Bao giờ giáo viên hết phải sửa điểm để khỏi ảnh hưởng thi đua, không biết nữa!

03/01/2022 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã có biết bao bài viết đưa ra những giải pháp nhưng xem ra vẫn chưa thay đổi được gì. Theo người viết, cái khó nhất hiện nay, là thay đổi tư duy của lãnh đạo.

Mới đây, một giáo viên dạy toán tại Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông A, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị phụ huynh tố cáo khi tự ý sửa điểm cho 37 bài kiểm tra học kỳ 2 năm học 2020-2021 của học sinh 2 lớp 6 và 2 lớp 7 trong trường.

Cụ thể, thầy đã nâng điểm cho 22 học sinh, em được nâng nhiều nhất từ 0,25 lên 5 điểm, nâng ít nhất từ 4,75 điểm lên 5 điểm. Phần lớn điểm các em được nâng là dưới trung bình, được nâng lên 5 điểm.

Trường trung học cơ sở Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)Trường trung học cơ sở Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng nhà trường đã cho biết nguyên nhân của việc sửa điểm này, thầy B. có nói và nhà trường đã cho tiến hành xác minh, và được biết, do chất lượng học sinh của thầy dạy thấp quá, nên chủ yếu muốn sửa điểm để không làm ảnh hưởng đến thi đua.

Ngoài ra, thầy Lý Văn Phát nhấn mạnh là hoàn toàn không có bất cứ mục đích nào liên quan đến tiêu cực của việc này.

Sửa điểm có phải chuyện thường ngày?

Khi sự việc thầy giáo tự nâng điểm khống cho học sinh để đạt 5 điểm (mức trung bình) bị phanh phui, dư luận lấy làm bất ngờ lắm. Tuy nhiên, trong ngành giáo dục, chuyện một số giáo viên vẫn tự ý (mặc dù, học sinh và phụ huynh không có nhu cầu) sửa điểm vẫn thường xuyên xảy ra đến đỗi quá bình thường.

Về chuyện sửa điểm, nâng điểm khống, giáo viên như chúng tôi thường nghe từ đồng nghiệp có những câu nói quen thuộc nào là “cũng thường thôi”, “chuyện thường ngày ở huyện ấy mà”, “chẳng có gì là bất ngờ cả” hay “thầy B. không phải trường hợp duy nhất, chỉ là có người chưa bị lộ mà thôi”…

Minh chứng rõ nhất khi khắp cả 3 miền đều có những vụ sửa điểm khiến dư luận bất ngờ chỉ khi bị đưa lên mặt báo.

Năm 2017, một số phụ huynh học sinh trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh về việc giáo viên nhà trường bất ngờ sửa và nâng điểm cho hàng loạt học sinh lớp 12 D4, môn Vật lý.

Cụ thể, tại bảng điểm của lớp 12 D4, học kỳ 1, năm học 2016-2017, môn Vật lý do thầy giáo V. T. giảng dạy, có tới 11/44 học sinh được sửa điểm, nâng điểm ở thang điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút (điểm hệ số 1) và điểm hệ số 2.{1}

Năm học 2019-2020, Một nhóm giáo viên Trường Trung học Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh tố cáo việc sửa điểm và nâng điểm hàng loạt môn cho học sinh lớp 12 của trường này. [2]

Năm học 2020-2021, 40 giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) liên quan đến việc đã sửa hơn 2.000 đầu điểm của học sinh, khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua. [3]

Trường trung học cơ sở Mỹ An (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị tố nâng điểm cho 165 bài kiểm tra học kỳ 1 môn Địa khối 7. Sau khi sự việc bị phanh phui làm rõ, giáo viên của trường này tiếp tục phản ánh còn 31 bài kiểm tra tiếng Anh cũng được nâng điểm. [4]

Nguyên nhân nào khiến giáo viên tự sửa điểm cho học sinh?

Sau khi sự việc thầy giáo B. sửa điểm cho hàng loạt học sinh từ điểm yếu lên mức trung bình, trả lời báo chí, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông A, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết lý do thầy B. sửa điểm là:

Do chất lượng học sinh của thầy dạy thấp quá, nên chủ yếu muốn sửa điểm để không làm ảnh hưởng đến thi đua.

Ngoài ra, hoàn toàn không có bất cứ mục đích nào liên quan đến tiêu cực của việc này.

Có lẽ chẳng cần phải nói gì thêm nữa, cái lý do khiến thầy B. đưa ra và nhà trường cũng đã xác nhận “sửa điểm để không làm ảnh hưởng đến thi đua” đã nói lên tất cả.

Hằng năm, trường học nào cũng đưa chỉ tiêu chất lượng môn học lên cao vút mà bất chấp thực trạng học sinh năm học ấy đôi khi kém hơn năm học khác.

Đã thế, nhiều học sinh không chịu học, nhiều phụ huynh không hợp tác nên giáo viên có nỗ lực đến bao nhiêu cũng đành bất lực. Không thực hiện được chỉ tiêu giao, tội lỗi đều đổ lên đầu các thầy cô giáo ấy.

Áp lực về thi đua, về thành tích đang đè nặng lên vai người thầy, không riêng thầy B. mà tất cả những thầy cô giáo hiện nay đang gặp phải.

Người viết không bào chữa, không ủng hộ cho việc làm của thầy B. mặc dù bản thân cũng là nhà giáo. Kỷ luật thầy B. thì dễ nhưng sẽ không chấm dứt được tình trạng đáng xấu hổ này.

Làm sao xóa bỏ được thực trạng nâng điểm để đạt chỉ tiêu, để lấy thành tích? Làm sao trả lại sự trong sạch cho ngành giáo dục hiện nay? Điều này, mới thật sự khó!

Giải pháp nào xóa bỏ tình trạng nâng khống điểm cho học trò?

Đã có biết bao bài viết đưa ra những giải pháp nhưng xem ra vẫn chưa thay đổi được gì. Theo người viết, cái khó nhất hiện nay, là thay đổi tư duy của những người quản lý.

Chỉ khi người quản lý biết cảm thông, thấu hiểu, bớt nặng về danh hiệu thành tích mà chấp nhận thực tại để cùng với nhà trường, cùng với giáo viên tận tình giúp đỡ học sinh thì khi đó giáo dục mới được đánh giá thật.

Không nên nhìn con số phần trăm để cho rằng chuyên môn trường này yếu hơn trường kia, giáo viên lớp này yếu hơn lớp nọ. Cần nhìn vào hiện trạng học sinh vùng đó (nơi dân trí cao, nơi dân trí thấp), lớp đó (có lớp đầu vào chất lượng đồng đều, có lớp nhiều học sinh yếu kém) và sự nỗ lực của chính giáo viên để ghi nhận.

Tưởng đơn giản thế nhưng thực hiện lại không dễ chút nào. Còn nhớ, có lần một hiệu trưởng cho biết đã rất quyết tâm cho học sinh yếu ở lại lớp sau khi đã cùng giáo viên nỗ lực kèm, phụ đạo thêm thời gian nhưng không có kết quả.

Thế nhưng, cái ý chí quyết tâm ấy vẫn bị “bẽ gãy” trong cuộc họp chuyên môn của ngành, vị lãnh đạo cấp phòng đã bắt một số hiệu trưởng nhà trường có chất lượng học sinh đạt thấp phải đứng lên giải trình vì sao không đạt được chất lượng cao như một số trường bạn.

Cùng với đó, là mời những hiệu trưởng trường đạt chất lượng cao nêu giải pháp để trường bạn học tập (nhưng ai cũng biết cái biện pháp quan trọng nhất là mớm đề, nhá đề, cho kiểm tra lại khi điểm thấp lại không được nêu).

Một số hiệu trưởng nhà trường cũng không qua nỗi “cửa ải” cấp phòng nên đã trút gánh nặng lên đầu giáo viên mặc dù họ biết các thầy cô giáo cũng đã cố gắng lắm rồi.

Giáo viên bị áp lực cũng chỉ còn cách không nâng điểm thì cũng tìm cách nhá đề, mớm đề, cho học sinh thi lại đến khi nào đạt mới thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/hieu-truong-truong-tran-phu-thua-nhan-co-chuyen-sua-nang-diem-cho-hoc-tro-post173689.gd

[2]https://tuoitre.vn/giao-vien-to-cao-viec-nang-diem-hang-loat-mon-cho-hoc-sinh-lop-12-o-tp-hcm-20190421104321199.htm

[3]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-truong-truong-sua-hon-2000-dau-diem-o-thanh-hoa-noi-gi-0AA6olM7g.html

[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sau-vu-nang-diem-mon-dia-giao-vien-to-tiep-31-bai-anh-van-duoc-nang-diem-post209466.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên