Chiều 23/5, tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phối hợp Hệ thống phổ thông FPT (FPT Schools) tổ chức hội thảo “AI và tương lai ngành Giáo dục và Đào tạo”.
Đây là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch số 2355/KH-SGDĐT ngày 18/4/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành giáo dục thành phố Hải Phòng năm 2025.
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện FPT Schools phối hợp cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục các địa phương trên cả nước nhằm lan tỏa tri thức về AI và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và quản lý giáo dục.

Tham dự hội thảo có ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT; bà Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành FPT School Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Hải Phòng.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp với hơn 400 đại biểu, kết hợp trực tuyến kết nối 1.200 điểm cầu với hơn 12.000 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Thành phố Hải Phòng đang quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý và giảng dạy.
Tôi tin rằng, những chia sẻ từ chuyên gia của FPT Schools tại hội thảo hôm nay sẽ khai mở những góc nhìn mới, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên địa phương tiếp cận AI một cách thực chất và hiệu quả”.

Bà Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành FPT School Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Hải Phòng, chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo đã làm cả thế giới sửng sốt, đặt ra thách thức cho ngành giáo dục, đó là phải đi trước một bước, đi nhanh để dẫn dắt thế hệ học trò làm chủ công nghệ cũng như thích ứng với AI.
Chúng tôi hy vọng những chia sẻ với chủ đề thiết thực từ FPT sẽ giúp cho AI trở nên hữu hình, thân thiện, dễ tiếp cận với tất cả các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy và quản lý trường học.”
FPT Schools xác định công nghệ là một trong ba trụ cột quan trọng trong chiến lược đào tạo của hệ thống. Trong ba năm qua, Hệ thống đã triển khai giảng dạy các chương trình về Robotics, STEM và Coding tích hợp AI theo tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, cũng như đào tạo kiến thức AI cho 100% cán bộ giáo viên.
Song song với việc nâng cao năng lực công nghệ cho học sinh, FPT Schools còn chú trọng lan tỏa kiến thức về AI đến cộng đồng giáo dục Việt Nam thông qua sáng kiến toàn cầu Day of AI Vietnam (hợp tác cùng Học viện Công nghệ Massachusetts), nhằm phổ cập miễn phí kiến thức AI cho hàng triệu học sinh Việt Nam, hướng đến đào tạo thế hệ công dân AI có đạo đức và trách nhiệm.

Tại hội thảo, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đã có bài chia sẻ với chủ đề “Trở thành “người kết nối” trong kỷ nguyên AI”.
Theo ông Tiến, trong thời đại AI, vai trò của người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà cần trở thành “người kết nối” – kết nối học sinh với kho tri thức rộng lớn, với công nghệ và với chính nội lực bên trong các em.
Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: “AI là trợ thủ đắc lực, nhưng con người vẫn là trung tâm của giáo dục. Người thầy cần giúp học sinh khai phá tiềm năng, làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện”.
Tiếp đó, chuyên đề “Trợ lý ảo làm việc thật” do ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Tư vấn giải pháp FPT Smart Cloud, Tập đoàn FPT, trình bày đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu.
Bài trình bày tập trung vào cách xây dựng dễ dàng một AI Agent có thể hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, cá nhân hóa việc học cho từng học sinh và quản lý lớp học hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các hiệu trưởng và giáo viên tham dự còn được trải nghiệm lớp học đảo ngược có AI, nơi giáo viên FPT Schools áp dụng công nghệ để tạo ra môi trường học tập sinh động, khuyến khích học sinh tự tìm tòi và sáng tạo cùng các công cụ AI.
Hội thảo “AI và tương lai ngành Giáo dục và Đào tạo” tại Hải Phòng không chỉ là diễn đàn để trao đổi tri thức mà còn là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên tiếp cận các giải pháp công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số trong ngành giáo dục địa phương.
