Bao giờ giáo viên thoát được việc phụ thuộc vào sách giáo khoa?

04/07/2023 06:32
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phải nắm rõ chương trình bộ môn mình phụ trách để có kế hoạch, nội dung, phương pháp thực hiện tốt nhất.

Việc thay sách giáo khoa thực hiện theo Chương trình 2018 đã và đang được triển khai ở lớp 4 ở tiểu học, lớp 8, lớp 12 ở trung học.

Chương trình 2018 đã trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp cho nhà trường và giáo viên, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, chương trình mới là pháp lệnh, đây là điểm khác biệt nhất của chương trình mới so với chương trình cũ.

Để chương trình mới thành công, cần nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên giáo viên phải làm chủ được chương trình.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Giáo viên làm chủ chương trình sẽ tự lên kế hoạch thực hiện chương trình, tự mình lựa chọn, thực hiện phương pháp, kỉ thuật dạy học; tự mình phân phối thời gian thực hiện, miễn sao các phương pháp, kỉ thuật, thời gian phù hợp, đem lại kết quả giáo dục tốt nhất.

Vậy giáo viên đã nắm được chương trình chưa, sẵn sàng thực hiện đổi mới chưa, làm sao để biết tâm thế của giáo viên?

Người viết đã làm cuộc khảo sát nhỏ trên các đối tượng giáo viên: tuổi cận hưu, trung niên, trẻ, giỏi cấp trường, giỏi cấp huyện, giỏi cấp tỉnh.

Câu hỏi được nêu ra là: Bạn có quan tâm, nắm rõ chương trình bộ môn bạn dạy không? Nếu không, nguyên nhân tại sao?

Đáng nói, nhiều giáo viên tỏ ra ít quan tâm, nắm rõ chương trình bộ môn mình dạy. Nguyên nhân: vì đã có sách giáo khoa rồi, cứ dạy theo sách giáo khoa là thực hiện theo chương trình.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, một giáo viên có nhiều năm dạy giỏi cấp tỉnh chia sẻ: “Tôi nói thật, nhiều giáo viên họ ít nắm được chương trình, muốn biết thì chỉ có tra trên … google.

Giờ đi thanh kiểm tra, thi giáo viên dạy giỏi, có ai quan tâm đến chương trình đâu, người ta chỉ quan tâm đến sách giáo khoa, bài dạy, bài soạn đó đã thể hiện nội dung của sách giáo khoa như thế nào.

Vậy giáo viên quan tâm, thuộc, nhớ chương trình để làm gì. Dù chương trình mới, chương trình là pháp lệnh nhưng không nhiều giáo viên nằm lòng được điều đó. Đúng là nhiều thầy cô rất chủ động, sáng tạo khi triển khai chương trình mới những có một bộ phận không ít giáo viên vẫn với tâm thế cũ, phụ thuộc rất nhiều vào sách giáo khoa”.

Giáo viên trước đây coi sách giáo khoa là pháp lệnh, nay sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, chương trình mới là “pháp lệnh”, vậy làm sao để giáo viên thực sự đổi mới trong giáo dục?

Giáo viên không có “sợi chỉ đỏ” chương trình trong tư duy, không thoát được sách giáo khoa thì khó mà thành công khi thực hiện chương trình mới. Vì thế, việc đổi mới từ trong nhận thức mỗi giáo viên sẽ rất dài, rất gian nan, đòi hỏi sự làm gương từ chính các cán bộ quản lý.

Với mong muốn mỗi giáo viên luôn trong tâm thế sẵn sàng đổi mới vì học sinh, người viết có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng, giới thiệu, nhân rộng, các mô hình đã thực hiện thành công đổi mới điển hình của cả nước.

Từ thực tế đó, rút ra bài học kinh nghiệm, để nhiều nơi có thể học hỏi cái được và hạn chế điểm không tốt.

Thứ hai, làm tốt công tác tư tưởng, định hướng nhận thức, xây dựng khả năng và kĩ năng phản biện cho giáo viên . Giáo viên phải được hiểu rõ chương trình mới, biết phản biện để đi đến điểm chung, điểm thống nhất, có vậy mới tin tưởng vào thành công khi thực hiện Chương trình 2018.

Điều này không thể nói suông, hô khẩu hiệu, mà phải có minh chứng, người thật, việc thật, thành tựu thật khi thực hiện thí điểm chương trình mới; lấy người thật, việc thật đó tuyên truyền để giáo viên tin tưởng.

Thứ ba, tập huấn sách giáo khoa: thay vì tuyên truyền, quảng cáo cho bộ sách, chủ biên, tác giả viết sách phải nói rõ chương trình của môn học, bộ sách đã làm gì, tổ chức xây dựng dữ liệu như thế nào để thực hiện chương trình đó.

Tập huấn sách giáo khoa chủ biên phải hướng dẫn được giáo viên dạy mà "không cần bộ sách" của chính mình viết, đó mới là bộ sách hay nhất, tác giả viết sách giỏi nhất, người làm giáo dục tốt nhất.

Thứ tư, để định hướng giáo viên bám sát chương trình, đơn giản nhất, các đề thi, đề kiểm tra chung của Bộ, Sở, Phòng phải bám theo chương trình chứ không bám theo sách giáo khoa.

Ngữ liệu trong đề thi, đề kiểm tra không có trong sách giáo khoa mà chỉ theo chương trình đã ban hành.

Thứ năm, thay đổi cách đánh giá giáo viên dạy giỏi, giáo viên giỏi. Đánh giá giáo viên phải hướng đến nội dung bài dạy, kế hoạch bài dạy, phục vụ như thế nào cho chương trình chứ không phải bài học cụ thể trong sách giáo khoa như hiện nay.

Có như thế, giáo viên mới thoát khỏi sách giáo khoa, bám vào chương trình, sáng tạo, đổi mới trong dạy học.

Chương trình mới đã giao quyền tự chủ cho nhà giáo thì không thể có cùng nội dung, phương thức đánh giá như chương trình cũ được, phải có phương thức đánh giá phù hợp để tạo động lực đổi mới cho giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh