Trung Quốc nói "không vội vàng" ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông?!

05/08/2013 20:03
Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)
(GDVN) - Dư luận cho rằng Trung Quốc có ý định củng cố các yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) ở Biển Đông thông qua sự phát triển sức mạnh hải quân và sự hiện diện (bất hợp pháp) của nó nên nó ít quan tâm đến việc nhanh chóng ký kết COC.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị
Bắc Kinh cho rằng "không nên vội vàng" ký một thỏa thuận trên Biển Đông nhằm quản lý các hành vi tranh chấp và các bên liên quan "không nên có những kỳ vọng không thực tế", Ngoại trưởng Trung Quốc ông Vương Nghị cho biết. Sau nhiều năm tìm cách lần lữa, né tránh và từ chối đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 và diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Brunei vừa qua, Bắc Kinh cho biết sẽ tổ chức "tham vấn" với các quan chức cấp cao ASEAN về COC vào tháng 9 tới. Mỹ không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng Ngoại trưởng John Kerry cũng khẳng định trong hội nghị tại Brunei, Mỹ có lợi ích chiến lược trong tự do hàng hải ở Biển Đông và muốn nhìn thấy tiến trình đàm phán, ký kết COC diễn ra nhanh chóng. Reuters dẫn phát biểu của ông Nghị trong khi đang ở thăm Việt Nam cho rằng, có nhiều công việc cần thiết chuẩn bị cho COC. "Trung Quốc tin rằng không nên vội vã. Một số nước đang hy vọng COC có thể thống nhất ngay, những nước này đang có kỳ vọng không thực tế", Tân hoa Xã dẫn lời ông Nghị cho biết. "COC liên quan đến lợi ích của các bên khác nhau và việc xây dựng nó đòi hỏi sự phối hợp rất lớn", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm, "không nên áp đặt ý muốn của cá nhân lên người khác." Ông Nghị cũng cáo buộc nỗ lực trước đây để thảo luận về COC đã thất bại "do một số bên gây rối", nhưng không nói cụ thể bên tranh chấp nào "gây rối"? Dư luận cho rằng Trung Quốc có ý định củng cố các yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) ở Biển Đông thông qua sự phát triển sức mạnh hải quân và sự hiện diện (bất hợp pháp) của nó nên nó ít quan tâm đến việc nhanh chóng ký kết COC.

Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)