Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Đảng là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 13, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chống chạy chức, chạy quyền…
Một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
Lần này, điểm khác trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới 2021-2026.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13. ảnh: quochoi.vn |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) bày tỏ:
“Quy định của Trung ương rất chặt chẽ, đầu tiên là người đó phải có phẩm chất, đủ tầm để dự báo được những bước chuyển biến của đất nước và cụ thể là những phần việc mà người đó được giao.
Nếu dự báo được những chuyển biến sắp tới, nhìn xa trông rộng thì người đó mới đưa ra kịp thời những chính sách cụ thể và đáp ứng được sự việc.
Nếu đơn thuần chỉ là trên bảo gì thì làm đó thì hoàn toàn không đủ khả năng gánh vác công việc cho đất nước và đúng nghĩa là người thừa hành.
Nhìn trước hoặc có kiến thức để dự đoán chuyển biến thì người đó mới ra những quyết sách kịp thời hợp với thực tế.
Trước đây có những người được bổ nhiệm nhưng sau một thời gian công tác thì viện lí do lúc đó tôi bận quá, nhiều việc nên bỏ sót hoặc không theo dõi được diễn biến thực tế. Nói như vậy là không được, không đủ tầm của người lãnh đạo”.
"Lãnh đạo là phải xác định hy sinh, cống hiến vì dân, vì nước" |
Theo bà Bùi Thị An: “Khi nhận trọng trách được giao thì phải quyết tâm theo đuổi công việc, phải xác định mình có làm được không, có đủ tầm để quán xuyến công việc mà nhân dân giao phó không?
Người lãnh đạo ấy cần phải có được năng lực tổng quan, có uy tín để tập hợp được những người khác cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ.
Muốn làm vậy thì anh phải tường minh, không mũ ni che tai và có bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.
Những người đã được chọn lựa thì phải được đánh giá công khai cho dân biết. Phải đánh giá từng giai đoạn và chi tiết, đánh giá lại quy hoạch xem có thiếu sót gì không.
Từ lúc quy hoạch đến Đại hội 13 nên có nhiều đợt đánh giá về từng trường hợp cụ thể đã được quy hoạch và nên bổ sung thường xuyên.
Vấn đề quy hoạch nên rộng hơn không phải giới hạn bao nhiêu người. Ví dụ một chức danh Bộ trưởng có thể giới thiệu nhiều chứ không phải giới hạn 1 hay 2 đồng chí. Để còn theo dõi và lựa chọn.
Những người đã được chọn phải có chương trình hành động rõ ràng, có cam kết cũng như lời hứa chứ không phải khi được chọn cứ hứa đại, chung chung rồi gần hết nhiệm kỳ được giao cũng không làm được gì cụ thể.
Nên lấy thước đo vì dân làm gốc. Có vì dân thì mọi việc sẽ tốt và có ích hơn. Nếu vì cá nhân bản thân thì sớm muộn cũng bị phát hiện. Dân giám sát và nhận xét đánh giá kịp thời thì cán bộ đó mới làm việc trách nhiệm, hiệu quả”.
Tiêu chí tuổi có quan trọng?
Theo bà Bùi Thị An, tiêu chuẩn cao nhất cho cán bộ được bổ nhiệm là phẩm chất năng lực. Độ tuổi cũng chưa hẳn là quyết định công việc.
Trên thế giới đã có những trường hợp 78 tuổi vẫn còn giữ những vị trí rất quan trọng của nhà nước, hoặc 38 tuổi đã được tín nhiệm ở những vị trí lãnh đạo đất nước nhưng họ làm rất tốt công việc mà nhân dân giao phó.
“Tuổi tác cũng là một vấn đề cần quan tâm nhưng nó không phải là tiêu chí quyết định. Có những vị trí rất cần người từng trải, có kinh nghiệm, nhưng có vị trí lại không nhất thiết phải như vậy. Ta nên dựa theo tính chất công việc mà quy hoạch.
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể khóa tới |
Việc lựa chọn cán bộ ở cấp chiến lược vô cùng quan trọng, trong lịch sử hay trong mọi thời kì của Việt Nam cũng như trên thế giới thì cán bộ quyết định hết mọi quyết sách.
Nói cho đúng nghĩa thì cán bộ đủ tầm đủ tâm là vô cùng quan trọng”, bà An chia sẻ.
Vậy làm thế nào để phát hiện, chọn được người như vậy vào cấp chiến lược như Bộ Chính trị đã đề ra?
Theo bà Bùi Thị An, việc lựa chọn trong quy hoạch là hoàn toàn đúng đắn nhưng phải minh bạch trong suốt quá trình từ lựa chọn cho đến khi bổ nhiệm.
Ví dụ: Số lượng chọn bao nhiêu ở Trung ương cũng như địa phương. Có minh bạch sẽ giúp cho nhân dân và các tổ chức chính trị dễ giám sát. Đó là việc rất quan trọng.
Như đồng chí Tổng bí thư Chủ tịch nước đã nói: “Trong quá trình quy hoạch có gì sơ xuất thì sẽ chỉnh đốn kịp thời”.
Vì vậy muốn phát hiện ra những điều chưa tốt thì cần phải công khai từ tiêu chí, danh tính. Không nên bí mật vấn đề này vì cán bộ là người của dân, do dân tín nhiệm mà bầu nên dân sẽ bao bọc và ủng hộ nếu người đó làm đúng.
Nếu làm được như vậy thì sẽ giúp cho việc phát hiện những người tài một cách hiệu quả. Đó mới thực sự là người có tầm, có tâm.
Cũng cần có những kênh quan trọng để nhân dân góp ý trong quá trình tuyển chọn cán bộ, để tránh tối đa tình trạng cán bộ “có vấn đề” nhưng trong thời gian quy hoạch không phát hiện ra.
Bà An bày tỏ: “Những năm qua, chúng ta đã nói nhiều về công tác cán bộ mà vẫn có những cán bộ vướng vào vòng lao lý, bị kỷ luật.
Điều đó chứng tỏ chúng ta kiểm soát quyền lực chưa tốt, chưa sát sao. Một phần là do bè phái lợi ích nhóm, một phần cũng vì chưa công khai đầy đủ thông tin về cán bộ khi giới thiệu nên dân không biết rõ để phản ánh.
Theo tôi, cũng cần phải đặt ra trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Trước đây, khi còn là Đại biểu Quốc hội, tôi đã có ý kiến không chỉ ràng buộc trách nhiệm người phê duyệt mà còn đối với người giới thiệu, để tránh trường hợp có lợi ích nhóm, bè phái.
Nếu chúng ta làm tốt chuyện đó sẽ ngăn cản được những cá nhân cơ hội tìm cách này, cách khác lọt qua quy hoạch”.