Nhật ký Kim Bon:

“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống”

21/11/2011 06:00
Khuê Hạ (trích đăng)
(GDVN) - "Trước khi tham gia chuyến đi này, mọi người bảo tôi sẽ không đủ sức khỏe để đi, sẽ phải nghỉ làm vào đầu tuần. Nhưng mình vẫn khỏe, tràn đầy sinh lực.
LTS: Nhật ký chuyến đi của Báo Giáo Dục Việt Nam đến Kim Bon (Phù Yên – Sơn La) ghi lại những cảm xúc đặc biệt, lắng sâu của những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình đặt chân tới các vùng đất xa xôi để góp thêm bữa cơm, ly sữa, góp thêm miếng thịt cho trẻ em nghèo miền núi.

Những đoạn văn ngắn, những dòng cảm xúc đến một cách tức thời làm nên những câu chuyện, những blog đầy cảm động. Kỳ này, báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng 2 blog: Một là niềm cảm thương của bạn trẻ đến từ công ty Licogi. Hai là nỗi trăn trở, sự xót xa trước cảnh sống tồi tàn, xơ xác nơi trường học của trẻ em vùng núi của một sinh viên năm nhất trường Khoa học tự nhiên…

Những dòng nhật ký, những cảm nhận rất thật xuất phát từ tình yêu, sự đồng cảm và tấm lòng nhân ái của 2 bạn trẻ này đã khiến nhiều người phải suy nghĩ, trăn trở.

Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống Mình đã có 2 ngày cuối tuần cùng các em bé dân tộc vùng cao xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Đi tận nơi, chứng kiến tận mắt những khó khăn của các cô bé, cậu bé vùng cao mới thấy mình quá nhỏ bé, và những gì mình mang lên chỉ như muối bỏ bể mà thôi...
Lê Thị Lụa, làm việc tại Công ty Licogi: "Xa Kim Bon rồi mà lòng cứ vấn vương".
Lê Thị Lụa, làm việc tại Công ty Licogi: "Xa Kim Bon rồi mà lòng cứ vấn vương".
Đường đi vào xã Kim Bon rất gập ghềnh, khúc khuỷu. Sau này lên đến nơi, bác tài mới dám thổ lộ là lỡ đâm lao rồi phải theo lao, chứ bác ấy cũng chưa đi đường như này bao giờ. Xe ô tô chỉ đi đến được điểm trường chính thôi (trung tâm xã), còn từ đó đi lên các điểm trường lẻ thì phải nhờ các thầy cô giáo trong xã đèo bằng xe máy. Đường lên bản Đá Đỏ, xã Kim Bon thật là hãi hùng. Cả người và xe cứ nhảy chồm chồm suốt cả chặng đường 4km. Có lúc mình suýt văng ra khỏi xe, may mà kịp bám vào vai của thầy giáo! Đến trường, trời xâm xẩm tối rồi (may mắn là thầy cô vẫn giữ các em ở lại trường để đón đoàn từ thiện). Lạnh buốt vì mình đang ở độ cao 1000m so với mực nước biển. Vậy mà các em bé cấp 1 ở bản chỉ 1 manh áo mỏng, em nào "sang" thì có thêm đôi dép, còn lại là chân đất. Chân sưng phù hết cả thôi! Thương lắm...
“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống” ảnh 2
Mình thì áo ấm, khăn ấm còn em thì chỉ có 2 lần áo mỏng nhìn thật đau lòng

