Nhật xem xét viện trợ quân sự cho Đông Nam Á, "nắn" Trung Quốc ở Biển Đông

11/03/2015 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Thay đổi thế trận quốc phòng của Nhật Bản trong những tháng tới sẽ cho phép ông Shinzo Abe thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của mình trong khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Reuters ngày 11/3 đưa tin, 70 năm sau khi quân đội Nhật rút khỏi Biển Đông, Tokyo đang lặng lẽ di chuyển trở lại khu vực, nâng cao quan hệ hợp tác an ninh với Philippines và Việt Nam, hai quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Hợp tác an ninh của Tokyo là trên diện rộng, bao gồm cung cấp tàu tuần tra cho 2 nước, trong khi Nhật Bản sẽ tập trận chung hải quân lần đầu tiên với Philippines tháng tới.

Các bác sĩ quân đội Nhật Bản tư vấn giúp đỡ những thủy thủ tàu ngầm Việt Nam làm thế nào để đối phó với các vấn đề về sức ép dưới nước. Tokyo đang cung cấp nhiều hơn những trợ giúp như thế này nhằm tránh một phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh, một nguồn tin từ Nhật Bản cho biết. Việt Nam và Philippines "mâu thuẫn" với Trung Quốc trên Biển Đông trong khi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku ở Hoa Đông.

Tokyo không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng lo lắng bị cô lập một khi Trung Quốc khống chế tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu chạy qua vùng biển này, trong đó phần lớn các tàu thương mại Nhật Bản phải chạy qua. Hỗ trợ của Nhật Bản được đưa ra sau một bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe tháng 5 năm ngoái. Ông cam kết Nhật Bản sẽ giúp Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Hoạt động hợp tác này phù hợp với chính sách an ninh cứng rắn hơn của ông Shinzo Abe, người chủ trương muốn nới lỏng những hạn chế của hiến pháp hòa bình thời hậu chiến, đồng thời để khớp với chiến lược xoay trục sang châu Á của người Mỹ. "Xu hướng này ngày càng trở nên rõ ràng và tôi không nghĩ rằng Nhật Bản sẽ đi ngược lại xu hướng đấy, bất chấp lo ngại của Trung Quốc", Ian Storey, một chuyên gia an ninh khu vực từ Singapore cho biết.

Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi các hoạt động bất hợp pháp của lực lượng tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái. Ảnh Reuters.
Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi các hoạt động bất hợp pháp của lực lượng tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái. Ảnh Reuters.

Tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ hy vọng Nhật Bản "nói và hành động thận trọng" ở Biển Đông và Tokyo không phải một bên tranh chấp. Trong Thế chiến thứ II, hải quân Nhật Bản hoạt động tàu ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) mà ngày nay là trọng điểm tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đã và đang tạo ra các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) từ một số bãi đá và rặng san hô quá nhanh có thể mở rộng sự hiện diện hải - không quân của họ.

Một số chuyên gia tin rằng những hòn đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này sẽ cho phép Trung Quốc áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như đã làm ở Hoa Đông. Mỹ và Nhật Bản đã phớt lờ, thách thức các quy định ADIZ Hoa Đông, trong khi các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn không dễ dàng để đưa ra một phản ứng tương tự như vậy một khi Bắc Kinh tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. "ADIZ sẽ là một thảm họa. Nó sẽ hạn chế nghiêm trọng hoạt động hàng hải và tự do hàng không", một nhà hoạch định chính sách cấp cao Nhật Bản nói với Reuters.

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe cũng tăng cường hợp tác an ninh với Úc ở Biển Đông. Canberra gần đây đã phái một quan chức Bộ Quốc phòng đến Tokyo để giúp Nhật Bản xây dựng các mối quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Thay đổi thế trận quốc phòng của Nhật Bản trong những tháng tới sẽ cho phép ông Shinzo Abe thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản đang cân nhắc viện trợ quân sự để tài trợ cho việc bán vũ khí.

Hồng Thủy