Ngày 23/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Quận Bình Tân không tuyển giáo viên hệ trung cấp, cao đẳng là đúng” nhằm phản biện quan điểm của tác giả Ánh Dương về bài phản ánh “Giáo viên thất vọng vì quận Bình Tân không tuyển hệ trung cấp, cao đẳng”.
Trước đó, tác giả Ánh Dương thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển dụng viên chức các trường học công lập trên địa bàn quận năm học 2019-2020 (đợt 2) phải thỏa mãn một số điều kiện.
Cụ thể, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải tốt nghiệp Đại học sư phạm tiểu học hoặc đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Và tác giả Ánh Dương nhận định, quy định tuyển giáo viên bậc mầm non phải có bằng cao đẳng và bậc tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng đại học ở thời điểm này là chưa thỏa đáng.
Bởi, Luật Giáo dục 2005 (đang còn hiệu lực) chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở.
Thế nhưng, tác giả Thảo Ly cho rằng, quận Bình Tân không tuyển giáo viên hệ trung cấp, cao đẳng thời điểm này là đúng, cùng với đề xuất các địa phương cần học tập quận Bình Tân.
Luật Giáo dục 2005 (đang còn hiệu lực) chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Chúng tôi cảm thấy băn khoăn với quan điểm của tác giả Thảo Ly và xin có đôi điều chia sẻ.
Thứ nhất, theo tác giả Thảo Ly, quận Bình Tân không tuyển giáo viên hệ trung cấp, cao đẳng tại thời điểm này (thời điểm mà Luật Giáo dục 2005 vẫn còn hiệu lực) là đúng.
Đúng sao được khi Luật Giáo dục 2005 vẫn còn hiệu lực cho đến ngày 30/6/2020? Cơ quan tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào các điều khoản của Luật Giáo dục hiện hành thì mới có cơ sở thực hiện.
Trong khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 thì sao Phòng có thể tuyển dụng khi chiếu vào một văn bản chưa có tính pháp lí?
Như thế thì không thể gọi là “nhìn xa trông rộng” như tác giả Thảo Ly đã có lời khen.
Điều đáng nói là, quận Bình Tân tuyển dụng giáo viên đợt 2 cho năm học 2019-2020 (dự kiến nhận nhiệm sở vào đầu tháng 4/2020) chứ không phải tuyển cho năm học mới 2020-2021.
Hơn nữa, đợt tuyển dụng lần 1 năm 2019, quận Bình Tân chấp nhận bằng trung cấp đối với bậc mầm non, tiểu học và bằng cao đẳng cho bậc trung học cơ sở, nhưng lần 2 thì bỏ quy định này là thiếu công bằng. [3]
Sự thật là, một sinh viên của chúng tôi có bằng Cao đẳng sư phạm chính quy nhưng trượt, trong khi một vài ứng viên khác chỉ có bằng Trung cấp sư phạm lại đỗ trong đợt tuyển dụng đó.
Dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng, ứng viên có bằng Trung cấp sư phạm làm bài thi lí thuyết và thực hành tốt hơn ứng viên có bằng Cao đẳng sư phạm.
Thứ hai, tác giả Thảo Ly lập luận “thật vô lý khi chỉ mới vào dạy được dăm tháng hoặc một hai năm, địa phương lại phải lập danh sách cho đi học tập chuẩn hóa nâng cao trình độ. Trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm đang thất nghiệp khá nhiều.”
Tác giả quên rằng, sau khi trúng tuyển, nếu giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định trước thời điểm 1/7/2020 thì sẽ được nâng chuẩn theo lộ trình, đảm bảo đến hết năm 2030 sẽ có 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn.
Giáo viên mầm non – nhiều ưu tiên nhưng vì sao vẫn thiếu? |
Có thể nhận thấy, những giáo viên trúng tuyển nghĩa là họ đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ đã được cơ quan tuyển dụng thừa nhận.
Sao có thể khẳng định, khi chỉ mới vào dạy được dăm tháng hoặc một hai năm, địa phương lại phải lập danh sách cho đi học tập chuẩn hóa nâng cao trình độ.
Họ có những 10 năm để hoàn thành nâng cao trình độ cơ mà? Chỉ những giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn thì mới được cử đi học trước tiên.
Cũng theo tác giả, trong khi đó, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm đang thất nghiệp khá nhiều - hàm ý nên tạo cơ cho sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm.
Chuyện sinh viên sư phạm thất nghiệp khá nhiều trước hết là lỗi của cơ sở đào tạo thiếu dự báo, quy hoạch… nên còn chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu.
Và khi có nhiều sinh viên sư phạm đăng kí tuyển dụng thì tính cạnh tranh càng cao, nghĩa là sẽ chọn được những giáo viên giỏi nhất.
Đó cũng là quy luật đào thải mà thôi!
Thứ ba, tác giả khẳng định, nếu tuyển giáo viên theo Luật Giáo dục 2005 thì địa phương sẽ là thiệt đơn, thiệt kép (vừa mất tiền lại không tuyển được người giỏi).
Và tác giả đề xuất, hãy tạo cơ hội cho những giáo sinh tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy được thể hiện tài năng và lòng nhiệt huyết của mình.
Chúng tôi đã chứng minh ở trên, người có bằng cấp cao chưa chắc đã hơn người có bằng cấp thấp hơn.
Như thế, cơ hội thể hiện tài năng cho mọi người là như nhau. Và nếu thi tuyển công khai, minh bạch… người nào có năng lực chắc chắn sẽ đỗ, không phải quá lo lắng.
Cho nên không thể so đo địa phương bị thiệt đơn, thiệt kép để gạt bằng trung cấp (mầm non), cao đẳng (tiểu học, trung học cơ sở) trái với quy định của Luật Giáo dục 2005.
Có thể kết luận rằng, không ai có thể đứng trên luật. Và nếu chỉ chăm chăm dựa vào bằng cấp thì chưa thể nâng cao chất lượng giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-that-vong-vi-quan-binh-tan-khong-tuyen-he-trung-cap-cao-dang-post207253.gd
[2] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/quan-binh-tan-khong-tuyen-giao-vien-he-trung-cap-cao-dang-la-dung-post207288.gd
[3] //tuyensinh.tvu.edu.vn/vi/news/tin-tuyen-dung/ubnd-quan-binh-tan-tp-ho-chi-minh-tuyen-dung-giao-vien-nam-hoc-2019-2020-dot-1-8817.html