Cậu con trai đi học về, vừa bước chân vào nhà đã quăng vội chiếc cặp ra nền nhà khóc tu lên nức nở: “Con bắt đền bố mẹ đấy, bài toán hôm qua bố giảng cho con cô bảo sai rồi. Cô con không giảng như thế đâu”.
Nhiều bài toán cha mẹ còn khó hiểu chứ nói gì đến con? (Ảnh minh họa Báo Vietnamnet) |
Càng nói, cậu bé càng khóc nức nở, nước mắt chan hòa ướt đẫm khuôn mặt măng tơ. Chị Hằng có lẽ xót con nên quay qua chồng lớn tiếng: “Anh làm kiểu gì lạ vậy? Chỉ là toán lớp 2 thôi mà”.
Nói rồi chị lầm bầm: “Học gì mà khổ thế không biết. Toán lớp 2 mà ba, mẹ tốt nghiệp đại học còn giải trầy trụa không ra thì làm sao đứa trẻ mới nứt mắt giải ra cho được?”.
Vừa nói, chị Hằng vừa cầm cuốn vở của con lên xem cô sửa bài thế nào. Kết quả bài toán không sai nhưng cách giải chỉ hợp với học sinh cấp 3.
Để có được cách giải ấy, chồng chị đã phải bỏ công việc mày mò giải cả tiếng đồng hồ mới có thể giảng lại cho con nhưng cậu bé chẳng hiểu gì cứ ngu nga ngu ngơ đến tội.
Mà đâu phải ít, chiều nào đi học về, cu cậu cũng đưa cho ba mẹ một bài toán khó nhằn như thế.
Vậy là dù bận rộn cỡ nào, dù công việc cơ quan ngập đầu ra sao, hai vợ chồng cũng phải giúp con không thì chẳng thể yên với nó.
Gia đình anh Dũng cùng khu phố lại có cô con gái học lớp 2, cũng vì giảng bài cho con mà hai vợ chồng liên tục to tiếng với nhau.
Anh Dũng cho biết, có bài yêu cầu đếm hình, mình nhìn đếm đến lòi con mắt chỉ có 10 hình nhưng mai đi học về con bé khóc rấm rứt bắt đền vì cô bảo 11 hình.
Bài đếm hình bố mẹ nói 10 hình nhưng cậu con trai bảo cô nói 11 hình mới đúng (Ảnh CTV) |
Chuyện đếm hình giảng đi giảng lại cho con biết bao lần nhưng nó vẫn chẳng thể làm nỗi vì mới nhìn vào người lớn còn hoa cả mắt.
Nhiều phụ huynh cho biết, đi làm cả ngày về đến nhà đã mệt rã rời lại còn biết bao nhiêu công việc lớn bé.
Thế mà còn ôm cả việc giải toán cho con đã thấy hoa mặt chóng mày. Mà con học cả ngày trên trường vẫn chưa đủ, tối về còn phải chuẩn bị bài cùng con có đêm tận 22 giờ mới xong.
Thế là giải pháp duy nhất là tìm người dạy kèm. Nhưng dạy toán khó kiểu này cũng chẳng phải thầy cô giáo nào cũng dạy được. Hỏi thăm mãi cả thị trấn này mới có vài ba địa chỉ nhận dạy kèm toán nâng cao.
|
Tới lớp xin cho con học, chị Hằng nói mình gặp khá nhiều người quen có con học ở nhiều trường trong thị trấn.
Hầu như cha mẹ nào cũng có nỗi lòng như vợ chồng chị, thà tốn một tháng dăm trăm ngàn nhưng mình còn làm được bao nhiêu việc nhà mà con cũng học được cách giải những bài toán “trên trời”.
Nhiều phụ huynh than rằng, nhìn tụi nhỏ học mà tôi thấy đứt ruột, toán gì mà có anh chị học cấp 3 cũng chẳng thể giúp được em mới vào lớp 1?
Tuổi của đám nhỏ đang vừa học vừa chơi, sao nhà trường cứ nhồi những kiến thức thế này vào đầu trẻ?
Dạy thế chẳng phải cướp đi tuổi thơ của các em hay sao? Đem thắc mắc này hỏi cô chủ nhiệm của con, anh Dũng cho biết, cô giáo của bé Ti nói rằng đây là theo quy định của Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kiến thức toán trong sách giáo khoa mới chỉ đạt được mức cơ bản (mức 1, mức 2). Trong một đề kiểm tra, giáo viên ra đề phải đảm bảo được 4 mức, dù không muốn làm khổ học sinh nhưng giáo viên, nhà trường cũng không thể làm khác.
Chỉ thương những đứa trẻ con vô tội bị cướp mất tuổi thơ chỉ vì những suy nghĩ của những người có quyền nhưng thiếu thực tế.