Ai là người ký quyết định cho Phó hiệu trưởng đi công tác nước ngoài?

06/10/2022 14:38
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đây là một vấn đề còn nhiều bất cập và gây bức xúc được Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ nêu ra tại tọa đàm diễn ra sáng ngày 6/10.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức ngày 6/10 tại Huế, Phó giáo sư Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có chia sẻ về việc chia sẻ phân cấp thẩm quyền Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong đầu tư mua sắm.

Theo cô Phương, Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về 5 vấn đề chính: Đào tạo; Nghiên cứu khoa học; Tổ chức, bộ máy, nhân sự; Tài chính (học phí, thu sự nghiệp,...); Chính sách học bổng, học phí và đầu tư, mua sắm.

Phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản cố định theo 2 nội dung chính

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Liên quan đến việc thực hiện việc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản cố định, Phó giáo sư Nguyễn Minh Phương cho biết, hiện nay trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện phân cấp theo 2 nội dung chính: Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê và Đầu tư mua sắm tài sản cố định và đầu tư xây dựng mới.

Về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, trường Đại học Y Dược Cần Thơ căn cứ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về tự chủ của các cơ sở sự nghiệp công lập.

Theo đó, Nhà trường sẽ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Đối với tài sản công trên 500 triệu đồng, Hội đồng trường ra Nghị quyết sau đó Hiệu trưởng hoàn chỉnh các thủ tục sẽ trình Bộ Y tế phê duyệt. Còn với tài sản dưới 500 triệu đồng thì Hội đồng trường ra Nghị quyết và Hiệu trưởng hoàn chỉnh thủ tục, Bộ Y tế chỉ cho ý kiến.

Về lĩnh vực đầu tư mua sắm tài sản cố định và đầu tư xây dựng mới, tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Hội đồng trường sẽ quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo phân cấp và các quy định hiện hành dựa theo quy chế tài chính Hội đồng trường đã ban hành.

Đối với các mức từ 15 tỷ đồng trở lên, trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng trường, Hiệu trưởng thực hiện theo quy định.

Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền Hội đồng trường trong lĩnh vực quản lý tài sản, tài chính và đầu tư mua sắm, xây dựng khi thực tế phát sinh theo quy định của pháp luật.

Đối với Hiệu trưởng, trường Đại học Y Dược Cần Thơ quy định Hiệu trưởng quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo phân cấp và các quy định hiện hành.

Đối với các tài sản ở mức dưới 15 tỷ đồng, trên yêu cầu đã được Hội đồng trường phê duyệt chủ trương, Hiệu trưởng tiến hành triển khai các hoạt động mua sắm thường xuyên theo kế hoạch tài chính đã được Hội đồng trường phê duyệt; Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; Triển khai thương thảo hợp đồng và ký kết hợp đồng; Theo dõi, quản lý các hợp đồng và thanh lý hợp đồng theo quy định hiện hành.

Về vai trò của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc trường, với trường Đại học Y Dược Cần Thơ là bệnh viện trực thuộc trường. Theo đó, trường quy định các nội dung liên quan đến việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị, tài sản khác.

Cụ thể, Giám đốc Bệnh viện sẽ quyết định mức dưới 2 tỷ đồng/ 01 lần; Từ 2 tỷ đồng trở lên/ 01 lần sửa chữa, bảo dưỡng đối với một đơn vị tài sản thì phải trình Hiệu trưởng xin phê duyệt. Với các trường hợp đột xuất, sẽ phải báo cáo Hội đồng trường kết quả thực hiện với các hạng mục ngoài kế hoạch năm đã được phê duyệt.

Hoạt động giám sát hiện nay mới chỉ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mà thiếu hành lang pháp lý

Chia sẻ khó khăn về vấn đề phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Phó giáo sư Nguyễn Minh Phương cho biết:

“Giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chưa có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung và Luật Đầu tư công, do đó các cơ sở giáo dục rất khó thực thi trong thực tiễn hoạt động.

Phó giáo sư Phương lấy ví dụ: tại Nghị định 151/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (Luật 15/2017/QH14) yêu cầu Hội đồng quản lý/người đứng đầu trình Bộ chủ quản.

Bà Phương đặt câu hỏi: “Vậy ai người ra quyết định đầu tư? Thủ trưởng đơn vị, Hội đồng quản lý hay Hội đồng trường?”

Tọa đàm "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ”. Ảnh: Doãn Nhàn

Tọa đàm "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ”. Ảnh: Doãn Nhàn

Ngoài ra, một khó khăn nữa được Phó giáo sư Phương đề cập đến là năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình xã hội chưa hiệu quả.

Về vấn đề giám sát, theo Phó giáo sư Phương, việc giám sát thường xuyên định kỳ hay đột xuất, chúng ta đã có thực hiện tuy nhiên thực tế việc giám sát hiện nay mới chỉ giám sát theo chức năng, nhiệm vụ chứ chưa có căn cứ pháp lý nào để giám sát?

Một khó khăn khác được Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề cập, không thuộc phân cấp tài chính, tài sản, tuy nhiên theo Phó giáo sư Phương đây là vấn đề gây bức xúc với chủ tịch Hội đồng trường, đó chính là vấn đề ký quyết định đi nước ngoài cho Phó hiệu trưởng.

“Nghị quyết các Phó Hiệu trưởng đi nước ngoài thuộc thẩm quyền người ký Quyết định bổ nhiệm là cơ quan chủ quản. Tuy nhiên thực tế khi trường chúng tôi trình Bộ Y tế thì Bộ không ra quyết định đi nước ngoài. Trong khi đó, Hội đồng trường không phải là người kí quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng”, Phó giáo sư Phương nêu khó khăn.

Từ những khó khăn vướng mắc khi thực hiện phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề xuất một số kiến nghị:

Một là, Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo.

Hai là, có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Cụ thể, theo Phó giáo sư Phương: “Hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34), còn các luật khác vẫn được xây dựng theo thể chế tập quyền, do đó muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học”.

Ba là, Bộ, ngành không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để tăng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết Trung ương và nghị quyết Chính phủ.

Doãn Nhàn