GS.Nguyễn Minh Thuyết và những lời gan ruột của Thủ tướng!

29/01/2017 07:40
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Thủ tướng đến với người dân một cách bất ngờ, hỏi han rất cặn kẽ đời sống, tình hình buôn bán của bà con tiểu thương".

LTS: Đón Xuân Đinh Dậu 2017, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói rằng: Những cuộc vi hành của Thủ tướng, của các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng cho thấy một Chính phủ gần dân, lo lắng cho đời sống của nhân dân đúng như điều mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: “Liêm chính – Kiến tạo – Hành động”.

- Giáo sư có suy nghĩ gì trước những nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong năm 2016 với mục tiêu Liêm chính – Kiến tạo – Hành động?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Ngay khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố xây dựng một Chính phủ Liêm chính, Kiến tạo, Hành động.

Tôi nghĩ 6 chữ Liêm chính - Kiến tạo - Hành động là đầy đủ lắm. Đó là điều mà người dân chờ đợi từ rất lâu rồi.

Những tuyên bố của Thủ tướng làm người dân tin vào quyết tâm đổi mới của Chính phủ. Nhưng điều làm người dân tin tưởng hơn, yên tâm hơn là hành động của ông và các thành viên trong Chính phủ của ông.

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên tục nỗ lực để đạt được những mục tiêu đề ra, hướng tới sự tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và đặc biệt là xử lý nghiêm minh tệ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chèn ép người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Qua kiểm tra, giám sát, Chính phủ đã đánh giá và công bố công khai mức độ hoàn thành công việc trong năm của từng bộ, từng ngành và chỉ ra những điểm còn chưa tốt để tiếp tục nỗ lực cải thiện.

Tôi cho đây là biện pháp hết sức cần thiết, nhằm siết chặt kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Sự quyết liệt của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã giúp cho tập thể Chính phủ chuyển động mạnh mẽ hơn, từ đó việc ban hành các văn bản chính sách và  chỉ đạo sát hơn, kịp thời hơn với yêu cầu của thực tế đời sống, của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với nhiều tầng lớp nhân dân như công nhân, nông dân, doanh nhân, sinh viên,...  

Hẳn là nhân dân rất ấn tượng với hình ảnh Thủ tướng xuất hiện ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vào lúc sáng sớm. Thủ tướng đến với người dân một cách bất ngờ, hỏi han rất cặn kẽ đời sống, tình hình buôn bán của bà con tiểu thương.

Thủ tướng cũng căn dặn bà con phải giữ gìn an toàn thực phẩm, không nên thấy lợi mà làm ẩu. Đó là những điều mà lâu lắm rồi người dân mới được nhìn thấy ở người đứng đầu Chính phủ.

Những cuộc vi hành như thế của Thủ tướng, của các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng cho thấy một Chính phủ gần dân, lo lắng cho đời sống của nhân dân đúng như điều mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: “Liêm chính – Kiến tạo – Hành động”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ xuất hiện tại chợ đầu mối Long Biên vào sáng sớm, thăm hỏi động viên bà con tiểu thương. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ xuất hiện tại chợ đầu mối Long Biên vào sáng sớm, thăm hỏi động viên bà con tiểu thương. ảnh: VGP.

Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ mở ra hệ thống tiếp thu ý kiến người dân từ Cổng điện tử Chính phủ, để người dân và doanh nghiệp trực tiếp phản ánh về những chính sách, văn bản còn chưa hợp lý, những tiêu cực do cán bộ nhà nước gây ra mà doanh nghiệp thường phải chịu đựng.

Một ấn tượng sâu sắc nữa mà Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã để lại trong lòng người dân là thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, khuyết điểm.

Có lẽ lần đầu tiên người dân mới được nghe người đứng đầu Chính phủ nói rất thẳng rằng nợ công nếu tính đúng, tính đủ thì vượt trần rồi; làm ăn không cẩn thận thì sập tài khóa.

Những điều này, người dân đều biết cả, biết từ lâu rồi. Vì vậy, Thủ tướng nói thẳng ra thì người dân càng tin vào Thủ tướng, vào Chính phủ.

GS.Nguyễn Minh Thuyết và những lời gan ruột của Thủ tướng! ảnh 2

"Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước"

Hay, một thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về kết quả thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đã nói thẳng thắn là đề án này không đạt được mục tiêu.

Nhiều Bộ trưởng khác cũng đi sâu đi sát, thẳng thắn trong đánh giá tình hình chung của ngành, của các đơn vị và hành động quyết liệt để thay đổi tình hình. Có thể thấy một phong cách làm việc thống nhất của các thành viên Chính phủ đang hình thành.

Qua lời nói và hành động của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, người dân có thể cảm nhận những phát ngôn của Thủ tướng là những lời gan ruột, chứ không phải những lời nói xã giao.

