The Wall Street Journal ngày 24/7 đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á đang đòi hỏi ASEAN cần xem xét thay đổi luật lệ của khối đòi hỏi sự đồng thuận, để cho phép ASEAN có thể quyết định những vấn đề lớn trong khối, đặc biệt là vấn đề an ninh Biển Đông.
Các thành viên ASEAN đang thất vọng bởi sự bế tắc và chia rẽ nội bộ bởi áp lực từ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khiến các nhà ngoại giao ASEAN cân nhắc, đã tới lúc cần thay đổi quy tắc cốt lõi trong việc ra quyết định của khối.
Thủ tướng Lào tiếp các Ngoại trưởng ASEAN, ảnh: WSJ. |
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN đang nhóm họp tại Vientiane, Lào. Đây là kỳ họp đầu tiên kể từ khi vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có phán quyết ngày 12/7, trong đó kết luận yêu sách của Trung Quốc đòi "quyền chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc không những bác bỏ phán quyết này mà còn gây sức ép lên ASEAN thông qua một quốc gia thành viên, ngăn chặn ASEAN phản ứng như một khối, bởi lẽ ASEAN ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối.
Các nhà ngoại giao cho biết, Philippines, Việt Nam và Indonesia đồng ý với dự thảo tuyên bố chung ủng hộ phán quyết trọng tài hôm 12/7, nhưng Campuchia đã ngăn chặn mọi dự thảo tuyên bố nhắc đến phán quyết, điều này phù hợp với mong muốn của Trung Quốc.
Trong khi đó lâu nay việc thay đổi nguyên tắc đồng thuận là đề tài cấm kỵ. Tuy nhiên theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy cho rằng: "Nếu muốn để ASEAN tồn tại, thì mô hình ASEAN - X nên được áp dụng trong lĩnh vực an ninh như trong thương mại."
Đó là cách ASEAN có thể thích ứng trước những vấn đề gây chia rẽ, ví như vài năm trước ASEAN đã đạt được thỏa thuận rằng 4 nước kém phát triển hơn được hoãn một thời gian thực hiện việc dỡ hỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng trong khối.
Đến cuối ngày hôm qua 23/7, Indonesia đã triệu tập một cuộc họp với mục đích để tìm kiếm sự nhất trí sửa đổi các nguyên tắc tạo đà cho những cuộc họp trong mấy ngày tới. Các nhà ngoại giao gọi cuộc họp này là cách để kéo Campuchia trở lại quỹ đạo, nhưng nó đã bị phá vỡ mà không có tin tức về một thỏa thuận nào đạt được sau cuộc họp.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nói với các phóng viên, cuộc họp do Indonesia triệu tập là để nhắc nhở các thành viên về các chuẩn mực và giá trị chung của ASEAN: "Chúng tôi cần phải bảo vệ ngôi nhà này, Indonesia đang nỗ lực vì điều đó. Chúng tôi sẽ không để cho người khác làm hỏng ngôi nhà chung của mình."
Thay đổi quy tắc của ASEAN được xem như một phương sách, biện pháp cuối cùng, các nhà ngoại giao cho biết. Họ phàn nàn rằng Trung Quốc đang dựa vào Campuchia để ngăn chặn nỗ lực của ASEAN thể hiện lập trường chung về Biển Đông.