc chính thức công bố, yêu sách này cũng sẽ không bao giờ được coi là một yêu sách hợp lý, có căn cứ khoa học để xem xét áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” trong vùng chồng lấn được tạo bởi con đường “hoang tưởng” này.  

Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước có tiềm năng dầu khí và không có tranh chấp.

Do vậy, đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” này của Trung Quốc không thể chấp nhận được, chí ít là về nguyên tắc. 

Nếu chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, dù chỉ là trên nguyên tắc chung chung, thì chúng ta cũng dễ mắc vào cạm bẫy của Trung Quốc, sẽ đưa chúng ta vào một ván bài mà họ đã sắp sẵn hòng đạt được ý đồ chiếm đến trên 80% diện tích Biển Đông; 

Trước mắt là họ muốn biến yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý trở thành yêu sách chính thức với sự chấp thuận của các bên tranh chấp trong Biển Đông. 

Nếu được như vậy, Trung Quốc đã “biến hóa” một yêu sách đơn phương vô lý, hoang tưởng, thiếu cơ sở, trở thành một yêu sách được các bên mặc nhiên thừa nhận. 

Nếu không cảnh giác và tỉnh táo trong khi phát biểu, đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc thì dễ mắc cạm bẫy của Bắc Kinh. Từ đó, họ sẽ khai thác những sơ hở có thể xảy ra trong bất kỳ một diễn đàn nào để kiên trì đòi chấp thuận yêu sách vô lý của mình.  

Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi tiếp phần 2: Philippines và Việt Nam trước cạm bẫy "gác tranh chấp, cùng khai thác"

Ts Trần Công Trục