Bánh chưng trong mâm cỗ Tết của người Việt

08/02/2019 06:00
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Mâm cỗ ngày Tết của người Việt ta từ xưa đến nay luôn hiện diện món ăn không thể thiếu đó là bánh chưng.

Mâm cỗ ngày Tết của người Việt ta từ xưa đến nay luôn hiện diện món ăn không thể thiếu được, đó là bánh chưng.

Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Có những thứ trong câu đối này bây giờ không còn được nhiều người chú trọng, nhưng bánh chưng thì vẫn luôn hiện diện trong ngày Tết dù gia cảnh của mỗi gia đình giàu - nghèo khác nhau.

Mỗi khi gói bánh chưng cả gia đình thường quây quần bên nhau ( Ảnh minh họa: Baohaiphong.com.vn)
Mỗi khi gói bánh chưng cả gia đình thường quây quần bên nhau ( Ảnh minh họa: Baohaiphong.com.vn)

Theo truyền thuyết xưa, bánh chưng đã xuất hiện ở nước ta từ thời vua Hùng Vương thứ 6. Lúc ấy, vua Hùng về già muốn truyền ngôi cho con nên đã yêu cầu các con của mình làm cỗ để cúng Tiên Vương. Nếu ai làm vừa ý vua thì vua sẽ truyền ngôi cho.

Trong khi các người con trai khác đua nhau kiếm những của ngon, vật lạ ở trên rừng, dưới biển để cúng Tiên Vương với hy vọng được vua cha truyền ngôi cho mình.

Riêng Lang Liêu (tên chữ gọi là Tiết Liêu) làm nghề nông, nhà nghèo nên chàng rất lo lắng không biết làm sao. Bỗng đêm chàng nằm ngủ thì thấy thần báo mộng:

Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Và, Lang Liêu đã làm loại bánh từ những thứ có sẵn trong nhà để cúng Tiên Vương và trời đất như giấc mơ mình đã gặp. Không ngờ, vua cha đã chọn Lang Liêu để nối ngôi của mình.

Chính từ đó đến nay, bánh chưng đã hiện diện trên mâm cỗ thờ của người Việt nhằm thể hiện sự biết ơn trời đất đã giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu để đem lại cuộc sống ấm no cho con người.

Bánh chưng trong mâm cỗ Tết của người Việt ảnh 2Tục gói bánh chưng ngày Tết: Rất cần trao truyền cho thế hệ sau

Vì ý thức được vai trò, ý nghĩa của chiếc bánh chưng ngày Tết nên từ xưa đến nay, mọi người đều rất chú trong trong các khâu chuẩn bị để hình thành những chiếc bánh chưng cho gia đình mình đón Tết.

Để có một nồi bánh chưng ngon, người Việt ta thường chú trọng chọn nguyên liệu rất kỹ.

Người nông dân chú trọng ngay từ khi cấy lúa và khâu chăm sóc lúa phát triển.  Đến khi gặt, thường phơi lúa dày và phơi trong nhiều ngày để tránh lúa khô sớm sẽ dẫn đến hạt gạo bị nát.

Ngày cận Tết, khi xay xát thì người phụ nữ trong gia đình thường lựa chọn loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng hạt đều để làm bánh chưng.

Nhân bánh cũng được chọn kỹ lưỡng: Đậu xanh làm nhân thường là đậu nhà trồng hoặc mua những nơi quen thuộc để đảm bảo tính an toàn. Thịt gói bánh thường chọn thịt ba chỉ (ba dọi) để đảm bảo bánh vừa có mỡ, vừa có nạc nhằm cho bánh thành phẩm vừa béo, vừa mềm và còn thịt trong nhân.

Trong nhân bánh cũng luôn đảm bảo gia vị vừa phải nên người làm nhân thường cho chút muối, chút gừng, chút tiêu để bánh thơm ngon, hấp dẫn mùi vị đặc trưng.

Không chỉ chuẩn bị nguyên liệu làm bánh kĩ lưỡng mà khâu lựa chọn nguyên liệu gói bánh cũng rất cầu kỳ. Lạt buộc thường là loại lạt giang được chặt ở trên rừng để khi gói bánh vừa đẹp, vừa dẻo, sau này những chiếc lạt buộc bánh sẽ làm dây để tét bánh luôn.

Lá dong cũng được lấy từ trên rừng về, lá to và xanh, ngoài ra có thể thêm lá chuối ngự, chuối hột- những loại lá này thường ít bị rách và không làm đỏ bánh khi nấu. Nhiều nơi, còn làm khung bánh lá dừa cho nó vuông vức và đẹp để làm bánh thờ tổ tiên.

Khi nấu bánh, đa phần là loại củi chắc, được các gia đình chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Vì nồi bánh thường nấu khoảng 12 tiếng đồng hồ nên củi là khâu cũng rất quan trọng.

Bánh chưng trong mâm cỗ Tết của người Việt ảnh 3Nỗi nhớ Tết quê hương da diết của những đứa con xa nhà

Khi nồi bánh chưng xôi nước lần đầu được một chút thì người ta chắt nước đó đi để bánh không có mùi lá.

Sau đó lại đổ nước khác vào đầy để nấu, khi nước xôi lần 2 thì người nấu thường để lửa nhỏ hơn nhưng phải cháy đều để bánh không bị sống góc và bánh sẽ chín đều và giữ được lâu hơn trong ngày Tết.

Ở quê, ngày Tết vui nhất là ngày gói bánh chưng, gần như cả nhà đều tập trung vào công việc này. Người thì ngâm gạo, người thái thịt, người làm nhân bánh, người lau lá, làm khung…

Mấy đứa trẻ choai choai thì cứ tung tăng mừng rỡ ngồi bên chiếu gói bánh chưng để xem gói bánh. Thậm chí, khi nấu vào ban đêm cũng thức cùng nồi bánh chưng với cha mẹ.

Khí hậu miền Bắc thường lạnh vào dịp Tết nên khi nâu bánh là cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng uống nước chè và trò chuyện rôm rả. Không khí gia đình rất đầm ấm.

Vì khi nấu bánh chưng thường thì than bếp rất nhiều và đỏ hừng hực nên cha mẹ hay vùi vào củ khoai, cái bắp ngô cho mấy đứa trẻ. Cái mùi khoai, ngô nướng thơm nồng cứ vương vương hòa quyện vào mùi bánh chưng thơm đến lạ thường.

Khi nồi bánh chín được vớt ra, điều mà mấy đứa trẻ chờ đợi nhất là những cái bánh nhỏ- bánh chỉ dành cho mấy đứa nhỏ trong nhà.

Khi cầm chiếc bánh được xâu thêm cái lạt giang vào là chạy tung tăng khắp sân nhà hay thập thò nơi đầu ngõ. Khi chơi chán chê là bóc bánh ra ăn. Cái hương vị bánh chưng chờ đợi suốt…cả một năm mới gặp lại nên đứa nào cũng sung sướng vô cùng khi nhấm nháp hương vị bánh.

Xa quê nhiều năm và cũng đã qua lâu rồi cái thời ngồi chờ nấu nồi bánh chưng cùng gia đình trong những ngày Tết.

Bây giờ, mỗi khi đến Tết, gia đình tôi thường đặt vài cặp bánh làm sẵn ngoài chợ bởi ăn uống không nhiều mà lựa chọn nguyên liệu, nồi niêu, củi đốt giữa phố phường cũng khó khăn.

Vì thế, nhớ lại cái không khí gói bánh chưng thuở nào ở quê khiến lòng tôi bâng khuâng thấy nhớ.

Chuyện ăn uống bây giờ vào dịp Tết dễ dàng hơn và cũng không cầu kỳ như trước. Mọi thứ đều có sẵn nhưng sao thấy thiêu thiếu cái hồn quê xưa cũ.

Trời miền Nam vào dịp Tết chang chang nắng nên mọi sự chuẩn bị đồ ăn, thức uống lại càng giản đơn hơn. Tự nhiên, lại nhớ lại những ngày thơ trẻ, được cầm chiếc bánh chưng con, được chạy lon ton đón chờ đợi Tết về…

KHÁNH VĂN