Đối với các trường thi ở miền núi xa xôi hay các đảo nằm xa đất liền như: Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay Phú Quốc (Kiên Giang), giám thị phải khởi hành trước vài ngày, đề thi cũng được vận chuyển, bảo quản hết sức công phu.
Thuê tàu cao tốc chở đề thi ra đảo
Nếu như Sở giáo dục Kiên Giang phải thuê một chuyến máy bay để chuyên chở đề thi và giám thi kỳ thi quốc gia ra đảo Phú Quốc làm nhiệm vụ thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đề thi được áp tải bằng tàu cao tốc vượt biển ra đảo.
Trong ngày 19/6, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 tại hai địa phương Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Ông Đỗ Văn Phu – giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khác với các điểm thi ở đất liền, từ ngày hôm nay (20/6), đề thi đã được niêm phong cẩn mật, vận chuyển đến cảng Sa Kỳ để chuyển ra Lý Sơn, sớm hơn một ngày so với kế hoạch.
Sĩ tử chưa thi, các ban ngành đã đổ mồ hôi hột(GDVN) - Công tác bảo vệ, in sao và vận chuyển đề thi được bảo vệ kỹ càng, nhiều lớp bởi lực lượng công an và các nhân viên chuyên trách. |
Toàn bộ đề thi được bao bọc bằng túi nilon cẩn thận, đóng kín trong các thùng sắt, đề phòng nước biển xâm nhập, gây hư hại.
“Lực lượng công an sẽ đi theo tàu cao tốc, áp tải đề thi ra tận điểm thi tại trường trung học phổ thông Lý Sơn (cách đất liền hơn 15 hải lý). Ngoài ra, Sở cũng thuê một chuyến tàu cao tốc riêng để chuyên chở cán bộ, giám thị coi thi ra đảo sớm hơn một ngày”.
Theo thầy Phu, suốt nhiều năm qua, dù việc tổ chức thi tại huyện đảo này gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục Quảng Ngãi vẫn cố gắng duy trì.
“Chỉ có một năm là chúng tôi không thi ở đảo mà đưa tất cả thí sinh vào đất liền tham dự kỳ thi. Nhưng làm như vậy thì rất vất vả, tốn kém cho các em và gia đình.
Nên suốt nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã điều động cán bộ áp tải đề thi ra đảo, tổ chức các điểm thi ngay tại địa phương, dù rằng công việc này rất gian nan” thầy Phu chia sẻ.
Theo Hội đồng thi trường trung học phổ thông Lý Sơn thì điểm thi này có 200 thí sinh, chia làm 10 phòng thi.
Mặc dù là huyện đảo nhưng công tác đảm bảo an ninh càng được siết chặt. Toàn bộ giáo viên của trường đã được điều động đi coi thi ở những nơi khác, còn cán bộ coi thi chủ yếu đến từ trường đại học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Phạm Văn Đồng…
Cô Trần Thị Ánh N. (một giám thị coi thi tại Lý Sơn) chia sẻ, mặc dù bị say sóng nhưng vẫn theo tàu ra đảo coi thi. Với cô, đó là một thử thách nhưng cũng là một trách nhiệm, vinh dự lớn lao.
Vượt gần trăm cây số đi coi thi
Còn hơn 2 ngày nữa mới đến kỳ thi nhưng đội ngũ giám thị của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã có mặt gần như đông đủ tại thành phố Quảng Ngãi để chuẩn bị cho cuộc “hành quân” lên các điểm trường miền núi.
Công an bảo vệ đề thi quốc gia 24/24h, 60% câu hỏi ở mức kiến thức cơ bản(GDVN) - Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. |
Trong các điểm thi ở Quảng Ngãi thì Tây Trà được xem là nơi xa nhất với quãng đường gần 100 km (từ thành phố Quảng Ngãi) với nhiều đoạn đường núi.
“Trong chiều ngày 20/6, chúng tôi sẽ xuất phát đến Tây Trà để kịp có mặt tại điểm thi này. Ngoài ra, đề thi cũng được công an áp tải bằng xe ô tô đến trước đó một ngày” một giám thị cho hay.
Theo ông Phu, việc di chuyển sớm như vậy để đề phòng các trường hợp mưa lớn, dông, lốc… có thể xảy ra, gây chậm trễ. Riêng học sinh tại Tây Trà tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì đều đã tập trung sẵn ở trường nội trú, không phải di chuyển xa.
Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho hay, để hỗ trợ học sinh miền núi ôn tập thi trung học phổ thông, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng giúp các em ôn luyện.
Trong đó, ngành giáo dục đã lựa chọn những giáo viên giỏi để thành lập các đoàn đi đến các trường trung học phổ thông ở miền núi nhằm hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn cho giáo viên tổ chức tốt việc ôn tập, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho học sinh dự thi đạt kết quả.
“Riêng đối với các điểm thi thuộc 6 huyện miền núi cao của tỉnh, do quá xa thành phố nên chúng tôi đã làm việc với ủy ban nhân dân các huyện xin bố trí xe công vụ. Cử công an bảo vệ để cùng với trưởng điểm thi trực tiếp đi nhận đề và nộp bài thi” ông Quốc cho hay.
Tại những điểm thi này, đề thi và giám thị cũng phải có mặt từ sớm. Các giám thị cũng phải vượt quãng đường hàng trăm cây số mới lên đến điểm thi.
“Năm nay, chúng tôi đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng ở các địa phương để xây dựng phương án ứng phó với mưa lũ, dông lốc, nhất là đối với các điểm thi ở huyện miền núi” ông Quốc thông tin thêm.