Giáo viên mầm non – nhiều ưu tiên nhưng vì sao vẫn thiếu?
Ngày 31/23/2019, tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục chương trình làm việc”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ rà soát đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm: Hiện nay trên cả nước thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non, đề nghị lãnh đạo các địa phương tuyển dụng đủ số giáo viên này theo lộ trình, đặc biệt là trong số biên chế giáo viên giao cho các địa phương.
Báo động quá tải các trường Mầm non công lập, giáo viên vắt kiệt sức để chăm trẻ |
Con số 43.700 giáo viên mầm non đang thiếu giảm khoảng 5.300 giáo viên so với Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019 (báo cáo nêu cả nước thiếu khoảng 49.000 giáo viên mầm non).
Như vậy trong năm học này mới chỉ giải quyết được 5.300 chỉ tiêu giáo viên mầm non.
Trên cả nước vẫn còn thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non.
Mặc dù giáo viên mầm non được hưởng rất nhiều ưu tiên về tuyển dụng nhưng vì sao nhiều người vẫn không mặn mà với công việc này?
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), trong khi giáo viên hợp đồng khối Tiểu học, Trung học cơ sở mòn mỏi chờ đợi xét đặc cách thì từ năm 2012, hầu hết giáo viên mầm non trong huyện đã được xét đặc cách, vào biên chế.
Cô N.T.H, giáo viên mầm non huyện Đông Anh cho biết: “So với khối Tiểu học và Trung học cơ sở thì giáo viên mầm non được hưởng nhiều ưu tiên tuyển dụng hơn.
Chẳng hạn từ năm 2012, chúng tôi đã được xét đặc cách vào biên chế. Năm đó cũng là năm đầu tiên xét đặc cách và cũng chỉ có khối mầm non được xét đặc cách.
Tuy vậy nhiều anh chị em vẫn không mặn mà theo đuổi nghề giáo viên mầm non”.
Nhiều nơi đang thiếu giáo viên mầm non (Ảnh:V.N) |
Không chỉ huyện Đông Anh, hầu hết các Quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, giáo viên mầm non cũng được ưu tiên cơ chế tuyển dụng hơn so với các khối khác.
Cô giáo N.T.T, giáo viên thị xã Sơn Tây nói: “Khối mầm non đã được xét đặc cách hoặc ưu tiên tuyển dụng. Trong khi đó khối Tiểu học và Trung học cơ sở thì lại không được hưởng điều này. Tuy nhiên dù đặc cách nhiều nhưng chỉ tiêu giáo viên mầm non vẫn thiếu”.
Không chỉ riêng tại thành phố Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng có những cơ chế ưu tiên tuyển dụng cho giáo viên mầm non.
Theo đó hai Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ xem xét và bổ sung 26.726 giáo viên mầm non cho 17 địa phương và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đứng dưới góc độ của người trong cuộc, nhiều giáo viên lý giải vì sao khối mầm non lại không mặn mà đối với người học.
Trong đó các lý do được đưa ra như sau: Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường dài, áp lực công việc lớn cho nên một số địa phương có tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc.
Áp lực cao, thu nhập thấp, nhiều giáo viên mầm non đã chọn cách bỏ nghề (Ảnh:V.N) |
Cô Nguyễn Thị Minh Thoa, hiệu trưởng Trường mầm non Tả Ngài Chồ chia sẻ:
“Tại các trường mầm non và đặc biệt là trường mầm non vùng cao chúng tôi đối diện với việc thiếu giáo viên. Cho nên công tác luân chuyển giáo viên được thực hiện thường xuyên.
Việc thiếu giáo viên mầm non xuất phát từ điều kiện và các chính sách đãi ngộ còn thấp. Địa bàn trường học xa xôi các cô đi dạy rất vất vả. Nếu không có tình yêu con trẻ thì rất khó để giáo viên mầm non bám trụ với nghề”.
Nâng chuẩn trình độ trong khi đang thiếu giáo viên có hợp lý? (Ảnh:V.N) |
Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường tiểu học Tả Ngài Chồ tâm sự:
“Nghề giáo viên mầm non thật sự rất áp lực. Mỗi khối sẽ có một đặc thù riêng tuy nhiên giáo viên mầm non chả khác nào thay cha, thay mẹ của các em tại trường.
Từ việc học sinh ăn uống, vệ sinh, học tập…cũng một tay các cô làm. Cho nên áp lực vô cùng lớn.
Thế nhưng đãi ngộ dành cho giáo viên mầm non lại không cao. Ngoài đồng lương chúng tôi không có bất cứ khoản thu nhập nào thêm.
Ví dụ như giáo viên Tiểu học hay cấp 2 còn có thể dạy thêm. Nhưng ở đây phải đến nhà mời các em đi học các em còn không đi”.
Nhiều giáo viên mầm non cũng từng lên tiếng cho rằng công việc của họ là một công việc áp lực, thu nhập thấp và không có vị thế như các cấp học khác.
Thậm chí có người còn cảm thán: Nghề giáo viên mầm non là một nghề nguy hiểm.
Nâng chuẩn giáo viên mầm non còn mặn mà?
Trong khi cả nước đang thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non thì lộ trình nâng chuẩn trình độ của giáo viên đã được công bố.
Cụ thể Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo: Nghị định Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Nghề giáo nay đã là một nghề nguy hiểm |
Theo Dự thảo, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.
Đối với khối mầm non, giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.
Về độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, tính từ ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, phải còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.
Dự thảo cho biết tổng số giáo viên phải thực hiện nâng chuẩn trên cả nước là 257.506 trong đó có 89.607 giáo viên mầm non (công lập: 40.158 người, ngoài công lập: 49.449 người).
Với lộ trình nâng chuẩn giáo viên như vậy. Nhiều giáo viên mầm non lại chồng chất thêm nỗi lo cho công việc vốn dĩ nhiều áp lực này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình nâng chuẩn phù hợp và đảm bảo không thiếu giáo viên (Ảnh:V.N) |
Cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên mầm non bày tỏ: “Nếu phải thực hiện nâng chuẩn thì công việc của chúng tôi sẽ áp lực hơn. Nhiều giáo viên do điều kiện không có nên chỉ có bằng trung cấp.
Chúng tôi vẫn bảo nhau nếu yêu cầu bằng Cao đẳng hay Đại học thì chúng tôi có khi không vào ngành mầm non.
Cho nên việc nâng chuẩn ảnh hưởng đến mọi người rất nhiều. Trong khi đó việc tăng tuổi hưu cũng là một lý do nhiều người muốn bỏ nghề”.
Không để tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa (Ảnh:V.N) |
Cô Dương Thị Hồng – hiệu trường mầm non Hoa Lan (Đắk Nông) cho hay: “Đầu năm trường có 4 giáo viên nhưng không chịu nổi áp lực công việc một cô đã nghỉ. Năm học này tăng thêm 3 lớp lại thiếu 1 giáo viên cho nên nhà trường chỉ phổ cập cho học sinh 5 tuổi để các em vào lớp 1”.
Cũng giống như cô Hồng, nhiều hiệu trưởng bày tỏ lo ngại: Trong khi cả nước đang thiếu giáo viên mầm non nếu thực hiện nâng chuẩn trình độ không phù hợp có thể khiến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn.
Còn theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là một bước tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên điều đầu tiên cần đảm bảo trước khi nâng chuẩn là cải thiện đời sống giáo viên và khiến học sống được bằng nghề của mình.
Với những băn khoăn của giáo viên, hiệu trưởng các trường mầm non hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tính toán hợp lý đảm bảo vừa nâng chuẩn trình độ giáo viên mà vẫn không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non.