LTS: Trước thông tin về quy định không phân biệt về giá trị văn bằng, cô giáo Phan Tuyết cho rằng có sự chênh nhau về chất lượng giáo dục giữa các loại hình đào tạo bậc đại học.
Chính sự dễ dãi của một số trường đã gây ra sự bất công khi những người giỏi lại bị đánh đồng với những người học kém.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Luật Giáo dục đại học được sửa đổi bổ sung quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.
Giá trị của văn bằng hệ đào tạo chính quy, tại chức, văn bằng 2, liên thông và từ xa sẽ như nhau. Có người còn khẳng định, bằng chính quy, tại chức hay từ xa đều không có lỗi.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, chất lượng của những tấm bằng này gần như cách xa nhau một trời một vực.
Vậy lỗi thuộc về ai? Từ thực tế và sự trải nghiệm của bản thân, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều đang diễn ra sau mỗi loại hình đào tạo trừ đào tạo chính quy.
Bằng tại chức có lỗi không? Ảnh minh họa: Plo.vn |
Ai muốn học cũng được
Trong khi học sinh muốn vào học những trường đại học có tiếng như Đại học Luật, Đại học Kinh tế, Đại học Xây dựng, Kiến trúc… ít nhất phải có lực học khá trở lên. Học miệt mài, ôn luyện đến mòn đít quần. Có em phải thi đến vài năm mới đủ điểm.
Đỗ rồi cũng phải học liên tục từ 4 đến 5 năm, phải trải qua biết bao kì thi học phần, thi đồ án tốt nghiệp… mới cầm được trên tay một tấm bằng đại học.
Còn học tại chức, từ xa ai thích học đăng kí đều được tuốt. Thời gian học đã giảm tối đa, có trường chỉ phải học 2 buổi cuối tuần, trường một năm học 2-3 tháng, thời gian học cũng chỉ 2- 3 năm (cộng dồn chỉ khoảng dăm tháng là nhiều).
Đó là chưa nói đến việc, có người chẳng đi học vì bận làm cán bộ mà thuê người khác học dùm, thuê thi dùm. Giảng viên có thể không biết vì quản lý lỏng lẻo, có thể biết nhưng lại du di vì có người đã được chính các học viên lấy lòng...
Các học phần phải thi hầu như được làm ở nhà nên nhiều người dùng tiền thuê là có ngay bài làm để nộp.
Thi tốt nghiệp, ngoài đề cương đã rút ngắn đến mức có thể lại được mang vào phòng chép thoải mái chẳng ai buồn nhắc.
Thi và học như thế thử hỏi chất lượng ở đâu?
Đã có trường hợp một người bà con (mới tốt nghiệp lớp 12) của vị hiệu trưởng một trường trung học phổ thông xin vào làm chân thiết bị trong trường.
Thời gian đầu, vừa đi làm anh vừa theo học trung cấp ngành thiết bị trường học. Mấy năm sau, anh cũng đăng kí học từ xa Đại học sư phạm Huế ngành Sử.
Tốt nghiệp bằng đại học như ai, anh cũng được vị hiệu trưởng ưu ái cho đứng lớp dạy vài tiết một tuần. Giáo viên trong trường chỉ dám rù rì “biết gì mà dạy”.
Còn học sinh luôn than trời “học thầy chán lắm. Thầy không giảng mà chỉ cho đọc và chép đến mỏi tay những điều trong sách đã có”.
Cứ thế năm này qua đi, năm khác tới, bỏ qua mọi sự xì xào bàn tán thậm chí sự phản ứng gay gắt của một số học sinh, được sự nâng đỡ của vị hiệu trưởng, thầy giáo nọ đã được chuyển ngạch và nghiễm nhiên trở thành giáo viên chính hiệu.
Thế là hằng năm, mỗi khi lớp học nào dính tên thầy dạy Sử đều than trời gọi đất chứ biết phải làm sao.
Hợp nhất các loại bằng phải thay đổi cách làm như hiện nay
Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám |
Bằng chính quy, tại chức hay từ xa đều không có lỗi thật chẳng sai nhưng cái lỗi lớn nhất làm cho chất lượng các loại bằng vênh nhau chính là cách làm quá dễ dãi hiện nay của một số trường đại học.
Bạn nghĩ gì khi một người sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng phải đăng kí học tại chức, từ xa một trường đại học ở tận miền Trung?
Chính vì họ chọn sự dễ dãi, dễ trong mọi chuyện từ tuyển sinh đến việc học và thi…
Không ít giảng viên dạy ở trường đại học thì “hét ra lửa” khó đến nổi tiếng. Chỉ nghe tên thì hàng trăm sinh viên trong trường đã thấy sợ vì thầy quá nghiêm khắc.
Thế nhưng khi về các tỉnh dạy tại chức, từ xa, thầy lại "hiền khô như đất" đến bất ngờ. Bởi chính trong suy nghĩ của những vị thầy này vẫn còn tồn tại sự coi thường “tại chức, từ xa ấy mà”.
Nhiều cán bộ quản lý hay các nhà tuyển dụng không phân biệt bằng cấp mà chỉ chú ý đến chất lượng công việc bạn đảm nhận.
Gặp được những người này, đương nhiên chúng ta sẽ rất công bằng trong việc cạnh tranh việc làm.
Thế nhưng sợ nhất là những tấm bằng tại chức, từ xa kia lại là con cháu của những nhà quyền thế thì những cái bằng tại chức, từ xa ấy thật sự là nguy hại.