Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Khóa 14;
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo); hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo;
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo;
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội);
Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục;
Cô Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest.
Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: Thùy Linh) |
Mở đầu buổi tọa đàm, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin rằng, ngày 14/2/2019 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thảo luận về quy hoạch mạng lưới trường học thành phố, thống nhất tên gọi dự thảo: phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng giai đoạn từ 14/2/2019 đến năm 2020 cập nhật các dự án đầu tư công của Thành phố và các quận, huyện về việc cải tạo, sửa chữa trường học đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt cho đến tháng 12/2018 vào dự thảo Quyết định; Rà soát, đề xuất nâng cao các tiêu chuẩn, tuyệt đối không hạ các tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn của quốc gia.
Việc xây dựng trường học trong giai đoạn tới đảm bảo thực hiện nghiêm túc các tiêu chí về tầng cao theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
Bố trí xây dựng tập trung tại 01 điểm trường, đồng thời bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn về cây xanh, khuôn viên vui chơi, sân vận động thể dục thể thao, phòng thí nghiệm, thảm thực vật… cho trường học đảm bảo chất lượng; nêu rõ cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư về đất đai, tài chính, đào tạo giáo viên… hoàn thiện trình Ủy ban nhân dân Thành phố để báo cáo Thành ủy, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua trong tháng 3/2019.
Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Cũng theo Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đến ngày 13/5/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra văn bản số 1977/UBND-KGVX giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong việc xây dựng trường chất lượng cao, trường học liên kết, chương trình song bằng, chương trình quốc tế.
Rất nhiều góp ý quan trọng đối với thành phố Hà Nội đã được các chuyên gia chỉ ra tại tọa đàm. (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, cho đến kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV từ ngày 3/12/2019 đến ngày 5/12/2019, dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học thành phố vẫn chưa được trình ra Hội đồng nhân dân.
Cho đến nay, chưa thấy Hà Nội công bố Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV (từ 3/12/2019 đến 5/12/2019) báo cáo giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy sĩ số bình quân tại các trường phổ thông công lập nhiều quận của Hà Nội còn rất cao so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Vì vậy, ông Tước cho hay, hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp” nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp làm sao đảm bảo giảm tải sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.