Còn nhiều vướng mắc trong phân cấp thẩm quyền về tài chính, tài sản ở trường ĐH

06/10/2022 11:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Câu lạc bộ Chủ tịch HĐT tìm giải pháp khi có sự bất đồng về quan điểm phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Ngày 06/10, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa hội đồng trường và hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ".

Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch cùng lãnh đạo các ban của Hiệp hội.

Tại tọa đàm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam công bố và trao quyết định của Hiệp hội công nhận Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng và trao kỷ niệm chương.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội trao quyết định công nhận Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội trao quyết định công nhận Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao kỷ niệm chương cho một số Chủ tịch Hội đồng trường

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao kỷ niệm chương cho một số Chủ tịch Hội đồng trường

Mở đầu, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh) kỳ vọng thông qua tọa đàm này, các trường sẽ cùng đóng góp tiếng nói để tìm được tự chủ thực chất.

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định vị trí, vai trò của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học và đề cập đến các nội dung thẩm quyền tài chính, tài sản theo Luật 34/2018.

Phó Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm đã tổng hợp nội dung phân cấp thẩm quyền về tài chính, tài sản theo Luật 34, cụ thể gồm 14 lĩnh vực như sau:

Thứ nhất, đối với ban hành các quy chế, quy định về tài chính tài sản: Hội đồng trường ban hành quy chế tài chính, thông qua quy chế, quy định khác; Hiệu trưởng trình dự thảo quy , thực hiện quy chế, ban hành quy chế, quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

Thứ hai, về các chính sách thu hút đầu tư: Hội đồng trường đề xuất chính sách, thông qua chính sách; Hiệu trưởng đề xuất chính sách, quyết định ban hành chính sách sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ ba, xây dựng và đề xuất các dự án đầu tư: Hội đồng trường thông qua các dự án đầu tư; Hiệu trưởng trình dự án, quyết định triển khai dự án hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ tư, về định mức học phí, học bổng và chính sách hỗ trợ: Hội đồng trường thông qua định mức học phí, học bổng, chính sách; Hiệu trưởng trình định mức, chính sách, quyết định triển khai sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ năm, dự toán thu chi ngân sách hằng năm (năm kế tiếp): Hội đồng trường thông qua dự toán thu chi ngân sách; Hiệu trưởng trình dự toán quyết định triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ sáu, báo cáo tài chính hằng năm (năm cũ): Hội đồng trường thông qua báo cáo tài chính (năm cũ); Hiệu trưởng trình dự thảo báo cáo, triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ bảy, danh mục và mức kinh phí các dự án đầu tư, nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa hằng năm: Hội đồng trường thông qua danh mục và mức kinh phí các dự án; Hiệu trưởng trình dự thảo, triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ tám, các đề án sử dụng tài sản cho thuê, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh: Hội đồng trường thông qua đề án; Hiệu trưởng trình đề án; triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ chín, đề án liên doanh, liên kết trong và ngoài nước: Hội đồng trường thông qua đề án; Hiệu trưởng trình đề án, triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Thứ mười, cử người đại diện trường tại doanh nghiệp trường có vốn góp: Hội đồng trường cử người đại diện, phần vốn đại diện; Hiệu trưởng đề xuất nhân sự người đại diện.

Mười một, ban hành hành chính sách tiền lương, thưởng cho các chức: Hội đồng trường đề xuất chính sách, ban hành chính sách; Hiệu trưởng đề xuất chính sách, tổ chức thực hiện chính sách.

Mười hai, tổ chức giám sát việc quản lý tài chính, i sản: Hội đồng trường xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức giám sát theo thẩm quyền, theo kế hoạch; Hiệu trưởng tuân thủ sự giám sát của Hội đồng trường, báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Hội đồng trường và Thường trực Hội đồng trường.

Tiếp theo, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư về đào tạo, khoa học - công nghệ sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách: Hội đồng trường thông qua dự án, đề án; Hiệu trưởng trình đề án, triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Cuối cùng, quyết định các nội dung và mức chi khi sử dụng nguồn thu học phí và thu sự nghiệp chỉ cho đặt hàng, giao nhiệm vụ và các khoản chi ngoài quy chế chi tiêu nội bộ: Hội đồng trường thông qua chủ trương chi; Hiệu trưởng trình đề xuất, triển khai thực hiện sau khi Hội đồng trường thông qua.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cũng đề cập đến những khó khăn trong thực hiện phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản: “Đầu tiên, do chưa có sự không đồng bộ giữa Luật 34 và Luật ngân sách (2015), Luật đầu tư công (2019), Luật quản lý sử dụng sản công (2017), các nghị định... nên thẩm quyền tài chính, tài sản phần lớn vẫn do cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt, quyết định. Do vậy, vai trò Hội đồng trường thường là chỉ xem xét cho ý kiến, thông qua trước khi Hiệu trưởng báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên, không phải Hội đồng trường quyết định như Luật 34.