Mình nể phục các em ấy quá (trộm nghĩ, mình mà như các em chắc chả thèm biết cái chữ nó méo hay tròn!). Mà xin nói thêm, gọi là trường cấp 1 cho đúng "qui định" chứ thực ra mình không biết gọi tên ngôi nhà đó là gì. Nhà cấp 4, 1 phòng, dùng 1 tấm bạt căng lên 1 góc nhỏ làm chỗ ở cho thầy cô, còn lại ngăn thêm 2 ngăn nữa cho các em làm lớp học. Các thầy ở bản rất giỏi, dạy học bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng H'mong). Các em hầu như không nói được tiếng Việt. Chúng mình chỉ biết nhìn nhau thôi. Mình có cười với em nhưng các em nhỏ lại sợ sệt, gượng gạo cười lại với mình. Thêm một lần thương nữa!
“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống” ảnh 3
Lớp học bên trái
“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống” ảnh 4
Lớp học bên phải
“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống” ảnh 5
Chỗ nghỉ của giáo viên
Buổi tối cả đoàn quay lại điểm trường chính, giao lưu văn nghệ với các thầy cô giáo, học sinh xã Kim Bon. Mỗi cấp lại có thể mạnh riêng. Các bé mặc váy của dân tộc mình múa hay lắm. Thích lắm. Nhìn các em, mình bỗng thèm muốn được mặc váy hoa, ô xoay tròn trên vai, nhún nhảy theo điệu nhạc đậm chất núi rừng. … Sáng chủ nhật dậy sớm, mới thực sự thăm thú trường học và nội trú của các em học sinh ở đây. Được ở nội trú thì thích lắm, các em tập trung ở rất đông, 20 người/phòng (2 người/giường). Tuy nhiên, xót xa thay - phòng ở rất bẩn và trông "xác xơ" kiểu gì ấy. Bên cạnh dãy nhà ở là dãy nhà bếp (các em ở đây tự nấu ăn, thường thì 3,4 em chung lại nấu, cũng có em chỉ nấu ăn một mình).
Nói là bếp, chứ thực ra nó như 4 bức tường xây lên che chắn được ít gió thôi, chẳng có cửa giả gì cả.
Nói là bếp, chứ thực ra nó như 4 bức tường xây lên che chắn được ít gió thôi, chẳng có cửa giả gì cả.
Nói là bếp, chứ thực ra nó như 4 bức tường xây lên che chắn được ít gió thôi, chẳng có cửa giả gì cả. 4 viên gạch xếp chồng lên nhau là thành bếp rồi. Cứ 1 phòng bếp rộng rộng thì có 3, 4 cái bếp con con tự tạo của các em, ai dậy trước thì nấu trước, ai dậy sau thì nấu sau. Bữa ăn của các em chỉ có cơm và canh mì tôm, sáng mì tôm, trưa mì tôm, tối vẫn là mì tôm… Các em bảo cứ 3 người thì 2 gói mì. Vậy mà bữa ăn sáng nay của đoàn chúng tôi (có 30 người) là 30 gói mì tôm, cứ cảm giác như mình ăn đi bao nhiêu bữa ăn của các em. Nghĩ mà thấy tội cho các em quá! Khi được hỏi bao lâu thì được ăn thịt, các em không trả lời. Chợt nhớ đến bữa ăn có thịt hôm qua ở nhà của mình, còn thừa mứa quá nhiều, không biết các em có được miếng nào không???
Món ăn hàng ngày của các em phần lớn là rau và mì tôm - "Các em bảo cứ 3 người thì 2 gói mì".
Món ăn hàng ngày của các em phần lớn là rau và mì tôm - "Các em bảo cứ 3 người thì 2 gói mì".
… Sáng nay, các em bẫy được chuột, háo hức lắm lắm (2 con chuột thiếu nhi và 1 con chuột phụ nữ). Thui thui, mổ mổ, rửa rửa rồi cho vào canh mì tôm. Vậy là có tí "sao" long lanh trong bát canh rồi. Thiếu thốn là vậy nhưng khi cô Thơ, thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn thiện nguyện nhẹ nhàng thủ thỉ: "Cho cô ăn thử thịt chuột nhé... Nhưng mà có mấy miếng cô ăn thì các em ăn cái gì", các em bảo "cô cứ nếm thử đi". Thế mới biết: Thơm thảo lắm tấm lòng các em bé nơi đây!
Xót xa thay cảnh các em nhỏ phải tự nấu ăn. Thường thì 3,4 em chung lại nấu, cũng có em chỉ nấu ăn một mình.
Xót xa thay cảnh các em nhỏ phải tự nấu ăn. Thường thì 3,4 em chung lại nấu, cũng có em chỉ nấu ăn một mình.
À, phải nói thêm, chỗ các em lấy nước rất chi là khổ sở. Nước chảy ri rỉ như từ ngòi bút bi chảy ra vậy. Các em nấu ăn chung còn vui, chứ có em chỉ có một mình tự nấu ăn, thui thủi buồn lắm! Trong cái phòng rộng chừng 4 viên gạch (nó giống 1 cái xó hơn), em để cả củi, nồi niêu, chút ít rau củ, cặp sách, khăn quàng đỏ... Sáng nay, em ăn cơm hôm qua nấu chưa ăn hết. Cơm có màu đo đỏ, bám cục vào nồi, em cứ xắn từng miếng một thôi. Mọi người xúm lại hỏi han, mọi người xúm lại chụp ảnh tành tạch. Em chỉ cúi gằm, cứ xắn cơm, cứ chan canh ăn chứ chẳng nói câu nào. Chắc em tủi hổ lắm! Mình chợt nhớ đến bức tranh em bé và con kền kền. Thấy xót lắm!
“Trở về từ Kim Bon, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực sống” ảnh 9
