Sau khi dành thời gian thảo luận và ghi nhận ý kiến của 181 Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nhiều điểm mới.
Thẩm định sách giáo khoa phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng
Thông tin về vấn đề này tại Quốc hội cách đây ít phút, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, nhiều đại biểu tán thành chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa và nhất trí Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định sách giáo khoa.
Một số ý kiến đề nghị chú trọng việc xây dựng các quy định về thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng sách giáo khoa và quy định việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng tăng cường sự tham gia của giáo viên, học sinh và cộng đồng dân cư.
Theo phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa
là công việc khoa học, được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt.
"Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là định hướng đúng đắn, nhưng cần có bước đi thận trọng, vững chắc, tránh những rủi ro có thể ảnh hướng tới quyền lợi của hàng chục triệu học sinh. Xã hội hóa, nhưng Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm, hạn chế tối đa những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra", ông Thi chỉ rõ.
Cũng theo ông Đào Trọng Thi, để chủ động có được chương trình, sách giáo khoa đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai đề án là đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quản lý nhà nước về giáo dục.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà chỉ chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện công tác này. Trên thực tế, chương trình và sách giáo khoa được biên soạn bởi tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục am hiểu về các lĩnh vực khoa học và khoa học giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế và giải pháp để huy động tốt nhất đội ngũ làm công tác này", ông Thi cho hay.
Sách giáo khoa được triển khai cuốn chiếu ở cả 3 cấp: Tiểu học, Trung học, Trung học phổ thông. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Chính phủ cần chỉ đạo ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục với sự bàn bạc dân chủ của giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngăn ngừa tác động tiêu cực; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Đề án thực hiện theo lộ trình nào?
Đa số ý kiến đại biểu tán thành lộ trình triển khai Đề án như nêu trong Đề án và tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về tiến độ xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cho rằng, nếu không thực sự quyết tâm thì khó có thể thực hiện được.
Đề nghị tổ chức thực nghiệm một cách hợp lý, chỉ thực nghiệm những nội dung mới so với chương trình hiện hành. Một số ý kiến đề nghị triển khai “cuốn chiếu” đối với cả cấp tiểu học.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 40, việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa được tiến hành sau khi biên soạn xong toàn bộ chương trình, sách giáo khoa và bắt đầu thực hiện “cuốn chiếu” từ các lớp đầu cấp học đối với tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; mẫu thực nghiệm lớn (khoảng 2% số học sinh phổ thông trên phạm vi cả nước).
Trong thời điểm hiện nay, ứng dụng thành tựu khoa học giáo dục hiện đại và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa mới giai đoạn sau năm 2015 chỉ tiến hành đối với những nội dung, phương thức tổ chức dạy học mới so với chương trình hiện hành và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, do chính các tác giả chương trình, sách giáo khoa thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc thực nghiệm được thực hiện tại một số ít các cơ sở giáo dục đại diện cho các vùng miền để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh chương trình, sách giáo khoa trước khi triển khai đại trà. Như vậy, việc tổ chức thực nghiệm lần này sẽ rút ngắn được thời gian, hạn chế quy mô và giảm được những nội dung không cần thực nghiệm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu lo ngại việc triển khai chương trình mới đồng thời ở các lớp thuộc cấp tiểu học sẽ gây xáo trộn ở cấp học này, Nghị quyết đã được chỉnh sửa theo hướng triển khai cuốn chiếu ở cả ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Về kinh phí thực hiện, đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là việc hệ trọng, cần dành nguồn kinh phí thoả đáng. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng, khái toán kinh phí trong Tờ trình chưa rõ, theo lộ trình nhưng phải chi tiết, cần tăng thêm kinh phí cho các địa phương khó khăn mới đáp ứng được yêu cầu. Một số ý kiến khác lại cho rằng không nên đầu tư ngân sách quá lớn để thực hiện Đề án này.
Trước các ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình:
Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chỉ dự toán kinh phí xây dựng chương trình, biên soạn 1 bộ sách giáo khoa; thẩm định chương trình và sách giáo khoa; thực hiện những công việc cần thiết và trực tiếp liên quan đến tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đổi mới đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa được bố trí ở 2 Đề án khác trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong quá trình thực hiện Đề án, UBTVQH sẽ tăng cường giám sát kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; có ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.