Báo Đài Loan: Không loại trừ Việt Nam kiện TQ ra trọng tài quốc tế

18/05/2014 08:04
Đông Bình
(GDVN) - Báo chí Đài Loan quan tâm đến phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang và khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh

Hãng tin CNA (Central News Agency) Đài Loan và trang mạng sina Trung Quốc ngày 17 tháng 5 đưa tin, Trung Quốc gần đây hạ đặt (trái phép) giàn khoan HD-981 ở Biển Đông (thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) đã khiến cho quan hệ song phương Việt-Trung rơi vào căng thẳng. 

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 16 tháng 5 cho biết, nếu hai nước không thể giải quyết, Việt Nam không loại trừ đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Bài báo dẫn truyền thông Việt Nam ngày 17 tháng 5 cho biết, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã phát biểu như vậy khi tiếp xúc với cử tri thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch chỉ ra, sau khi Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan HD-981 tại vùng biển ở Biển Đông (vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam), Việt Nam đã triển khai giao thiệp với Trung Quốc trên 10 lần, bày tỏ phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, nhưng không có có kết quả.

Chủ tịch kêu gọi người dân tự kiềm chế, ủng hộ Đảng và Chính phủ áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh: Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981, không có chuyện Việt Nam nhún nhường, nhân nhượng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh: Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981, không có chuyện Việt Nam nhún nhường, nhân nhượng

Chủ tịch nói, đến nay, không có bất cứ nước nào ủng hộ hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, "anh nói khu vực này của anh, tôi nói là của tôi, nếu không thể giải quyết, cuối cùng buộc phải đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế".

Đối với việc nhiều địa phương gần đây xảy ra bạo động làm ảnh hưởng đến thương nhân nước ngoài, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, điều này hoàn toàn là hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm trị những phần tử không tuân thủ luật pháp, nhanh chóng khắc phục các trở ngại, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, động viên các nhà đầu tư nước ngoài yên âm làm ăn.

Chủ tịch cũng kêu gọi người dân đoàn kết nhất trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Ông nhấn mạnh: "Nếu đất nước rơi vào đói nghèo sẽ không có thực lực bảo vệ chủ quyền".

Theo tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 12 tháng 5, vào ngày 6 tháng 5, Cảnh sát biển Philippines đã bắt một tàu cá cùng 11 ngư dân của Trung Quốc ở vùng biển bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Bất kể về bối cảnh quốc tế, động cơ hành vi hay biện pháp cụ thể, hành động này của Philippines đã được sắp xếp chu toàn.

Tàu cá Trung Quốc
Tàu cá Trung Quốc

Trong 9 nguyên nhân mà bài báo phân tích, có một nguyên nhân là "Philippines muốn lấy chứng cứ để kiện Trung Quốc ở trọng tài quốc tế". Theo bài báo, hiện nay, Philippines đã kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài, nếu tòa án đưa ra quyết định có quyền xử lý thì vụ án này sẽ bước vào giai đoạn "lấy chứng cứ". Lần này, Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc hoàn toàn là để hỗ trợ thêm cho việc kiện Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia, Philippines tiến hành kiện Trung Quốc ở trọng tài quốc tế là hành động "thông minh" và có rất nhiều "cơ thắng". Philippines đang kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến pháp lý. 

Trung Quốc đuối lý nên không dám tham gia vụ kiện. Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, không tham gia vụ kiện Trung Quốc sẽ mất tư cách nói chuyện trong quan hệ quốc tế.

Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, có thể khẳng định là, với yêu sách nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay, Trung Quốc chắc chắn không bao giờ từ bỏ tham vọng cướp đoạt toàn bộ các đảo, đá ngầm và vùng biển trong "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ bậy ra. Vì thế, một trong những giải pháp hòa bình hữu hiệu cho vấn đề Biển Đông là giải quyết bằng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế, không được dùng vũ lực, đe dọa vũ lực để giải quyết tình hình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế, không được dùng vũ lực, đe dọa vũ lực để giải quyết tình hình.
Đông Bình