Em học sinh này ăn một mình, nấu một lần ăn mấy bữa
...chỗ các em lấy nước rất chi là khổ sở.
...chỗ các em lấy nước rất chi là khổ sở.
… Xe về đến Hà Nội, mọi người lại tít tít điện thoại giải quyết công việc, kéo mình trở lại với thành phố ồn ào, náo nhiệt, với guồng quay của cuộc sống. Xa Kim Bon rồi mà lòng cứ vấn vương. Sẽ còn nhiều lần đi thăm các em ở nhiều vùng khó khăn khác trên đất nước mình. Biết đâu, có khi nào đó lại trở lại Kim Bon. Hi vọng lúc đó sẽ thấy các em có giầy để đi vào mùa đông, có áo ấm, có những bữa ăn có thịt có cá...Ước, ước!!! Trước khi tham gia chuyến đi này, mọi người trong công ty bảo mình sẽ không đủ sức khỏe để đi và sẽ phải nghỉ làm vào đầu tuần. Sự thực là ngược lại, mình vẫn khỏe, tràn đầy sinh lực cho tuần làm việc mới. Các em và cuộc sống khổ cực nơi vùng cao ấy có lẽ đã giúp mình thêm động lực để phấn đấu!. Đến với trẻ em Kim Bon, tôi đã tìm được hướng đi cho mình Tôi là sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Hơn 2 tháng học trên Thành phố phồn hoa, nhộn nhịp này, tôi đã học cách tự chăm sóc cho bản thân và lo toan cho cuộc sống. Ban đầu, mọi thứ đều rối ren, có khi còn bế tắc nhưng giờ thì đã ổn. Cuộc sống không còn trở nên nhàm chán, vô vị nữa. Tôi thực sự không biết mình đang làm gì và mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Nhiều lúc tôi đã nghĩ: Phải chăng mình đang kẹt trong một bãi đầm lầy?. Tôi đã suy nghĩ và phân vân rất nhiều, không biết có nên tham gia chuyến đi từ thiện đến Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) lần này hay không.  Cuối cùng thì tôi quyết định đi. Đơn giản chỉ vì muốn tìm lại hướng đi cho mình chứ không phải vì mục đích lớn lao là làm điều thiện như báo Giáo Dục Việt Nam đã đặt ra.
Đoàn Thị Thương, sinh viên năm nhất trường Khoa học Tự nhiên (áo đỏ): Cuối cùng thì tôi đã quyết định đi chuyến thiện nguyện Kim Bon - Đơn giản chỉ vì muốn tìm lại hướng đi cho mình chứ không phải vì mục đích lớn lao là làm điều thiện như báo Giáo Dục Việt Nam đã đặt ra.
Đoàn Thị Thương, sinh viên năm nhất trường Khoa học Tự nhiên (áo đỏ): Cuối cùng thì tôi đã quyết định đi chuyến thiện nguyện Kim Bon - Đơn giản chỉ vì muốn tìm lại hướng đi cho mình chứ không phải vì mục đích lớn lao là làm điều thiện như báo Giáo Dục Việt Nam đã đặt ra.
Lịch trình chuyến đi trùng với tuần kiểm tra giữa kỳ của tôi nên mọi thứ chưa được chuẩn bị kỹ càng nhưng niềm hồi hộp, háo hức lại lên tới cực điểm. Tôi tưởng tượng rất nhiều về chuyến đi, thích thú khi nghĩ về một vùng núi Tây Bắc mộng mơ, huyền ảo với các món ăn ngon và những trò chơi thú vị… Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời của tôi, hẳn là nó sẽ để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Và thực sự đúng là như vậy! Cho tới giờ, tôi vẫn cảm ơn về những gì tôi đã thu lượm được trong chuyến đi đó! Trên suốt hành trình gần 200km, trên xe không ngớt những tiếng cười, lời ca hát hay đối đáp của mọi người. Tấm lòng hướng về trẻ em nghèo vùng cao đã khiến mọi người gần nhau nhanh hơn và thân thiết hơn… Quả thật chuyến đi vất vả, đáng sợ hơn những gì mà tôi nghĩ. Khi nghe các lãnh đạo Kim Bon nói rằng: Đây là đoàn từ thiện đầu tiên đến Kim Bon thì tôi đã hiểu tại sao lại chưa có tổ chức nào đặt chân đến Kim Bon. Bởi một lẽ giản đơn: Địa hình quá hiểm trở cho bất kỳ một chiếc xe ô tô nào. Đường đi dốc và hẹp nên ngồi trên xe mà lúc nào tôi cũng thon thót lo sợ rằng chiếc xe có thể bị trượt hay lật xuống vực bất cứ lúc nào…
"Quả thật chuyến đi vất vả, đáng sợ hơn những gì mà tôi nghĩ".
"Quả thật chuyến đi vất vả, đáng sợ hơn những gì mà tôi nghĩ".
... Mới 4h rưỡi thôi nhưng mặt trời đã khuất núi từ lâu lắm rồi, tôi đã cảm nhận được cái rét buốt nơi vùng cao, mặc dù vẫn chưa vào đông. Sau những cung đường lắt léo, bụi mù mịt, hiện lên trước mắt chúng tôi là điểm trường lẻ xơ xác, chỉ có một phòng học, quá lạnh lẽo, quá vắng vẻ!  Tôi đã tự đặt câu hỏi: Tại sao các thầy cô giáo và các học trò nghèo ở đây có thể chịu đựng và vượt qua được những khó khăn đến tột cùng đến như vậy?!

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Khuê Hạ (trích đăng)