Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng lớn, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian qua nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử phục vụ khách hàng, văn hóa nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.Một trong ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Thành Tuấn bày tỏ, với giá cả bị "chặt chém" đắt lên gấp nhiều lần mà cung cách, thái độ phục vụ của nhân viên, các chủ hàng cũng chẳng mấy lịch sự, hòa nhã với khách hàng nên giờ đây dường như Hạ Long - Bãi Cháy, Quảng Ninh đã thành khu..."bãi chém".... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn ý kiến này. Mời độc giả cùng theo dõi: Trong mấy tuần qua, tôi đã theo dõi rất kỹ các bài viết về thái độ, cung cách, văn hóa phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch của nhiều nhân viên, chủ hàng ở một số địa phương trên cả nước, đặc biệt là các dịch vụ ở Hà Nội. Đây không phải là câu chuyện mới nhưng cá nhân tôi thấy rằng, lúc nào nó cũng "nóng" bởi, đây là một vấn nạn sát sườn, mà không ít người đi du lịch đã từng gặp phải. Những hành động, thái độ đó chính là không ít "con sâu bỏ rầu nồi canh", làm xấu đi bộ mặt, hình ảnh của các khu du lịch, văn hóa, đồng thời làm mất đi lòng tin của khách du lịch dù chỉ một lần đến mà gặp phải.
Biển Bãi Cháy, Quảng Ninh (Ảnh: Internet). |
Và chính bản thân tôi, sau khi đến với Hạ Long - Bãi Cháy, Quảng Ninh, tôi cũng đã thực sự rất thất vọng trước cảnh "chặt chém" đến "khiếp vía" của các chủ hàng dành cho khách du lịch cũng như cung cách phục vụ chẳng mấy lịch sự, thân thiện... Tôi không phải nói ngoa nhưng nếu ai đã có dịp đến Hạ Long - Bãi Cháy Quảng Ninh vào những ngày lễ hội Canarval hay ngay trong mùa du lịch những năm qua thì sẽ thấy những cảnh "chặt chém" với du khách không còn quá xa lạ. Ngay chính tại lễ hội Canarval Hạ Long 2012 mới được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, gia đình tôi cũng đã phải chịu mức giá thuê phòng đến "chát mặt" 2,5 triệu đồng/ phòng/ 1 ngày đêm tại một khách sạn hạng trung nhưng có vị trí ngay sát mặt biển.
Còn những phòng nghỉ bình dân cách khoảng chừng 1 km cũng "mặn" không kém khi tăng lên từ 1,2 - 1,8 triệu/ phòng, gấp đôi, gấp ba, thậm chí là hơn thế so với những ngày du lịch thường. Đó là chưa kể, các đồ ăn hải sản đều tăng giá gấp đôi, gấp ba so với bình thường, 400.000 - 450.000 đồng/ 1kg mực tươi, 900.000 đồng/kg ghẹ, mực khô 100.000 đồng/ con nhỏ xíu... Đó là chưa kể đến những đồ uống cũng chẳng rẻ hơn 20.000 - 30.000 đồng/ chai 0 độ, 40.000 - 50.000 đồng/ cốc nước dừa, 40.000 đồng/ chai bia Hà Nội... Những đồ ăn sáng như bún, phở cũng tăng giá "chóng mặt" lên tới 80.000 - 100.000 đồng/ bát phở, với vài thứ lèo tèo. Bánh mỳ cũng từ 15.000 - 20.000 đồng/ cái, nước khoáng 20.000 đồng/ chai... Tôi còn nhớ, khi vừa ra mua cho con chai nước khoáng, chê đắt, người bán hàng liền cho luôn một "tràng" những câu rất thiếu văn hóa theo kiểu: "... không thiếu người mua, không bán cho những loại đi du lịch rách..." "Chặt chém" ghê hơn là trong khu chợ đêm Hạ Long, hầu hết các mặt hàng đồ lưu niệm đều bị nói thách giá tăng gấp