Báo động, 70% sinh viên năm cuối không biết làm gì sau khi tốt nghiệp

03/03/2012 06:00
Thủy Ngân
(GDVN) - Đa phần sinh viên lựa chọn trường học theo cảm tính, không định hướng được nghề nghiệp cho bản thân sau khi ra trường.
Những câu trả lời ngây ngô 
Nhiều sinh viên vẫn hỏi nhau rằng: Sau này ra trường cậu định làm gì? Đa phần câu trả lời nhận được là: Tớ chưa biết nữa; Tớ không biết; Tớ thì làm gì cũng được ... 
Đó là những câu trả lời mà các cử nhân tương lai đại diện cho tri thức, “chủ nhân tương lai của đất nước” vẫn thường “thật thà” tâm sự với nhau. Hầu hết, sinh viên không có chút định hướng nghề nghiệp cụ thể nào cho bản thân khi ra trường. 
Nguyễn Thị Nhung, K54, Khoa Đông Phương, chuyên ngành Nhật Bản, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH QGHN chia sẻ: “Mình chọn khoa Đông Phương của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn một phần là vì sở thích, một phần thấy mọi người nói đây là một khoa “hot” của trường. Khi đăng ký dự thi vào trường, mình cũng mơ hồ, không hiểu biết hết về cơ hội nghề nghiệp của ngành này sau khi ra trường. 
Đến bây giờ là sinh viên năm thứ 3 rồi nhưng mình vẫn chưa xác định được sau khi ra trường mình sẽ làm gì, mình cảm thấy rất mung lung và lo lắng không biết kiến thức của mình có đủ để làm đúng chuyên ngành không…”
“Khi thi đỗ ĐH, mình cứ ngỡ rằng đã thực hiện được ước mơ của bản thân rồi. Sau này ra trường, mình sẽ có một công việc nhàn hạ, không phải lao động tay chân. Thế nhưng, khi vào học trong trường ĐH, mình thực sự thấy nản vì kiến thức học quá loãn và chung chung. 
Mình không hiểu khoa đang đào tạo mình ra làm gì nữa và bây giờ chính mình cũng không hiểu mình sẽ làm gì khi ra trường đây.
 Nhiều khi suy nghĩ mà thấy mệt mỏi và chán nản. Tuy nhiên, không học tiếp thì biết làm gì bây giờ nên mình cứ học mà không biết sau này bản thân có kiếm được việc làm hay không…”, Trần Tiến Dũng, sinh viên năm thứ 4, Khoa Quản Trị Văn Phòng, trường ĐH Nội Vụ tâm sự.
Có đến 70% sinh viên năm cuối không xác định được sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc gì. Hậu quả của việc thiếu định hướng nghề nghiệp và chọn trường cảm tính
Có đến 70% sinh viên năm cuối không xác định được sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc gì. Hậu quả của việc thiếu định hướng nghề nghiệp và chọn trường cảm tính
Phần lớn các bạn sinh viên đều định hướng nghề nghiệp theo cảm tính, chưa có một cơ sở “nền móng” rõ ràng nào. 
Khúc Thị Oanh, sinh viên năm thứ 3, khoa Quản Trị nhân lực, trường ĐH Lao động xã hội nói: “Tôi chọn ngành Quản Trị nhân lực của trường ĐH Lao động xã hội vì tôi thấy ít trường đào tạo ngành này.  Và tôi nghĩ, sau khi ra trường, tôi sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn. Tuy nhiên, còn 1 năm nữa là ra trường nhưng thực tình tôi cũng chưa biết được sau này mình sẽ làm gì nữa. Tôi lo kiến thức được học trong trường ĐH không biết có áp dụng được khi ra trường không? Nói chung là nản lắm…”
Đôi khi, việc định hướng, quyết định ngành nghề lại không phải là các bạn sinh viên mà chính cha mẹ là người định hướng.
“Khi thi vào trường, em có biết gì về ngành Bảo tàng đâu. Tất cả là lựa chọn của gia đình thôi. Bố mẹ em bảo, cứ vào học và mang về cái bằng ĐH rồi bố mẹ khác lo công việc cho. Nói thật là đến lúc này, bản thân em cũng không có bất cứ một định hướng công việc nào cho tương lai cả…”, Đặng  Thị Ngọc Huế, sinh viên năm thứ 3, Khoa Bảo tàng, trường ĐH Văn Hóa Hà Nội bình thản nói.
Các chuyên gia đầu ngành nói gì về thực trạng này?
Thiếu định hướng nghề nghiệp rất nguy hại. Nó quyết định đến tương lai sau này của các bạn. Cụm từ “thất nghiệp” sẽ là “hòn đá” đè nặng lên vai các bạn trẻ sau khi ra trường. Và hiện trạng này vẫn đang là dấu hỏi chưa có lời giải đáp thuyết phục.
Theo nghiên cứu mới nhất của T.S Trịnh Văn Tùng và TS. Phạm Huy Cường, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: Có đến 70% sinh viên năm cuối của ĐHQGHN vẫn chưa thấy được mối liên hệ giữa ngành học và các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, chưa có một định hướng nào cho ngành nghề sau khi tốt nghiệp…
Các chuyên gia giáo dục cho rằng: Việc thiếu định hướng về việc làm của đại đa số sinh viên hiện nay bắt nguồn từ khi các bạn sinh viên còn cầm trên tay cuốn “Những điều cần biết về các trường ĐH, CĐ”. 
Đứng trước sự lựa chọn của hàng nghìn trường ĐH, CĐ trên cả nước khiến các bạn phân vân, lúng túng: Chọn ngành nào là “hot”? Ngành nào dễ xin việc? Ngành nào phù hợp với khả năng và năng lực của mình?.... Một dãy câu hỏi như vậy đặt ra trong đầu của các cô cậu học trò chuẩn bị bước vào “ngưỡng cửa” ĐH, CĐ. 
Nhiều khi các bạn “chấm bút” chọn đại một ngành do cảm thấy mình không đủ năng lực hay đơn giản chỉ là thấy ngành đó nghe cái tên có vẻ “oai oai” hay trường đó, ngành đó có nhiều người học… nên quyết định chọn. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn học sinh không hiều nhiều, thậm chí không hiểu gì về ngành mình chọn. 
Cũng theo một khảo sát mới của T.S Trịnh Văn Tùng: Một bộ phận không nhỏ sinh viên ngay từ bước đầu lựa chọn ngành học, trong quá trình học đã không có một định hướng cụ thể nào và cũng không được ai khuyên về các nghề thiết thực gắn với ngành học của mình. Việc sinh viên tiếp cận và theo học chuyên ngành hiện tại đôi khi xuất phát từ ngẫu nhiên, từ một kinh nghiệm gia đình, bạn bè hoặc mục đích chỉ đáp ứng cầm được tấm bằng đại học trên tay…

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục































Thủy Ngân