Giáo viên Đà Nẵng được trang bị kỹ năng về giảng dạy khởi nghiệp

29/10/2019 06:16
AN NGUYÊN
(GDVN) - Mục tiêu chương trình giúp giáo viên hiểu về khởi nghiệp, giảng dạy khởi khiệp, đưa ra các đề xuất, giải pháp cho việc giảng dạy khởi nghiệp trong nhà trường.

Ngày 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK – Đại học Đà Nẵng) tổ chức tập huấn cho các giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn về “giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở bậc phổ thông: thực tiễn và phương pháp”.

Đà Nẵng trang bị kỹ năng đào tạo, giảng dạy khởi nghiệp trong nhà trường cho các giáo viên. Ảnh: TT
Đà Nẵng trang bị kỹ năng đào tạo, giảng dạy khởi nghiệp trong nhà trường cho các giáo viên. Ảnh: TT

Đại diện Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh cho biết, chương trình được thiết kế dành cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, những người có nhiệm vụ giảng dạy hoặc quản lý các câu lạc bộ khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp.

“Các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo chia sẻ cho các giáo viên về các quan điểm, mô hình thực tiễn trong đào tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong trường phổ thông.

Từ đó, mang lại những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho người tham dự trong việc thiết kế và lồng ghép học phần khởi nghiệp vào khung chương trình giảng dạy.

Bài học giáo dục về khởi nghiệp

Đồng thời, tư vấn, ươm tạo cho các ý tưởng kinh doanh và kích thích tư duy sáng tạo cho một thế hệ học sinh mới năng động hơn, sáng tạo hơn”, vị đại diện này cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách VNUK cho biết, chương trình này sẽ là nguồn động lực giúp các giáo viên có thể phát triển những kỹ năng, tư duy, và kiến thức khởi nghiệp.

Người học sẽ có những hiểu biết căn bản về giáo dục khởi nghiệp, cấu trúc và những thách thức của giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Chương trình đào tạo này còn góp phần giúp cho các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển tầm nhìn riêng của mình trong giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn của cá nhân.

Với tư cách là một nhà giáo dục, bạn muốn đạt được những gì? Bạn có những phương pháp, kinh nghiệm và nguồn lực nào để có thể dạy khởi nghiệp? 

Trong chương trình huấn luyện này, học hỏi tích cực và kinh nghiệm thực tế sẽ giúp người học tìm được hướng giải quyết những vấn đề trên.

Người học có cơ hội tham gia thảo luận, phản ánh và đánh giá những phương pháp và hướng đi cho chính trường học của mình”, Tiến sĩ Hương chia sẻ thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, mục tiêu của chương trình nhằm giúp giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiểu về khởi nghiệp, giảng dạy khởi nghiệp và đưa ra được đề xuất giải pháp cho việc giảng dạy khởi nghiệp trong trường phổ thông.

Cụ thể, thúc đẩy và phát triển tư duy khởi nghiệp trong giáo viên phổ thông; Trang bị kiến thức và phương pháp giảng dạy khởi nghiệp trong trường phổ thông, bao gồm thực tiễn ở các nước trên thế giới;

Hơn 700 sinh viên tham gia chương trình Khởi nghiệp

Trang bị cho người học kiến thức về tư duy thiết kế (Design thinking) cùng với các kỹ thuật giảng dạy có thể áp dụng sau này.

Nội dung gồm có: Thấu cảm – Xác định vấn đề - Phát triển ý tưởng – Thực hiện mẫu thử - Kiểm tra trên thị trường;

Giúp giáo viên phát triển năng lực trong việc kết nối với cộng đồng địa phương với doanh nhân và các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà nẵng;

Tạo điều kiện để các giáo viên cùng nhau thảo thuận những vấn đề, thách thức trong giảng dạy khởi nghiệp ở bậc phổ thông tại Việt Nam;

Làm thế nào để giáo dục khởi nghiệp được tích hợp vào chương trình giáo dục các cấp, cũng như làm thế nào để thúc đẩy cam kết và thấu hiểu của Ban giám hiệu và các giáo viên trong toàn trường…

AN NGUYÊN