đôi, gấp ba. Một chiếc vòng ngọc trai to nếu bình thường ở Hà Nội chỉ cần bỏ ra hơn 300.000 đồng là có thể mua được thì ở đây đề giá tới 600.000 đồng, thậm chí là hơn. Hay một chiếc thuyền cỡ lớn bán trong siêu thị ở Hà Nội cũng chỉ niêm yết từ 350.000 - 800.000 đồng/chiếc còn ở đây, giá lên tới 1.500.000 - 1.900.000 đồng/chiếc... Cái cảnh mắng, chửi khách của các chủ hàng dù không "lỗ mãng, thậm tệ" như ở một số nơi nhưng cũng đủ để cho những ai mặc cả rồi mà không mua sẽ phải "cạch đến già". Cảnh đeo bám khách du lịch của hàng rong tuy không nhiều như Sầm Sơn nhưng cũng làm cho khách phải phát ớn. Chỉ chưa đầy 30 phút đi dọc bờ biển, tôi nhẩm tính cũng phải có tới hơn chục người bán hàng rong từ ăn uống, đồ vặt qua lại chào mời. Và mỗi khi không mua đều nhận được cái "lườm nguýt, trừng mắt" rất đáng sợ. Cũng trong dịp hè năm 2011, tôi và một số người bạn khi thuê tàu du lịch ra vịnh Hạ Long cũng đã chịu một phen "đứng người". Giá niêm yết thuê tàu được ghi rõ là 350.000 đồng cho 1 giờ thuê tàu du lịch loại 3 sao nhưng đến khi trả tiền lại bị "chặt đẹp" lên tới 900.000 đồng, với lời giải thích của nhân viên "giá đó là giá cũ chúng em chưa kịp thay..."
Vịnh Hạ Long (Ảnh: Lao động) |
Không trả tiền cũng không được vì đã trót ngồi lên tàu và mới ý kiến thì đã bị phủ đầu bằng không ít lời khó nghe, hăm dọa rồi. Hơn thế, khi chúng tôi dừng tàu xuống bè thăm quan, khi chúng tôi mới ngỏ ý hỏi xem cá nuôi đó là cá gì thì ngay lập tức người chủ bè dùng vợt vớt một con cá lên và đập chết. Quá "ngỡ ngàng" chúng tôi phản ứng lại thì chủ hàng phân bua "đã đập chết rồi thì phải mua" rồi sau đó có những lời nói, thái độ rất khó chịu, hăm dọa. Nhìn con cá chỉ chừng hơn 4kg nhưng khi cân bằng chiếc cân tay mà đã bị bỏ không dùng cách đây cả chục năm thì con cá nặng tới hơn 8kg. Giá mỗi kg là 500.000 đồng, tính ra con cá đó có giá hơn 4 triệu đồng. Chúng tôi chê giá đắt thì bắt đầu 3 - 4 người trong bè kéo ra cùng dao rồi gậy trong tay, với những hành động, cử chỉ rất thiếu lịch sự, lỗ mãng... Vì là khách lại đang ở trên bè của họ, tránh những phiền phức, căng thẳng có thể xảy ra trong chuyến du lịch này nên chúng tôi đành chấp nhận trả tiền mua con cá đó. Mua cá đắt nhưng khi nhờ đầu bếp trên du thuyền nấu giúp thì mới biết phụ thu công nấu cũng phải trả là 10% giá của con cá đó. Người ta nói "chưa đi đến thì chưa thể biết" thật quả không sai. Sau hai lần đến với Hạ Long - Bãi Cháy tôi và không ít người bạn, gia đình đã biết được nhiều thứ hơn ở đây. Khách du lịch bỏ tiền ra để tới đây thưởng ngoạn những danh thắng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Nhưng những gì mà tôi đã được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe thì đến đây chỉ làm cho khách du lịch mang thêm cái bực vào người và một đến rồi quyết sẽ không bao giờ trở lại. Như tôi đã nói ở trên, với những mức giá "chặt chém" đến "kinh hồn" và cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ cũng chẳng mấy thân thiện, tôn trọng với khách hàng thì dường như giờ đây, Hạ Long - Bãi Cháy đã thành "khu bãi chém"... * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Nguyễn Thành Tuấn