Nhờ những nỗ lực chung, sau hơn một năm hoạt động của Chính phủ mới, kinh tế nước ta đã bước đầu vượt qua được giai đoạn khó khăn. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia từ con số âm đã đạt hơn 40 tỷ đô la Mỹ.

Tất cả những điều đó đang cho thấy nỗ lực và hiệu quả hoạt động của Chính phủ đầu nhiệm kỳ mới.

GS.Nguyễn Minh Thuyết đánh giá, người dân cảm nhận được rằng những phát ngôn của Thủ tướng xuất phát từ sự chân thành, từ gan ruột, chứ không phải lời nói xã giao. ảnh: Ngọc Quang.
GS.Nguyễn Minh Thuyết đánh giá, người dân cảm nhận được rằng những phát ngôn của Thủ tướng xuất phát từ sự chân thành, từ gan ruột, chứ không phải lời nói xã giao. ảnh: Ngọc Quang. 

- Theo ông, để thực sự đạt được mục tiêu “Kiến tạo”, Chính phủ còn phải giải quyết những khó khăn nào?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trong 6 chữ Liêm chính, Kiến tạo, Hành động thì thực hiện Liêm chính và Kiến tạo là khó nhất.

Liêm chính không chỉ là việc của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính; cán bộ, viên chức các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp; cán bộ, viên chức trong hệ thống chính trị nói chung.

Để tạo được chuyển biến của cả bộ máy hàng triệu người này, phải xây dựng và vận hành được cơ chế tổ chức, hoạt động, giám sát khiến người ta không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.

GS.Nguyễn Minh Thuyết và những lời gan ruột của Thủ tướng! ảnh 4

9 tồn tại, hạn chế và 10 thành tựu nổi bật năm 2016 của đất nước

Đó là điều chúng ta đã nhận thức được, nhưng để biến nó thành hiện thực,  còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là tư duy cũ.

Tư duy cũ cũng là vướng mắc lớn nhất để thực hiện Chính phủ Kiến tạo.    

Nhìn sang các nước phát triển, có thể thấy Chính phủ không làm thay công việc của doanh nghiệp, của người dân, mà tập trung vào việc tạo lập hành lang pháp lý, môi trường xã hội và các quan hệ hợp tác quốc tế giúp cho người dân làm ăn thuận lợi, xã hội bình yên, đất nước phát triển bền vững.

Trên thực tế hiện nay, bộ máy hành chính và các cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung của nước ta vẫn đang tốn nhiều thời gian để cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp như: Phát triển kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, kinh tế địa phương theo hướng nào; cái nào mũi nhọn, cái nào không phải mũi nhọn; chỉ tiêu sản xuất hằng năm của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp nhà nước ra sao,... Đó là biểu hiện tư duy làm thay doanh nghiệp, làm thay người dân.

Nhiều nước phát triển có diện tích, dân số và nền kinh tế lớn gấp nhiều lần nước ta, nhưng điều hành bộ máy hành chính chỉ có một Tổng thống hoặc Thủ tướng, một Phó Tổng thống hoặc Phó Thủ tướng và số Bộ trưởng ngang với số Bộ trưởng của ta, số lượng công chức ít hơn ta.

Nếu họ cũng sa đà vào việc của doanh nghiệp, của người dân, của các trường đại học v.v… như ta thì không biết đất nước họ có phát triển mạnh được không và có đủ thì giờ để mắt đến các vấn đề, các điểm nóng của thế giới không.

Nói cho đúng, nếp điều hành “cầm tay chỉ việc” không chỉ làm mất thì giờ, mà còn dẫn đến tình trạng chính sách xa thực tiễn, gò bó người dân, thậm chí kìm hãm sáng tạo của người dân, khiến đất nước chậm phát triển.

Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp cần những điều khác quan trọng hơn: Đó là thể chế tốt, môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường xã hội thuận lợi và hành động của công chức, viên chức nhà nước thực sự vì dân.

Một bộ máy nghĩ thay dân cũng sẽ quá cồng kềnh, tiêu tốn quá nhiều ngân sách, làm việc thiếu hiệu quả. Đây cũng là một lực cản đối với nỗ lực của Chính phủ.

Mới đây, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương mỗi năm phải giảm được 10% thủ tục hành chính; từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Giảm biên chế nhà nước là biện pháp cần thiết. Nhưng nếu không thay đổi được cái gốc là tư duy bao cấp thì người ta chỉ giảm hình thức, thậm chí giảm chỗ này lại phình chỗ kia, không giải quyết được vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một chuyến đi tìm hiểu đời sống của nhân dân đã dừng chân tại quán ăn bình dân tại phường Tân Thành (TP.HCM). ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một chuyến đi tìm hiểu đời sống của nhân dân đã dừng chân tại quán ăn bình dân tại phường Tân Thành (TP.HCM). ảnh: VGP.

