Ấn tượng đêm nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”

15/07/2023 07:01
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Người tìm nơi sóng lặng” ghi dấu ấn với những ca khúc, vũ đạo do chính các học sinh, sinh viên phổ lời và biên soạn.

Tối ngày 13/5/2023, G'LAMS đã tổ chức thành công buổi nhạc kịch mang tên "Người tìm nơi sóng lặng" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khán giả yêu thích nhạc kịch.

Đây là hoạt động thường niên của G'LAMS - dự án nhạc kịch được tổ chức bởi Thôn Nghệ thuật Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam, gồm ba câu lạc bộ Glee Ams, Cheer Ams và Ams Photography Club.

Với đơn vị tổ chức gồm hơn 100 học sinh trung học phổ thông có chung niềm đam mê nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội, ​G’LAMS không chỉ là một vẻ đẹp mê hoặc của nhiệt huyết tuổi trẻ dưới ánh đèn sân khấu, mà còn là món ăn tinh thần không thể bỏ lỡ mỗi mùa hè dành cho những người yêu nghệ thuật.

Toàn cảnh buổi nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”.

Toàn cảnh buổi nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”.

Nối tiếp sự thành công rực rỡ từ các mùa trước, G’LAMS 2023 chính thức trở lại với sự kết hợp cùng “Một Buổi Nhạc Kịch” - chương trình nhạc kịch do Đoàn thanh niên - Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Và giờ đây, tấm màn ​G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023 đã chính thức được mở ra với vở nhạc kịch mang tên “Người tìm nơi sóng lặng” cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bạn học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Buổi nhạc kịch được đầu tư công phu và tỉ mỉ, mang đến cho người xem vô vàn cảm xúc chân thực giúp khán giả hòa mình vào giai đoạn của những năm tháng xưa cũ, mãn nhãn với hình ảnh chỉn chu, đầy màu sắc cuộc sống.

Buổi nhạc kịch được đầu tư công phu từ trang phục đến đạo cụ biểu diễn trên sân khấu.

Buổi nhạc kịch được đầu tư công phu từ trang phục đến đạo cụ biểu diễn trên sân khấu.

“Người tìm nơi sóng lặng” ghi dấu ấn với những ca khúc, vũ đạo do chính các học sinh, sinh viên phổ lời và biên soạn. Điểm nhấn của buổi diễn chính là kịch bản sân khấu lôi cuốn, kỹ năng biểu diễn linh hoạt cũng như nội dung mang đầy thông điệp nhân văn sâu sắc.

Các học sinh, sinh viên tham gia buổi nhạc kịch đều là những diễn viên không được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, qua các vòng casting cẩn thận, ban tổ chức đã lựa chọn được các thành viên ưu tú, sở hữu nhiều tài năng nổi bật và yêu thích nghệ thuật biểu diễn.

Lấy bối cảnh làng chài Việt Nam những năm 1980, câu chuyện mà vở nhạc kịch G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023 muốn truyền tải khai thác bối cảnh thời kỳ hậu chiến là một cuộc chiến đầy đau đớn và xót xa khác khi hai cuộc chiến tranh bom đạn khốc liệt của dân tộc đã kết thúc thắng lợi. Đó là cuộc chiến diễn ra sục sôi trong nội tâm con người khi đối mặt với cuộc sống mới, không chỉ tìm lại những người thân yêu, tìm lại cuộc sống bình yên xưa, mà còn là tìm lại chính bản ngã của mình.

Bạn Nguyễn Thế Long - Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ diễn xuất tự nhiên, gần gũi qua vai Quyết trong vở nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng".

Bạn Nguyễn Thế Long - Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ

diễn xuất tự nhiên, gần gũi qua vai Quyết trong vở nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng".

Bạn Ngô Hà Vy – sinh viên Trường Đại học Ngoại giao hoá thân vào vai Thư với tình yêu sâu sắc dành cho chàng họa sỹ Xuân trong vở nhạc kịch.

Bạn Ngô Hà Vy – sinh viên Trường Đại học Ngoại giao hoá thân vào vai Thư với tình yêu

sâu sắc dành cho chàng họa sỹ Xuân trong vở nhạc kịch.

Xoay quanh hành trình Hiền - người phụ nữ 40 tuổi sống tại một làng chài ven biển đi tìm lại người em gái tên Hòa đã bị thất lạc trong chiến tranh, cùng câu chuyện của 4 nhân vật chính khác như Quyết, Xuân, Tuấn và Thư.

Bạn Bùi Chu Công - Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam trong vai chàng họa sỹ Xuân với những ký ức không dễ quên.

Bạn Bùi Chu Công - Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam trong vai chàng họa sỹ Xuân với những ký ức không dễ quên.

Mỗi nhân vật ở làng chài ấy sẽ là một hiện thân đầy xót xa của hội chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic stress disorder - PTSD), từng được gọi với cái tên là “Sốc vỏ đạn” (shell shock) hoặc “Hội chứng mệt mỏi sau chiến tranh” (Battle fatigue syndrome). Tên gọi này là do PTSD thường gặp ở rất nhiều trong cựu quân nhân sau thế chiến tranh, khi đã trải qua những chấn động về sức khỏe tinh thần trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa.

Dù chịu ảnh hưởng tâm lý vì tác động của chiến tranh nhưng trong mỗi nhân vật đều khát khao yêu thương và hạnh phúc. Họ đều tìm thấy những nụ cười sau những đau thương, mất mát.

Từ đó, vở nhạc kịch không chỉ muốn mang đến cho khán giả hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là liều thuốc tinh thần chữa lành cho những ai đang mắc kẹt giữa những lo âu và ám ảnh của bản thân. Bởi mỗi người đều phải trải qua những năm tháng “sóng dữ” - để tìm thấy những “sóng lặng” của riêng mình.

Kịch bản được xây dựng gắn liền với cuộc sống thường nhật, gửi gắm nhiều ý nghĩa giá trị.

Kịch bản được xây dựng gắn liền với cuộc sống thường nhật, gửi gắm nhiều ý nghĩa giá trị.

Sự chỉn chu trong từng khâu chuẩn bị, từ ánh sáng, âm thanh, trang phục cho đến phần diễn xuất, vũ đạo của các bạn học sinh, sinh viên đã góp phần tạo nên một buổi biểu diễn đáng nhớ. Bắt mắt về hình ảnh, thu hút về âm thanh, đặc sắc cùng lối diễn xuất tự nhiên đã tạo ra nhiều dư âm trong lòng khán giả. Dự án nghệ thuật G’LAMS một lẫn nữa đã để lại dấu ấn sâu đậm trên diễn đàn học sinh trong thể loại nhạc kịch broadway.

Thanh Thủy