LTS: Nhân ngày kỉ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11, chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về cô Cao Thị Nội - một nhà giáo tận tụy, yêu nghề nhưng cũng hết lòng vì sự nghiệp chung của địa phương dù cô đã nghỉ hưu, tác giả Lê Thị Quyến đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Hội làng Sủi (Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) tổ chức từ ngày 1-3 âm lịch hàng năm, chính hội là ngày 3/3. Đây cũng là dịp chính quyền và các tổ chức quần chúng trong thôn tiến hành trao thưởng học sinh giỏi cấp phổ thông, vinh danh học sinh đỗ đại học hoặc được nhà nước trao học vị thạc sĩ, tiến sĩ.
Dự lễ hội truyền thống mùng 3 tháng 3 của làng, chúng tôi được gặp cô Cao Thị Nội - Chi hội trưởng chi hội cựu giáo chức đồng thời là chi hội trưởng chi hội khuyến học của thôn Phú Thụy.
Vóc người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn, rạng rỡ, cô truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt huyết của một giáo viên hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, cũng hết lòng vì sự nghiệp chung của địa phương sau khi cô đã nghỉ hưu.
Năm nay cô Cao Thị Nội đã gần 70 tuổi (cô sinh ngày 15/01/1951), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cô có 10 năm dạy tại trường cấp III vừa học, vừa làm Bắc Giang, sau đó về dạy tại Trường trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội và làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Trước khi nghỉ hưu, cô được điều về dạy tại Trường trung học phổ thông Dương Xá.
Cô Cao Thị Nội tại lễ tuyên dương học sinh giỏi làng Sủi năm 2006 (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Cô đã làm Chủ tịch Công đoàn hai khóa liền và năm nào trường cô cũng đạt danh hiệu Công đoàn xuất sắc cấp huyện hoặc Thành phố, bản thân cô liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà, cô giáo người mẹ hiền ", có năm đạt danh hiệu Chủ tịch Công đoàn xuất sắc cấp Thành phố do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Gia Lâm công nhận.
Không chỉ là một Chủ tịch Công đoàn xuất sắc, cô còn là một giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán của ngành Giáo dục huyện Gia Lâm về bộ môn Lịch sử.
Những lần thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và Thành phố, những đợt tập huấn, cải cách thay sách Giáo khoa, cô luôn có mặt tham gia một cách tích cực. Cô để lại trong lòng đồng nghiệp những ấn tượng khó quên về một giáo viên tâm huyết với nghề.
Với công tác chủ nhiệm, cô được đồng nghiệp luôn trân trọng, phụ huynh và học sinh luôn ngưỡng mộ.
Tại Trường trung học phổ thông Dương Xá, với lớp có nhiều học sinh cá biệt, Ban giám hiệu luôn tín nhiệm giao cho cô làm Chủ nhiệm dù số tiết bộ môn cô dạy tại lớp không nhiều.
Chỉ một thời gian sau, tại những lớp này những "đại ca", những "tiểu cô nương" đều được cô giáo dục trở thành những học trò ngoan, hăng say học tập.
Chăm lo cho sự nghiệp trồng người là trách nhiệm của toàn dân (Người ngồi thứ 6 từ phải sang là Thượng tọa Thích Thanh phương, Trụ trì chùa Sủi). Ảnh: tác giả cung cấp |
Hỏi "Cô có bí quyết gì không ạ ?", cô cười xòa chia sẻ: "Có bí quyết gì đâu em. Mình gần gũi tìm hiểu thương yêu học sinh, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nắm được hoàn cảnh và những uẩn khúc bên trong của những "tâm hồn nổi loạn", những "tính cách đặc biệt", đặt mình vào vị trí học sinh, coi học sinh như những người bạn nhỏ, tin tưởng các em, cho các em tự tâm sự rồi từ đó phân tích, định hướng cho các em là sẽ thành công”.
Cô cho biết: “Đa số học sinh cá biệt, những trường hợp “nổi loạn” là những em có hoàn cảnh đặc biệt, do bố mẹ bỏ nhau, do thiếu sự yêu thương chăm sóc của gia đình, do bố mẹ mải làm ăn không quan tâm đến con cái, cũng có trường hợp do ý thức cá nhân, hiếu thắng, đua đòi,…
Mỗi hoàn cảnh, mỗi học sinh, giáo viên chủ nhiệm lại phải có cách ứng xử riêng, không giống nhau được thì mới thành công”.
Có học sinh “cá biệt” được cô tin tưởng giao làm cán bộ lớp, từ chỗ phải cố gắng gương mẫu mới nói được các bạn đến chỗ trở thành học sinh ngoan lúc nào không hay.
Thật khó có thể kể hết những việc mà người giáo viên chủ nhiệm phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Có học sinh học ra trường rồi kể lại: “Khi cháu học cô Nội, nhà cháu rất nghèo, cô đã cho cả sách, vở. Đến khi đến nhà cô, thấy hoàn cảnh cô cũng chỉ hơn nhà cháu một tý thôi, thật là cảm động. Hiện nay, kinh tế gia đình của cô đã khá hơn xưa, thật mừng cho cô quá”.
Năm 2006, cô Cao Thị Nội nghỉ hưu với chức danh giáo viên cao cấp. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước với đóng góp của một nhà giáo dạy cấp trung học phổ thông, chức danh này ngay cả nhiều vị hiệu trưởng cùng thời cũng không đạt được.
Bảo hiểm y tế ghi cô có tiêu chuẩn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị. Khi làm sổ khám bệnh, vị Trưởng phòng bảo: “Các vị giáo viên phổ thông làm gì có tiêu chuẩn mà cứ chen vào bệnh viên cao cấp này”!
Nghỉ hưu, tuy không phải là con dâu cả trong gia đình nhưng cô vẫn bàn với chồng đưa mẹ chồng về chăm sóc.
Cô được các thầy cô giáo đã nghỉ hưu của thôn tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội Hội cựu giáo chức đồng thời tham gia Ban khuyến học do cụ Nguyễn Xuân Giá (lão thành cách mạng làm trưởng ban).
Các công việc xã hội trên địa bàn cô không từ chối bất kỳ việc gì, nào tham gia Ban di tích Đình - Đền - Chùa Phú Thụy, Trưởng ban Phật tử Phú Thụy, Ban khuyến học, Hội cựu giáo chức,... Mọi công việc cô đều được dân làng và khách thập phương tín nhiệm.
Không chỉ là một giáo viên tận tụy, yêu nghề, một Phật tử thông hiểu giáo lý nhà Phật, cô còn được thừa hưởng một số bài thuốc gia truyền do phụ thân truyền lại.
Mỗi khi quanh vùng có ai bị bệnh quai bị, bị khối u bã đậu, tắc tia sữa và một số bệnh khác đều được mách nhau đến nhờ cô chạy chữa.
Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, không những cô chữa không lấy tiền mà còn cho quà, nhất là với trẻ em.
Nhiều bệnh nhân nhớ công ơn của cô thường biếu quà, chỉ là những món quà quê như rau sạch, chuối sạch… nhưng cô hết sức trân trọng và lại tìm cách tặng lại những món quà khác cho họ mỗi khi có điều kiện.
Cô cứ như là cô Tấm thời nay, góp cho đời những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lại không nhỏ. Học sinh, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và nhân dân trong vùng yêu mến cô chính là phần thưởng, là mong mỏi của một nhà giáo “hưu” những vẫn “trí”.