Ai tiếp tay để Vinamilk đổi sữa bột pha lại thành sữa dinh dưỡng học đường?

06/04/2019 07:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách ghi tên và nhãn mác của Vinamilk dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tạo ra bất công lớn cho doanh nghiệp khác, quy chuẩn kỹ thuật mới đang ở đâu?

Trong 2 bài viết trước, chúng tôi đã phân tích về các vấn đề pháp lý xung quanh sản phẩm "sữa dinh dưỡng" dán mác "học đường" của Vinamilk.

Nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài, không chỉ người tiêu dùng tiếp tục bị che giấu thông tin về bản chất sản phẩm, mà các doanh nghiệp khác sẽ bị cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng.

Sữa dinh dưỡng học đường của Vinamilk có bao nhiêu% sữa?

Ở bài viết "Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không?", chúng tôi đã phân tích các bằng chứng cho thấy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam muốn và đã tham gia Chương trình Sữa học đường dưới sự bảo trợ của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Trẻ em Kon Tum, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam phải sử dụng sữa bột pha lại của Vinamilk khi tham gia Sữa học đường thay vì sữa tươi như Quyết định của Thủ tướng, ảnh minh họa: Kontumtv.vn.
Trẻ em Kon Tum, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam phải sử dụng sữa bột pha lại của Vinamilk khi tham gia Sữa học đường thay vì sữa tươi như Quyết định của Thủ tướng, ảnh minh họa: Kontumtv.vn.

Chỉ có điều, Nestlé phản hồi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, công ty này không đưa sản phẩm Nestlé Milo tham gia Chương trình Sữa học đường (mặc dù Nestlé Milo đang được dùng để phát miễn phí cho học sinh theo công văn của Vụ Giáo dục thể chất).

Trên website www.nestle.com.vn ghi là của "Công ty TNHH Nestlé Việt Nam" chỉ giới thiệu 3 sản phẩm sữa nước pha lại từ sữa bột (sữa tiệt trùng) có tên gọi: Sữa tiệt trùng Nestlé có đường, sữa nước Nestlé hương trái cây, sữa nước Nestlé hương việt quất. [3]

Nếu Nestlé đưa 1, 2 hoặc 3 sản phẩm sữa tiệt trùng này vào Chương trình Sữa học đường, là trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016, quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016.

Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn phân tích khía cạnh khác - thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp và sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định ghi nhãn mác hàng hóa, trách nhiệm xã hội trước người tiêu dùng.

Tên gọi "sữa tiệt trùng" cũng như thành phần sản phẩm của cả 3 loại sữa này, đều được Nestlé ghi rất rõ ràng, chính xác thành phần chính tạo nên sản phẩm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, ví dụ "Sữa tiệt trùng Nestlé có đường" được ghi rõ:

Để Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường là coi thường phép nước

Thành phần: Nước, sữa bột tách kem 9% (skimmed milk powder), đường, dầu bơ từ sữa (from milk), ...

Còn sản phẩm có tên gọi "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" của Vinamilk, thì sao?

Vinamilk không chỉ sử dụng tên gọi mới không có trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, là "sữa dinh dưỡng", mà ngay cả khái niệm "thành phần" cũng dễ gây nhầm lẫn: Sữa (95,7%) (nước, sữa bột, chất béo sữa).

Ghi như thế này, ai biết sản phẩm của Vinamilk có bao nhiêu % là sữa?

Về dấu hiệu vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước.

Ở đây chỉ xin nhấn mạnh đến tính công bằng giữa các doanh nghiệp, rõ ràng các đơn vị ghi nhãn mác đúng quy định sẽ dễ bị thua thiệt nếu xuất hiện những tên gọi mới không đúng bản chất sản phẩm, không đúng quy định mà không bị xử lý.

Khảo sát tại kệ sữa tiệt trùng của một siêu thị lớn ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy hầu hết sản phẩm sữa tiệt trùng với tên gọi biến tướng "sữa dinh dưỡng" cùng cách ghi thành phần như trên, thuộc về Vinamilk.

Sản phẩm Sữa học đường tại Khánh Hòa là sữa bột pha lại của Vinamilk dưới tên gọi mĩ miều "sữa dinh dưỡng", ảnh minh họa chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình Khánh Hòa.
Sản phẩm Sữa học đường tại Khánh Hòa là sữa bột pha lại của Vinamilk dưới tên gọi mĩ miều "sữa dinh dưỡng", ảnh minh họa chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình Khánh Hòa.

Thông tin công bố sản phẩm sữa nước của Vinamilk cho thấy có ít nhất 11 sản phẩm "sữa dinh dưỡng", thực chất là sữa bột pha lại với cách ghi thành phần không rõ ràng như trên [4].

Câu hỏi ban đầu, sữa dinh dưỡng học đường của Vinamilk có bao nhiêu % sữa, xin được gửi lại nhà sản xuất và các cơ quan chức năng.

Quy chuẩn sữa dạng lỏng mới của Bộ Y tế đang nằm ở đâu?

Trong cuộc thanh tra các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng được công bố là sữa tươi năm 2006 của Bộ Y tế đã cho thấy, phần lớn đều dùng sữa bột pha lại, trong đó có Vinamilk, doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, theo VnExpress.

Chánh thanh tra Bộ Y tế thời điểm đó, ông Trần Quang Trung (nay là Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam) được VnExpress ngày 18/10/2006 dẫn lời, cho biết:

Các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn ở Việt Nam đều có dự án chăn nuôi bò sữa nhưng các dự án này hoạt động kém hiệu quả nên không có đủ nguyên liệu cho mặt hàng sữa tươi tiệt trùng.

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

Do đó, ngoài một phần nhỏ nguyên liệu là sữa tươi, họ đã sử dụng sữa bột và các chất phụ gia khác để sản xuất sữa đóng bịch hoặc hộp giấy, những sản phẩm được dán nhãn và công bố chất lượng là sữa tươi.

Ông Trung cũng khẳng định, sản phẩm sữa tươi phải có 99% nguyên liệu là sữa tươi. Mặt hàng nào dán nhãn sữa tươi nhưng thành phần nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn là có gian lận thương mại.

Cách giải quyết trong hai trường hợp này là đổi lại nhãn mác, hoặc công bố lại chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.

Hôm nay, Vinamilk cũng tuyên bố các sản phẩm sữa tươi của công ty sử dụng 70-80% nguyên liệu là sữa bò tươi. Vinamilk cho biết sẽ thay đổi lại nhãn mác cho phù hợp. [5]

Sau rất nhiều phản ánh của dư luận về tình trạng sữa bột pha lại dán mác sữa tươi, năm 2010 Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1: 2010/BYT.

Trong quy chuẩn này, vấn đề gây tranh cãi nhất là "sữa tiệt trùng", dùng công nghệ (thanh trùng, tiệt trùng) để đặt tên khiến người tiêu dùng không thể biết đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột gầy pha lại, nên rất nhiều người uống sữa bột pha lại mà cứ ngỡ sữa tươi.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của cha mẹ học sinh mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho trẻ em, trong khi sữa tươi sản xuất tại chỗ rất khó khăn về đầu ra. Ảnh minh họa: phumy.baria-vungtau.gov.vn.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của cha mẹ học sinh mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho trẻ em, trong khi sữa tươi sản xuất tại chỗ rất khó khăn về đầu ra. Ảnh minh họa: phumy.baria-vungtau.gov.vn.

Sau 87 cuộc họp ròng rã 5, 6 năm trời với các chuyên gia dinh dưỡng, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các bộ ngành, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cuối cùng Bộ Y tế cũng ban hành quy chuẩn mới, QCVN 5-1:2017/BYT năm 2017.

QCVN 5-1: 2017/BYT chia sữa dạng lỏng thành 4 nhóm:

- Nhóm sữa tươi;

- Sữa hoàn nguyên;

- Sữa hỗn hợp;

- Sữa cô đặc và sữa đặc có đường.

Trong đó nhóm sữa tươi được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, sữa hoàn nguyên là sữa bột pha lại, sữa hỗn hợp chế biến từ sữa bột pha lại có thêm sữa tươi nguyên liệu.

Như vậy đối chiếu sản phẩm "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilkd ADM Gold - Học đường", "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilkd ADM Gold - Học đường" thuộc loại sữa hoàn nguyên với thành phần chính là nước, sữa bột và chất béo sữa.

Các loại "sữa dinh dưỡng" còn lại của Vinamilk nếu có thêm thành phần sữa tươi nguyên liệu, thì thuộc nhóm sữa hỗn hợp.

QCVN 5-1:2017/BYT đã loại bỏ tên gọi "sữa tiệt trùng" khiến người tiêu dùng nhiều năm liền không phân biệt được bản chất sữa tươi hay sữa bột pha lại của sản phẩm, được ban hành ngày 22/3/2017 sau rất nhiều khó khăn.

Nhưng trước thời điểm này khoảng 1 tháng, Vinamilk đã kịp lo được 2 bản chứng nhận hợp quy cho 2 loại "sữa dinh dưỡng" có mác "học đường" mà thực tế là sữa bột pha lại, nhằm tránh tên gọi mới "sữa hoàn nguyên" theo QCVN 5-1:2017/BYT:

Ngày 6/2/2017, Cục An toàn thực phẩm ra văn bản số 4034/2017/ATTP-XNCB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường

Ngày 3/8/2017, Cục An toàn thực phẩm có văn bản số 26399/2017/ATTP-XCNB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Những tưởng người tiêu dùng đã thoát cảnh uống sữa bột pha lại mà ngỡ sữa tươi từ tên gọi "sữa tiệt trùng"...

Nay với tên gọi "sữa dinh dưỡng", liệu mấy người có thể phân biệt được đó là sữa tươi hay sữa bột pha lại?

Thiết nghĩ lãnh đạo Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm cần vào cuộc làm rõ các cá nhân nào cấp cho Vinamilk xác nhận hợp quy không đúng quy định quản lý của nhà nước về nhãn mác hàng hóa nói trên, xử lý nghiêm minh và thu hồi các bản xác nhận này để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Ngày 11/9/2017, Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký Thông tư 36/2017/TT-BYT bãi bỏ Thông tư số 03/2017/TT-BYT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, một quan chức Bộ Y tế cho biết do họ đã lấy số thông tư qua hệ thống điện tử từ trước nên đã sử dụng số này để khỏi "trống" số, còn thực tế quy chuẩn ban hành đã tiếp thu góp ý của doanh nghiệp. Sai sót ở đây là sai về trình tự thủ tục.

Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng vừa bị bãi bỏ kể trên đã có những điều khoản rất mới, thay đổi tên gọi của nhiều sản phẩm sữa và loại bỏ tên gọi "sữa tiệt trùng" ra khỏi nhóm tên gọi sản phẩm sữa dạng lỏng.

Sau khi bãi bỏ quy chuẩn vừa ban hành, Bộ Y tế sẽ làm lại quy trình và lại ký ban hành quy chuẩn này. [6]

Nếu chỉ là sai sót về trình tự thủ tục, có lẽ chỉ trong vòng một tuần lễ là có thể khắc phục và ký ban hành. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, QCVN 5-1:2017/BYT vẫn chưa được ban hành lại.

Từ đó đến nay, Vinamilk đã có tất cả 11 sản phẩm "sữa dinh dưỡng" ra đời, liệu có phải do sự chậm trễ ban hành QCNV 5-1:2017/BYT gây ra? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này và đến bao giờ QCVN 5-1:2017/BYT được công bố, áp dụng chính thức?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/xa-hoi/xac-dinh-nguyen-nhan-hang-tram-hoc-sinh-ngo-doc-sua-o-hau-giang-692354.vov

[2]http://nguyenhue.pgdomon.edu.vn/-/chuong-trinh-tang-san-pham-thuc-uong-nestle-milo-cho-hoc-sinh-tieu-hoc

[3]https://www.nestle.com.vn/brands/sua-nuoc

[4]https://vinamilk.com.vn/cong-bo-san-pham/danh-muc-san-pham/sua-nuoc-vinamilk/

[5]https://vnexpress.net/doi-song/phan-lon-doanh-nghiep-ban-sua-tuoi-co-gian-lan-2263904.html

[6]https://tuoitre.vn/bo-y-te-bai-bo-thong-tu-vua-ban-hanh-da-bi-khieu-nai-20170913171158066.htm

Hồng Thủy