Trong kho tàng di sản tư tưởng Hồ Chí Minh có phần nội dung rất nổi bật đó là tư tưởng giáo dục.
Với Bác Hồ, việc chăm lo cho thế hệ trẻ Việt Nam luôn được Người quan tâm sâu sát.
Cứ mỗi dịp khai giảng năm học mới, Tết Thiếu Nhi, Tết Trung Thu, Bác thường gửi thư chúc mừng và có nhiều bài viết thể hiện tình cảm, quan điểm giáo dục của mình với thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong những bài viết luôn chứa đựng minh triết giáo dục sâu sắc. Bài viết đăng trên báo Nhân dân, số 455 (1/6/1955) là một ví dụ sinh động.
Trong Tư tưởng Hồ Chính Minh có phần nội dung rất đặt biết đó là triết lý giáo dục (ảnh minh họa - nguồn baotanghochiminh.vn). |
Với những dòng viết như: "Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có "4 tính tốt": hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà";
"Người lớn không nên cái gì cũng can thiệp, việc gì cũng bao biện; không nên gò ép, bó buộc; không nên làm cho các em câu nệ, khúm núm, thành những nhi đồng "già"... đó là những minh chứng cho tư tưởng giáo dục vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức thư Bác Hồ gửi học sinh trong ngày khai giảng 9/1945 mang nội dung gì? |
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng bài viết trên.
"1/6
Các em nhi đồng vui vẻ đón mừng Ngày quốc tế của các em, cũng như nhân dân lao động vui vẻ chúc mừng Ngày quốc tế Lao động 1-5.
Đồng thời, ngày 1/6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng.
Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em "5 điều yêu": Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công.
Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có "4 tính tốt": hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà.
Phải vun trồng cho nhi đồng cái thói quen đoàn kết và tập thể, mở mang tính hăng hái và tính sáng tạo của nhi đồng. Làm cho nhi đồng dần dần có cái tư cách của con người mới: không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan.
Ngoài việc học cần hướng dẫn các em chơi vui một cách tập thể và có văn hoá như hát, múa, làm kịch, cắm trại... Và khuyến khích các em tham gia việc tăng gia sản xuất, thăm viếng thương binh, giúp đỡ gia đình liệt sĩ...
Trong mọi việc, nên hướng dẫn các em tự động. Người lớn không nên cái gì cũng can thiệp, việc gì cũng bao biện; không nên gò ép, bó buộc; không nên làm cho các em câu nệ, khúm núm, thành những nhi đồng "già".
8,9 năm qua, chúng ta kiên quyết kháng chiến; hiện nay chúng ta kiên quyết đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước - cũng nhằm mục đích xây dựng cho con cháu chúng ta một đời sống sung sướng, vui tươi, thái bình, hạnh phúc.
Đồng thời chúng ta phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng ta thành những công dân có tài, có đức, xứng đáng là người chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" - Báo Nhân dân, số 455, ngày 1/6/1955.