Thứ hai, một số Thông tư của cơ quan quản lý cấp trên lại phân cấp thẩm quyền quyết định tài chính, tài sản (ở một mức giá trị nào đó) cho Hiệu trưởng, dẫn đến Hiệu trưởng cho rằng (hoặc có lý lẽ) tự quyết định, không cần thông qua ở Hội đồng trường.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cấp trên thường xem xét, phê duyệt các đề án, dự án do Hiệu trưởng trình lên mà không quan tâm đến việc đề án, dự án đó đã thông qua Hội đồng trường hay chưa, mặc dù trong Quy chế của trường ghi rõ là phải thông qua Hội đồng trường trước khi báo cáo cấp thẩm quyền.

Ngoài ra, do các quy chế, quy định về tài chính, tài sản đều do Hiệu trưởng chỉ đạo thành lập Ban soạn thảo, trong nội dung các dự thảo thường có xu hướng không quan tâm đến vai trò của Hội đồng trường, nên khi trình ra Hội đồng trường thì dẫn đến nhiều tranh cãi về thẩm quyền Hội đồng trường - Hiệu trưởng, kéo dài thời gian, khó thông qua.

Khi có sự bất đồng về quan điểm phân cấp thẩm quyền giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Luật 34 hướng dẫn Chủ tịch Hội đồng trường báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên, song thực tế, khi hỏi cơ quan quản lý cấp trên thì cấp thẩm quyền thường lúng túng, hoặc chưa quan tâm giải quyết, hoặc coi đó là việc cơ sở phải tự giải quyết.

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm đề xuất một số giải pháp: “Trong khi Luật 34 và các luật khác còn thiếu đồng bộ, Hội đồng trường cần giữ thẩm quyền của mình ở 14 nội dung trên ít nhất ở mức thông qua chủ trương, thông qua đề án, dự thảo lên cấp thẩm quyền. Việc thông qua thể hiện vai trò của cơ quan quản trị nhà trường

Các thẩm quyền của Hội đồng trường cần được đưa vào trong Quy chế tổ chức hoạt động là tốt nhất, hoặc Quy chế làm việc của Hội đồng trường (tốt nhì), hoặc đưa vào Kế hoạch công tác hàng năm (quý) của Hội đồng trường (vì các kế hoạch hàng năm (quý) của Hội đồng trường sẽ do Thường trực Hội đồng trường dự thảo và trình ra Hội đồng trường thông qua để thực hiện).

Việc xây dựng các quy chế, quy định là nền tảng cho phân cấp thẩm quyền. Các quy chế, quy định trước khi ban hành đều thông qua Hội đồng trường. Do vậy, Hội đồng trường cần yêu cầu rõ ràng thẩm quyền trước khi thông qua

Khi có các bất đồng về phân cấp thẩm quyền, Thường trực Hội đồng trường nên chủ trì tổ chức (các) buổi làm việc với Hiệu trưởng, mời các đơn vị chuyên môn, chuyên gia... để thảo luận thêm. Có thể lấy các quy chế, quy định tài chính, tài sản của một số trường/viện đã ban hành để tăng tính thuyết phục khi làm việc..

Trường hợp khó giải quyết, Thường trực Hội đồng trường có thể đưa nội dung ra xin ý kiến thảo luận rộng rãi ở phiên họp toàn thể Hội đồng trường, tranh thủ ý kiến của các thành viên Hội đồng trường đại diện doanh nghiệp (có Hội đồng quản trị giống Hội đồng trường).

Trường hợp trao đổi thảo luận không giải quyết được bất đồng, Thường trực Hội đồng trường có thể trực tiếp báo cáo hoặc có công văn báo cáo, xin ý kiến Cơ quan quản lý cấp trên (hoặc Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo)”.

Thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình) bày tỏ: “Hiện nay, có những trường cấp độ tự chủ khác nhau, nên cần căn cứ trên điều kiện cụ thể của các trường. Do đó, mức độ phân cấp thẩm quyền trong tự chủ cũng khác nhau, đặc biệt về tài chính tài sản, hiện nay đang là vấn đề rất phức tạp, nhiều người không muốn làm. Bởi, quyền đi đôi với trách nhiệm,vậy, phân quyền như thế, trách nhiệm thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình).

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm văn bản phân công nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình từ Hội đồng trường đến các đơn vị, cá nhân cụ thể trong nhà trường.

Khi đó, sự phân cấp thẩm quyền giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng sẽ cụ thể hơn, các đơn vị chức năng thế nào, tham mưu thế nào... và thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, kể cả sau này có xử lý vi phạm cũng dễ dàng hơn”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

"Vấn đề nữa là khi giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng không có sự thống nhất, sẽ báo cáo cơ quan chủ quản. Nhưng trong quy chế tổ chức thực hiện, nếu giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng không có sự thống nhất phải báo cáo Đảng ủy, để Đảng ủy bàn bạc thống nhất” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến bày tỏ.

Ngân Chi