Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu?

26/06/2017 06:39
Trần Đăng Anh
(GDVN) - Nếu hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở trong tổ chuyên môn cùng với giáo viên (cấp dưới của mình) thì điều đó thật vô lý?

LTS: Trong bài “Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra" đăng trên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ở số trước, tác giả Trần Đăng Anh đã mạnh dạn nêu lên suy nghĩ về vấn nạn lạm dụng chức quyền, vi phạm quy chế của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý tại nhà trường.

Ở bài viết này, nhằm đưa ra những phân tích và câu trả lời rõ ràng của mình về bài báo đã đăng tải, tác giả một lần nữa khẳng định ban giám hiệu cũng là thành viên của một tổ chuyên môn nào đó, tức là họ phải tham gia đầy đủ vào các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong bài “Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/6/2017, tôi (Trần Đăng Anh) có viết: 

“Theo quy định thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng là thành viên của một tổ chuyên môn nào đó, tức là họ phải tham gia đầy đủ vào các buổi sinh hoạt chuyên môn”.

Hình ảnh minh họa về các loại hồ sơ của giáo viên (Ảnh: dophuquy.com)
Hình ảnh minh họa về các loại hồ sơ của giáo viên (Ảnh: dophuquy.com)


Phản hồi dưới bài báo, độc giả Nguyễn Phong đã trích dẫn ý trên và trao đổi lại rằng: “Quy định này ở đâu thế"?

Sau đó, độc giả Nguyễn Phong đã trích dẫn lại phần đầu của điểm 1, điều 16 trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nội dung cụ thể như sau:

“Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh được tổ chức thành tổ chuyên môn theo môn học, nhóm môn học hoặc nhóm các hoạt động ở từng cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông”. 

Đối chiếu với quy định này thì rõ ràng nhận định: “hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng là thành viên của một tổ chuyên môn nào đó”  không hề sai.

Mặt khác, phần cuối của đoạn phản hồi, độc giả Nguyễn Phong viết:

“Ban giám hiệu chính là 1 tổ chuyên môn theo nhóm hoạt động quản lý, tuần nào cũng hội ý, tháng họp 1 lần. Nếu hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở trong tổ chuyên môn cùng với giáo viên (cấp dưới của mình) thì điều đó thật vô lý”. Thông thường khi các tổ sinh hoạt chuyên môn phó hiệu trưởng đều dự và chỉ đạo, hiệu trưởng dự sinh hoạt với tổ văn phòng”.  

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu? ảnh 2

Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra?

Các nhận định trên có nhiều điều cần bàn vì nó có sự “lạ”, sự “gia trưởng”, phân biệt đẳng cấp trong sinh hoạt chuyên môn.

Sự “lạ” vì từ trước đến nay, có lẽ duy nhất độc giả Nguyễn Phong khẳng định rằng: “Ban giám hiệu chính là 1 tổ chuyên môn theo nhóm hoạt động quản lý, tuần nào cũng hội ý, tháng họp 1 lần”. 

Ban giám hiệu tại sao lại là 1 tổ chuyên môn được? Có văn bản nào quy định như vậy không? Hay đây chỉ là cách hiểu của độc giả Nguyễn Phong?

Nhận định trên có phần “gia trưởng” vì nó có sự phân biệt lãnh đạo với giáo viên trong sinh hoạt chuyên môn.

Hiểu theo ý của độc giả Nguyễn Phong thì trong tổ chuyên môn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng không thể là cấp dưới của tổ trưởng tổ chuyên môn. Như vậy, quá phân biệt và không đúng quy định.

Trên thực tế, nhiều người có thể đứng đầu một tổ chức, đoàn thể lớn nhưng có khi vẫn là thành viên của tổ chức, đoàn thể nhỏ hơn trực thuộc. 

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu? ảnh 3

Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên

Nếu nghĩ như độc giả Nguyễn Phong thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng sẽ không nằm trong tổ chuyên môn nào và có thể không bắt buộc phải tham gia sinh hoạt chuyên môn?

Trong Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định: “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý” (điểm 1, điều 7).

Quy định trên nhằm tránh tình trạng “quan liêu” của ban giám hiệu, thực tế một đằng chỉ đạo một nẻo vì không nắm bắt được chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh.

Vì vậy, nếu ban giám hiệu không tham gia sinh hoạt chuyên môn với giáo viên trong các tổ chuyên môn mà sinh hoạt riêng, điều đó không chỉ thể hiện sự phân biệt giữa lãnh đạo và giáo viên mà còn rất dễ dẫn đến sự “quan liêu” trong chỉ đạo, điều hành chuyên môn.

Theo chúng tôi, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng vẫn nên tham gia sinh hoạt chuyên môn ở một tổ chuyên môn nào đó (tùy theo môn mình dạy). 

Làm như vậy, vừa thể hiện sự hòa đồng, không phân biệt trong chuyên môn giữa cán bộ quản lý và giáo viên, vừa nắm bắt được tình hình thực tế để có sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác chuyên môn của nhà trường.

Trần Đăng Anh