- Đã có Đại biểu Quốc hội từng bày tỏ băn khoăn rằng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thì rất quyết tâm nhưng ở bên dưới địa phương thì vẫn xảy ra cảnh cán bộ “xin đểu” doanh nghiệp. Phải chăng đó sẽ là một lực cản làm chậm tiến trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, thưa Giáo sư?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi mong rằng, trong năm 2017 này, bộ máy tham mưu của Thủ tướng sớm đề xuất được những chính sách cụ thể hóa quyết tâm của Thủ tướng. Khi các thủ tục phiền hà được được tháo gỡ thì những công chức kém đức kém tài ít có cơ hội gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù chính sách có tốt đến mấy thì cũng khó loại bỏ được hiện tượng “lách chính sách, lách luật”, thậm chí “lách” ngay trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Vì vậy, cần phải có một cơ chế giám sát sâu rộng, có biện pháp xử lý mạnh đối với số công chức, viên chức nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Cứ nhìn vào thực tế thì có thể thấy, suốt hàng chục năm nay, quá nhiều dự án đầu tư bằng vốn nhà nước bị thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, ấy thế mà bây giờ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa xong.

Ngay chuyện tách các trường đại học, cao đẳng ra khỏi sự quản lý của các bộ cũng chưa làm được. Các trường đại học, cao đẳng mà còn giữ khư khư như thế thì làm sao dám “buông” doanh nghiệp ra?

Rồi chuyện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, nhìn qua thì chỗ nào cũng đúng quy trình, nhưng thực chất thì lại là gian dối.

Hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP HCM tắc đường trầm trọng vì xây quá nhiều nhà cao tầng; trong khi hạ tầng giao thông không cải thiện được bao nhiêu.

Chủ đầu tư những nhà cao tầng này là ai? Cứ điểm lại xem từ sau hòa bình lập lại đến nay, các thành phố cấp đất xây bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh viện và so sánh số lượng ấy với số nhà hàng, khách sạn, bất động sản v.v… thì thấy ngay vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã phải nói thẳng là quy hoạch thời gian qua “băm nát” Hà Nội. Nhưng liệu chỉ thị của Thủ tướng và quyết tâm của Chủ tịch UBND thành phố có ngăn được những tòa cao ốc ngất ngưởng sắp mọc lên “theo đúng quy hoạch, quy trình” giữa trung tâm làm tắc nghẽn thêm giao thông?

Nhân dân đang chờ xem hành động của các cơ quan chính quyền đi đôi với lời nói thế nào.

Ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung làm tôi nhớ lại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân ở Quốc hội khóa XI.

GS.Nguyễn Minh Thuyết và những lời gan ruột của Thủ tướng! ảnh 6

Sao ông phê bình tôi?

Trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng khẳng định đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố: Khi làm đường giao thông ở đô thị, cần giải phóng mặt bằng hai bên đường rộng thêm, cho đấu thầu quyền sử dụng đất đó để lấy tiền làm đường và bảo đảm có những dãy phố đẹp, hiện đại.

Nếu các đô thị thực hiện đúng hướng dẫn của ông Bộ trưởng thì không bao giờ có những con đường đắt nhất hành tinh mà nhà cửa thì siêu nhỏ, siêu méo như chúng ta phải đau lòng chứng kiến hiện nay.

Tất cả những điều này xày ra là do năng lực của lãnh đạo địa phương yếu kém hay họ biết thừa hậu quả mà vẫn cứ làm để cho các thế hệ sau giải quyết?

Cho nên một lần nữa người dân lại phải đặt ra câu hỏi: Có lợi ích nhóm ở những điều bất thường ấy không?

Đây chỉ là một lĩnh vực mà Chính phủ sẽ phải giải quyết trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tại sao nói mãi mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng cứ ì ạch? Đấy là vì có nguyên nhân nể nang nhau.

Tôi cũng đã từng nói với báo chí là rất khó xử lý vì đứng sau mỗi ông quan nhỏ thường có một hoặc nhiều ông anh, bà chị rất to. Nhưng ngoài nguyên nhân nể nang, còn nhiều nguyên nhân khác, mà nguyên nhân gốc là quyền lực chưa được kiểm soát.

Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng rằng doanh nghiệp và người dân còn khổ cực với cơ quan quản lý nhà nước.

Với phát biểu thẳng thắn như vậy, tôi hy vọng trong năm mới Đinh Dậu, Thủ tướng cũng như tập thể Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa để thực sự trở thành một Chính phủ kiến tạo và hành động.

Điều quan trọng là chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian và tiền của, và nếu sự thay đổi vẫn chậm thì chúng ta còn mất nhiều thứ nữa, và cái mất lớn nhất chính là niềm tin của nhân dân.

Ngọc Quang (Thực hiện)