Tại thời điểm này, các trường học ở cả ba bậc học gần như đã hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ lần 2 (kiểm tra học kỳ 1).
Dù đề kiểm tra dễ hay khó thì người ra đề cũng có mục đíc của mình (Ảnh minh họa: vov.vn) |
Câu chuyện về đề kiểm tra luôn là đề tài để mọi người bình luận. Mặc dù có chuẩn kiến thức kỹ năng nhưng tình trạng vẫn thường xảy ra là nơi ra đề dễ quá dễ, nơi lại ra đề khó quá khó.
Dù đề ra dễ hay khó đều có mục đích của người ra đề. Với góc nhìn của người trong cuộc, chúng ta thử vén bức màn bí mật này.
Đề kiểm tra dễ để lấy thành tích
Do tỷ lệ đăng ký học sinh khá giỏi, học sinh lên lớp thẳng của từng lớp, từng trường quá cao. Thế nên một số trường học ra đề kiểm tra khá dễ với mục đích để đạt được chỉ tiêu như mong muốn.
Vì chuyện đề quá dễ đã xảy ra nhiều trường hợp “mưa” điểm 9,10 đến mức một số thầy cô giáo thấy chất lượng học sinh được phản ánh sau bài kiểm tra không đúng như thực tế, thậm chí là quá phi lý nên đã phải dùng hạ sách hạ bớt điểm của một số em.
Ví như ngày thường, học sinh A. chỉ có lực học trung bình thường, em thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở về thái độ học tập, về việc tiếp thu bài.
Vậy mà bài kiểm tra lại đạt điểm 10.
Có phụ huynh đã từng nêu thắc mắc khi nhìn thấy điểm bài kiểm tra của con:
“Con tôi học thế này mà thường xuyên cô gọi về mắng vốn là lười học, học ngu là sao”.
Đề kiểm tra học kỳ 1 khó để hút học sinh học thêm
Bên cạnh việc ra đề kiểm tra dễ vì thành tích, nhiều giáo viên lại ra đề kiểm tra khó để học sinh ít đạt điểm khá giỏi, bị nhiều điểm thấp. Điều này, sẽ kích cầu cho việc dạy học thêm của những thầy cô giáo có cơ hội “nở hoa”.
Theo quy định, đề kiểm tra sẽ được ra trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành.
Đề sẽ có 3 phần: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Thường thì phần nhận biết các câu hỏi cơ bản là dễ, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình học.
Giáo viên chúng tôi thường gọi là Mức 1. Thang điểm cho phần này khoảng 4 điểm (tùy quy định từng nơi nhưng dao động không nhiều).
Phần thông hiểu cũng có thang điểm 4, ngoài câu hỏi mức 1 có thêm một số câu hỏi mức 2.
Phần vận dụng 2 điểm, chủ yếu câu hỏi mức 3 và mức 4.
Nếu đề ra chuẩn, học sinh trung bình sẽ đạt mức điểm từ 5-6, học sinh khá đạt điểm 7,8 và học sinh giỏi, xuất sắc mới đạt điểm 9,10.
Thế nhưng, không ít giáo viên ra đề vượt chuẩn quá nhiều theo quy định (đương nhiên việc này cũng có sự tiếp tay của chuyên môn nhà trường).
Những câu hỏi mức 3, 4 thường được lấy kiến thức trong sách ôn luyện đường lên đỉnh Olympia, sách chọn học sinh giỏi.
Vì thế, những đứa trẻ bé tí lớp 1,2,3 đã phải làm những bài toán “hại não”. Có gia đình ba mẹ là kĩ sư nhưng vẫn phải tranh cãi nhau vì bài toán lớp 1, 2 của con. Học sinh 4,5 có một số bài toán dành cho thí sinh đường lên đỉnh Olympia.
Đề khó, tỷ lệ điểm đạt được sẽ khá thấp. Thường học sinh giỏi, xuất sắc rớt xuống khá. Học sinh khá còn trung bình và học trung bình còn yếu.
Khi cầm bài kiểm tra của con về với số điểm thấp như thế, không ít phụ huynh đã sốc, bất ngờ vì nghĩ con mình lực học đã tuột dốc. Và thế là, cha mẹ đành tất tả đến nhờ thầy cô dạy kèm sau giờ học buổi chiều.
Thế nên, không ít nơi sau đợt kiểm tra học kỳ 1 số lượng học sinh đăng ký đi học thêm cao đến bất thường.
Bởi thế, nhiều người đón con trước cổng trường lúc 4 giờ 30 phút chỉ kịp mua cho con ổ bánh mì nhai vội là đến 5 giờ vào lớp để học thêm.
Ngày nào con cũng kết thúc buổi học lúc 6 giờ 30 phút, về đến nhà cũng hơn 7 giờ, tắm rửa xong, soạn sách vở cho ngày mai rồi chỉ kịp lên giường là không còn biết trời trăng mây gió gì cả.