Trọng dân

12/06/2018 10:28
Trương Nam Tiến
(GDVN) - Một lần nữa, trái tim yêu nước cần đặt dưới cái đầu lạnh.

Những ngày này, mạng xã hội ngập tràn thông tin về đặc khu, người xem cần tỉnh táo để phân biệt đâu là luồng phản biện tích cực, đâu là “tin độc” cố ý đẩy vấn đề ra xa.

Nếu lược bỏ ngoài tai những thông tin có ý đồ thì phần còn lại vẫn toát lên tiếng nói có trách nhiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học và hàng triệu người dân có hiểu biết.

Một lần nữa, trái tim yêu nước cần đặt dưới cái đầu lạnh.

Lịch sử loài người rút ra kinh nghiệm “thiểu số phục tùng đa số”.

Thời xa xưa ở Hy Lạp cổ đại đã biết lập ra “hội đồng 500” đại diện và mang ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia.

Bài học về sự nổi giận của người Việt!

Trong nhà nước hiện đại, tiếng nói của người dân được chuyển tải bằng nhiều cách khác nhau, không những Quốc hội mà nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị về mọi mặt đều hình thành và tồn tại trên nền tảng nhân dân.

Dù muốn hay không cũng không thể bỏ qua vai trò của người dân trong mọi hoạt động, vận hành đúng nguyên tắc ấy tức thịnh trị ổn định.

Mấy thập kỷ hoạt động của Quốc hội không ít lần chứng kiến sự phụng sự người dân bằng việc hoãn thông qua một vấn đề nào đó có tính chất bước ngoặt, điều đó thiết nghĩ hoàn toàn bình thường.

Lần này người dân chưa hoàn toàn an tâm với các đặc khu hành chính - kinh tế cũng chính là thực hiện cái “dân bàn”, “dân kiểm tra”.

Quốc hội lắng nghe dân, tôn trọng dân đó là điểm cộng lớn.

Một người dân yêu nước là người đủ can đảm bày tỏ tấm lòng của mình với tương lai đất nước trong lúc nước sôi lửa bỏng.

Tuy nhiên, không để lòng yêu nước bị lợi dụng vào mục đích xấu xa.

Một Quốc hội trọng dân là Quốc hội tiến bộ.

Quốc hội ấy sẽ ngày càng mạnh lên nếu nói bằng tiếng nói nhân dân.

"Vua sám hối" và những bài học từ lịch sử

Chính phủ mới đúng là “kiến tạo” nếu trí tuệ, tinh thần nhân dân được tận dụng tối đa.

Lại nói về đặc khu, mấu chốt vẫn là điều luật cho thuê đất dài hạn.

Chúng ta cũng không nên coi đó là Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác, mà tất cả đều được chào đón nếu đến đặc khu với tinh thần xây dựng vì ích lợi song phương và ngược lại.

Cũng không gọi là những khu phố Tàu, tạm gọi đó là những khu vực của người ngoại quốc ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh… không biết họ đến Việt Nam từ khi nào nhưng chắc không phải quá lâu.

Chúng ta ứng xử ra sao với những cộng đồng người như thế?

Luật pháp Việt Nam luôn hoan nghênh người ngoại quốc đến sinh sống và làm việc nhưng không ai mong muốn xuất hiện những khu phố vắng bóng tiếng mẹ đẻ với tư cách là biểu tượng đất nước.

Ở đặc khu mấy chục năm, dù không muốn vẫn phải sinh con đẻ cháu để tiếp tục kế nghiệp thế hệ trước để lại.

Nhưng cũng không ai chắc chắn một doanh nghiệp nước ngoài sẽ bám trụ đến chừng ấy thời gian mà không có gì thay đổi.

Giả sử lúc hết nhu cầu đầu tư nhưng còn thời hạn sử dụng đất, nhà đầu tư tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ 3 thì sẽ thế nào?

Thậm chí nhận xong quyền sử dụng đất nhà đầu tư nhượng lại cho chủ khác thì sao?.

Que diêm và rừng cỏ dại

Trên thế giới không có nhiều thương hiệu tồn tại hàng trăm năm, làn sóng xuất khẩu tư bản luôn có tính thời điểm.

Điển hình là ở Trung Quốc, những năm 60 nước này bắt đầu trở thành “công xưởng của thế giới” - miền đất hứa của nhà đầu tư quốc tế.

Nhưng, hơn 50 năm sau đã xuất hiện một cuộc dịch chuyển quy mô lớn.

Nói dễ hiểu hơn, không ai chắc chắn vài chục năm sau những Samsung, Apple… còn sản xuất điện thoại.

Tức là về tương lai chúng ta chưa biết các nhà đầu tư còn sản xuất kinh doanh mặt hàng như cam kết ban đầu hay không.

Chuyện người ngoại quốc sinh con đẻ cái lập phố, lập làng không phải đến đặc khu mới trở thành khả năng mà đã có ở nhiều nơi.

Đã đành các nguy cơ ấy là có, và chúng ta thật sự vui mừng khi trên diễn đàn quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, nhân dân yên tâm, đã có Đảng, Nhà nước lắng nghe và lo lắng.

Sự thật là việc lắng nghe, lo lắng đã thành hiện thực.

Vậy nhưng, mấy ngày qua, các cuộc biểu tình có xu hướng bạo động bùng phát ở một vài nơi.

Cho đến lúc này, ai cũng hiểu là lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng.

Công quả bao năm xây dựng đất nước mới đạt được rất có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng nếu mỗi người chúng ta không tỉnh táo để hành động cho đúng.

Có rất nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn hoặc bất đồng, nhưng chọn bạo lực là cách làm tệ nhất và phần thiệt thòi, đau khổ luôn thuộc về người dân.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội trọng dân, biết rõ vai trò của người dân trên con đường cách mạng.

Cũng mong, nhân dân hiểu được và có việc làm phù hợp, nhất là trong lúc này.

Trương Nam Tiến