Ban Mai school đưa giáo dục tư duy tài chính, khởi nghiệp vào chương trình học

31/05/2020 06:26
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2020 -2021, Hệ thống Giáo dục Ban Mai sẽ chính thức đưa vào giảng dạy Chương trình Giáo dục: Tư duy Tài chính – Kiến tạo doanh nhân trẻ.

Ngày 30/5, Hệ thống giáo dục Ban Mai đã chính thức ký kết hợp tác với Tổ chức Junior Achievement Việt Nam (JAVN) triển khai Chương trình Giáo dục: Tư duy Tài chính – Kiến tạo doanh nhân trẻ.

Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Mai school và JA Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm

Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Mai school và JA Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm

Nhà giáo Mai Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Ban Mai nhấn mạnh: “Với mục tiêu đào tạo toàn diện, chuẩn bị các kiến thức về tài chính, nghề nghiệp và khởi nghiệp cho học sinh Hệ thống Giáo dục Ban Mai chính thức đưa Chương trình Giáo dục: Tư duy Tài chính – Kiến tạo doanh nhân trẻ vào đào tạo từ cấp Tiểu học đến hết Trung học phổ thông.

Học sinh Ban Mai School sẽ được trang bị những kỹ năng, kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, làm chủ cuộc sống đồng thời xây dựng tư duy khởi nghiệp, tinh thần đổi mới ngay từ trên ghế nhà trường”.

Tại buổi lễ, bà Đoàn Bích Ngọc- Giám đốc JA VietNam cũng đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, giáo viên liên quan đến chương trình.

Được biết, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore giáo dục tài chính và khởi nghiệp được giảng dạy trong chương trình chính khóa cho học sinh từ những năm 1900.

Riêng Israel, việc giáo dục tư duy tài chính và khởi nghiệp cho trẻ ngay từ nhỏ luôn được Chính phủ, gia đình và nhà trường chú trọng.

Tại buổi lễ, Ban Mai school đã tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ huynh học sinh. Nhà giáo Mai Thị Lan Anh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thơm

Tại buổi lễ, Ban Mai school đã tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ huynh học sinh. Nhà giáo Mai Thị Lan Anh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thơm

Tại Việt Nam, Ban Mai School là một trong số những Hệ thống giáo dục phổ thông tiên phong tại Việt Nam đưa nội dung này vào chương trình học tập chính khóa cho học sinh.

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2020 -2021, Hệ thống Giáo dục Ban Mai sẽ chính thức đưa vào giảng dạy Chương trình Giáo dục: Tư duy Tài chính – Kiến tạo doanh nhân trẻ xuyên suốt từ cấp Tiểu học lên đến Trung học phổ thông với mức độ phức tạp và chuyên sâu ngày càng tăng dần.

Đặc biệt, nhà trường kỳ vọng, việc đưa các bộ môn liên quan đến kinh doanh vào trường học sẽ tạo nền tảng vững vàng cho mong muốn khởi nghiệp đang lan rộng trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Chương trình gồm 3 mảng nội dung chính:

(1) Kiến thức tài chính: cách phân bổ ngân sách và sử dụng tiền hiệu quả, cơ cấu và cách hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng, xác định và phòng tránh rủi ro tài chính...

(2) Kiến thức kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp: cách thức lên ý tưởng, thành lập, điều hành các cơ sở kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng...

(3) Hướng nghiệp: cách thức xây dựng hình ảnh bản thân, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, xây dựng hồ sơ, thư xin việc...

Từ năm học 2020 -2021, học sinh Ban Mai sẽ chính thức được học về tư duy tài chính, kinh tế, khởi nghiệp. Ảnh: Đỗ Thơm

Từ năm học 2020 -2021, học sinh Ban Mai sẽ chính thức được học về tư duy tài chính, kinh tế, khởi nghiệp. Ảnh: Đỗ Thơm

Đối với khối Tiểu học, học sinh sẽ được làm quen các thuật ngữ đơn giản như: phân biệt cần – muốn; nguồn gốc, giá trị đồng tiền; tiền trong xã hội.

Học sinh sẽ nhận biết các nhóm nghề trong xã hội thông qua công việc của các thành viên trong gia đình, cộng đồng nơi con sinh sống.

