Băn khoăn nhắc nhở, phê bình, viết kiểm điểm có phải là hình thức kỷ luật?

24/05/2025 06:45
Bùi Nam

GDVN - Việc thành lập hội đồng kỷ luật với đầy đủ thành phần, làm việc vất vả nhưng chỉ để phê bình, nhắc nhở hoặc yêu cầu viết kiểm điểm là chưa thuyết phục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế cho Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục từ năm 1988.

Sau khi dự thảo Thông tư này được công khai thì nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Theo dự thảo, học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ vi phạm, học sinh cấp tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

1f21f1a8ad7f1821416e.jpg
Ảnh minh hoạ.

Các hình thức và quy trình kỷ luật học sinh hiện nay?

Theo Thông tư 08/TT năm 1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông hiện còn hiệu lực thực hiện.

Theo qui định của Bộ, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức, cụ thể vận dụng như sau:

1. Khiển trách trước lớp;

2. Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường;

3. Cảnh cáo trước toàn trường;

4. Đuổi học một tuần lễ;

5. Đuổi học 1 năm.

Tùy tính chất, mức độ, hành vi và mức độ tái phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp.

Sau khi phát hiện những học sinh mắc khuyết điểm sai phạm từ mức độ cần đề nghị khiển trách trước Hội đồng kỉ luật nhà trường trở lên, giáo viên chủ nhiệm lớp phải lập hồ sơ và báo cáo ngay với Hiệu trưởng và Hội đồng kỉ luật của nhà trường để xét và thi hành kỉ luật kịp thời, qua đó giáo dục chung cho học sinh toàn trường, đồng thời nhà trường phải thông báo cho gia đình học sinh biết để có trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường tiến hành giáo dục con em sửa chữa khuyết điểm.

Hồ sơ xét kỉ luật đối với những học sinh phạm lỗi này bao gồm:

Bản tự kiểm điểm sai phạm của học sinh phạm lỗi (sau khi đã tham khảo ý kiến của tập thể lớp của học sinh phạm lỗi) kèm theo những tài liệu, tang vật nếu có

Với các mức độ vi phạm từ khiển trách, nếu phải áp dụng hình thức kỷ luật thì phải thông qua Hội đồng kỷ luật nhà trường và có đầy đủ hồ sơ (bản kiểm điểm, biên bản thảo luận mức độ kỷ luật, quyết định kỷ luật).

Băn khoăn các mức nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm có phải là hình thức kỷ luật không?

Theo dự thảo, học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ vi phạm, học sinh cấp tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Sau khi dự thảo được ban hành, ngoài một số ý kiến đồng thuận nên tạo điều kiện cho học sinh sửa sai, phần nhiều chưa đồng thuận, nhiều người cho rằng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã lớn nên có hình thức phù hợp hơn để vừa có tính nhân văn nhưng phải có tính răn đe, giúp học sinh sửa sai và khắc phục, nếu cứ mãi nuông chiều, dễ dãi sẽ làm các em dễ hư hỏng hơn, vi phạm nhiều hơn làm gánh nặng cho gia đình và xã hội,…

Kinh nghiệm cho thấy học sinh được học tập trong môi trường kỷ luật sẽ có ý thức tốt hơn, dễ thành công hơn.

Trên báo điện tử Vnexpress.vn đã thực hiện một khảo sát với câu hỏi: Quan điểm của bạn về dự kiến kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 3 phương án trả lời với 3686 phiếu biểu quyết với kết quả như sau:

Đồng tình 344 phiếu chiếm tỷ lệ 9%

Nên có hình thức phạt mạnh hơn, tùy mức độ vi phạm là 3244 phiếu chiếm tỷ lệ 88%

Ý kiến khác là 99 phiếu chiếm tỷ lệ 3%. [1]

anh-ket-qua-khao-sat.jpg
Kết quả khảo sát trên Vnexpress.vn. Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát cho thấy mức độ đồng tình với các mức kỷ luật của dự thảo là khá thấp, giáo viên lo lắng nếu hạ thấp hình thức kỷ luật, không có biện pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp thì môi trường giáo dục sẽ thiếu kỷ luật, học sinh vi phạm, tái phạm nhiều lần sẽ không sợ, các em ngoan, cố gắng sẽ cảm thấy bất công, môi trường giáo dục thiếu an toàn,…

Liệu các hình thức nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi đối với học sinh tiểu học hay hình thức bị nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm đối với học sinh trung học phổ thông có phải là hình thức kỷ luật không?

Người viết tra cứu, tìm hiểu các quy định từ trước đến nay, đối với học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động không tìm thấy quy định nào với các cụm từ nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm gọi là hình thức kỷ luật.

Thông tư 08 năm 1988 quy định kỷ luật học sinh từ khiển trách đến đình chỉ học có thời hạn.

Quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định những sinh viên có hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Đình chỉ học tập có thời hạn; Buộc thôi học.

Đối với người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đọa thì tùy theo mức độ, tính chất, hành vi vi phạm thì có thể áp dụng các hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức (nếu có chức vụ); buộc thôi việc, ngoài ra đặc thù có thể áp dụng thêm hình thức giáng chức, hạ bậc lương,…

Nếu khi thành lập hội đồng kỷ luật hoặc xem xét chưa đến mức kỷ luật chỉ ở mức phê bình, rút kinh nghiệm thì người vi phạm phải thực hiện bản kiểm điểm và hình thức phê bình, kiểm điểm không gọi là hình thức kỷ luật.

Như vậy, các hình thức kỷ luật mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gồm nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm tuy nhân văn nhưng người viết cho rằng đó không phải là các hình thức kỷ luật, đó có thể gọi là các mức nhắc nhở, viết kiểm điểm, phê bình khi học sinh vi phạm, nếu tái phạm nhiều lần đến mức kỷ luật thì phải thành lập hội đồng kỷ luật và áp dụng các mức kỷ luật phù hợp hơn.

Việc kỷ luật không phải đơn giản là yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm, nhắc nhở hay phê bình mà phải bằng các hình thức cụ thể, có tác dụng giáo dục và phải thông qua hội đồng kỷ luật có quyết định kỷ luật của hiệu trưởng.

Việc thành lập hội đồng kỷ luật học sinh được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có quy định:

Hội đồng kỷ luật học sinh được thành lập để xét hoặc xóa kỷ luật đối với học sinh theo từng vụ việc. Hội đồng kỷ luật học sinh do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh vi phạm, một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Việc thành lập hội đồng kỷ luật với đầy đủ thành phần, làm việc vất vả nhưng chỉ để phê bình, nhắc nhở hoặc yêu cầu học sinh viết kiểm điểm là chưa thuyết phục.

Việc kỷ luật bỏ đình chỉ học với người học như dự thảo được dư luận đồng tình nhưng các mức kỷ luật như dự kiến gồm nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm có phần chưa phù hợp, nên người viết đề xuất có 2 hình thức kỷ luật học sinh phổ thông gồm: Khiển trách, cảnh cáo (bỏ hình thức đình chỉ học có thời hạn), để hợp lý hơn phù hợp với các quy định về kỷ luật, vừa nhân văn, vừa răn đe để học sinh nhận ra sai sót để tiến bộ và nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/du-kien-bo-hinh-thuc-dinh-chi-hoc-voi-hoc-sinh-4882921.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam