Báo cáo Đảng-đoàn Tổng Liên đoàn mâu thuẫn với công văn của Văn phòng Chính phủ?

24/03/2020 08:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để "giao đất" cho Trường đại học Tôn Đức Thắng?

Ngày 30/03/2018, Phó bí thư Đảng-đoàn, Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải ký Công văn số 59/CV-ĐĐTLĐ gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị "chưa thực hiện thí điểm bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với Trường đại học Tôn Đức Thắng".

Đề xuất này không chỉ là trái với Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà còn trái quy định của Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội lúc ấy, cũng như Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hiện nay

Trụ sở chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhìn từ trên cao, ảnh do nhà trường cung cấp.
Trụ sở chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhìn từ trên cao, ảnh do nhà trường cung cấp.

Một tổ chức Đảng-Đoàn cấp trung ương né tránh thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW là không tôn trọng và chấp hành Điều lệ Đảng; để Tổng liên đoàn và các ban trực thuộc ra văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện các nội dung trái với Luật số 34/2018/QH14, cũng như trái với Nghị định 99/2019/NĐ-CP hiện hành là trái với quy định của Điều lệ Đảng cũng như Hiến pháp.

Vì sao lại có tình trạng coi thường pháp luật này?

Trường đại học Tôn Đức Thắng tự chủ, tự lực từ ngày thành lập

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập theo Quyết định số 787-TTg ngày 24/09/1997. [1]

Điều 3, Quyết định số 787-TTg nói trên quy định, Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng hoạt động theo pháp luật, theo Quy chế đại học dân lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; và theo Điều lệ riêng của Trường do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn.

Điều 1 Chương 1 Quy chế trường đại học dân lập ban hành theo Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định:

Trường đại học dân lập là cơ sở giáo dục đại học do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế (dưới đây gọi chung là tổ chức) xin thành lập và huy động các nhà giáo, nhà khoa học, nhà đầu tư cùng đóng góp công sức, kinh phí và cơ sở vật chất ban đầu từ nguồn ngoài Ngân sách nhà nước.

Ai nhân danh Tổng liên đoàn đòi Trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30% chênh lệch?
Ai nhân danh Tổng liên đoàn đòi Trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30% chênh lệch?

Trường đại học dân lập là pháp nhân được tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng lao động và tài chính. Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường. [2]

Ngày 28/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/QĐ-TTg đổi tên Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. [3]

Ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 747/QĐ-TTg đổi tên Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường đại học Tôn Đức Thắng, chuyển về trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. [4]

Ngày 18/6/2008, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3995/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc xây dựng Quy chế hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng, theo đó về mặt tài chính, Phó thủ tướng chỉ đạo rõ:

"Trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài sản được hình thành cho đến nay ở Trường được coi là tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường". [5]

Ngày 29/01/2015 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017, qui định:

- 1. Mục tiêu chung: Trường Đại học Tôn Đức Thắng (sau đây gọi tắt là Trường) chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn Ngân sách nhà nước) để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một trường đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng ở trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường.

- 2. Mục tiêu cụ thể: a) Thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường. [6]

Báo cáo của Đảng đoàn mâu thuẫn với công văn của Văn phòng Chính phủ

Nếu Tổng liên đoàn không đòi Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30%, cần sớm sửa quy định
Nếu Tổng liên đoàn không đòi Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30%, cần sớm sửa quy định

Công văn số 59/CV-ĐĐTLĐ ngày 30/03/2018 của Đảng-đoàn Tổng Liên đoàn gửi Thủ tướng Chính phủ, viết về Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:

"Toàn bộ tài chính, tài sản của Trường được hình thành từ nguồn vốn của Tổ chức công đoàn, do Tổ chức công đoàn là chủ sở hữu. Tổng Liên đoàn đã cấp vốn ban đầu, giao đất và tài sản trên đất, cho vay không lãi suất để Trường có nguồn tài chính đầu tư, phát triển."

Trước hết, không thể phủ nhận được trong thành công của Trường đại học Tôn Đức Thắng có vai trò, đóng góp nhất định của Tổ chức công đoàn Việt Nam, như nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, người kế nhiệm ông Đặng Ngọc Tùng, nhận xét trong Văn bản số 185/TB-TLĐ ngày 30/12/2016:

"Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giáo viên Nhà trường các thời kỳ, có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn đặc biệt là vai trò của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…”

Đóng góp lớn nhất của ông Đặng Ngọc Tùng chính là giúp Trường đại học Tôn Đức Thắng tự chủ thực sự, không để các Ban chuyên môn và Thường trực Tổng Liên đoàn can thiệp vào công việc nội bộ của Trường.

Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh sáng lập, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập năm 1997, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dựa trên cơ sở pháp lý nào để “cấp vốn ban đầu” cho cơ sở đại học dân lập này?.

Khoản 1, Điều 37, Luật Đất đai (Luật số 13/2003/QH11), Điều 37 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy định:

Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?
Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?

“Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo; giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.”

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để "giao đất" cho Trường đại học Tôn Đức Thắng? và Tổng liên đoàn đã “giao” đất nào cho Trường?.

Như vậy có thể thấy, một số nội dung báo cáo của Đảng-đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 59/CV-ĐĐTLĐ ngày 30/3/2018 không chỉ không phù hợp Nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về tự chủ đại học, mà còn mâu thuẫn với chính văn bản của Chính phủ về Trường đại học Tôn Đức Thắng.


Tài liệu tham khảo:

[1]http://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=8299

[2]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=7899

[3]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=11471

[4]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=87524

[5]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=69197&fbclid=IwAR1xTS3QYt_j3uuVGI1VftVWKd79gZT7db-MsW2Evuc-60rVWySrAHFlAis

[6]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=178765

Hồng Thủy