Bên cạnh đó học sinh tìm hiểu các khái niệm cơ bản về khởi tạo cơ sở kinh doanh, lập kế hoạch, dự trù chi phí…

Các hoạt động học tập được triển khai dưới dạng hoạt động trải nghiệm thực tế qua các trò chơi và các bài tập thực hành như quản lý tiền mừng tuổi, một khoản chi tiêu trong gia đình, cộng đồng, lập kế hoạch kinh doanh đơn giản….

Lên đến cấp Trung học cơ sở, học sinh sẽ được học 4 khái niệm quản lý tài chính cơ bản; sử dụng tiền hiệu quả; cách tính chi phí khởi tạo cơ sở kinh doanh..

Nhóm kiến thức về nghề nghiệp sẽ được chú trọng trong cấp học này với việc rèn luyện các kỹ năng 4C; thương hiệu cá nhân; tìm hiểu nhà tuyển dụng.

Tiếp nối kiến thức về khởi tạo doanh nghiệp đơn giản của tiểu học, học sinh cấp Trung học cơ sở sẽ được học các kiến thức để phân tích sâu từng bước tạo lập doanh nghiệp, đặc điểm doanh nhân, nghiên cứu thị trường…thông qua các hoạt động trải nghiệm, dự án thực tế.

Chương trình dành cho khối Trung học phổ thông hướng đến mục tiêu giúp học sinh định hướng tương lai thông qua việc lập kế hoạch tài chính và lường trước rủi ro trong cuộc sống, trở thành những người chủ động, có trách nhiệm với nguồn tài chính của bản thân.

Định hướng nghề nghiệp trong tương lai ở cấp Trung học phổ thông được thể hiện bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, khám phá các nghề nghiệp tại các trường đào tạo để học sinh có thể lựa chọn các nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Nâng cao hơn chương trình Trung học cơ sở, học sinh Trung học phổ thông sẽ được thực hành vận hành một doanh nghiệp thực tế từ khi thành lập, tìm kiếm khách hàng, bán hàng, quản trị nhân sự, marketing, tài chính và quản trị rủi ro.. và cả các thủ tục pháp lý liên quan tới phá sản, giải thể doanh nghiệp.

Học sinh Nguyễn Quý Dương chia sẻ về trải nghiệm sau khi tham gia kỳ thi “Thách thức thương mại quốc tế 2019”. Ảnh: Đỗ Thơm

Học sinh Nguyễn Quý Dương chia sẻ về trải nghiệm sau khi tham gia kỳ thi “Thách thức thương mại quốc tế 2019”. Ảnh: Đỗ Thơm

Những chuyến học trải nghiệm thực tế Ban Mai Company Tour, các học sinh đi tham quan học tập tại các doanh nghiệp, nhà máy… và những bài tập thực hành sẽ giúp các học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức và trang bị những kỹ năng phản xạ trước các vấn đề kinh tế vi mô, vĩ mô của xã hội.

Trong học phần này, các học sinh còn được học các kiến thức về quá trình xây dựng ý tưởng khởi tạo doanh nghiệp và Start-up.

Học sinh được tự ứng tuyển các vị trí trong doanh nghiệp giả định và xây dựng cơ cấu phòng ban phù hợp lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau đó, nhà trường sẽ bố trí thời gian thực tập ngắn hạn tại các doanh nghiệp đối tác của trường để các em có cơ hội trải nghiệm và cọ sát với thực tế để khám phá hết năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Kết thúc mỗi năm học, học sinh được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình JA.

Giấy chứng nhận là tấm vé, cơ hội để học sinh ghi tên của mình vào mạng lưới học sinh JA toàn cầu và là tiền đề để học sinh tham gia những cuộc thi lớn có quy mô quốc tế.

Năm học 2018 -2019, học sinh Nguyễn Quý Dương và Nguyễn An đã tham gia kỳ thi “Thách thức thương mại quốc tế 2019” và lọt vào Top 15 đội thi xuất sắc vượt qua hàng nghìn bạn trẻ đã dự thi trên cả nước để lọt vào vòng 2 FedEx Express / JA ITC 2019.

Đỗ Thơm