Tại buổi họp báo thường kỳ của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam diễn ra ngày 30/5, một vấn đề mà được báo chí quan tâm là vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội và có bao nhiêu doanh nghiệp chây ì nợ bảo hiểm xã hội bị đề nghị xử lý hình sự.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng ban Thu cho biết: “5 tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã triển khai quyết liệt công tác thu, tuy nhiên tình trạng nợ đọng vẫn còn.
Đến nay, số nợ đọng còn gần 5% số phải thu (năm trước là 6%), song số tiền tuyệt đối vẫn tăng. Hiện tổng nợ đọng trên 10.000 tỷ đồng, trong đó tính cả tiền lãi.
Ông Mai Đức Thắng cũng lý giải con số thu qua 5 tháng mới đạt 36% là do tháng 1, 2, các doanh nghiệp thường đóng hạn chế vì tiền thu được trong kinh doanh dùng để chi lương, thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Tỷ lệ thu so với kế hoạch giao là thấp, nhưng so với mọi năm là bình thường.
Dự báo năm nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch thu và vượt, ông Mai Đức Thắng nhận định: “Năm nay, tình hình kinh tế có khởi sắc nên doanh nghiệp cũng tuân thủ việc đóng. Với tốc độ này, chúng tôi sẽ đạt và có thể vượt kế hoạch thu của năm từ 1-2%”.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, Quy định mới như “cây gậy” cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thanh tra và khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài. Điều này khiến nợ bảo hiểm xã hội trong những tháng đầu năm có xu hướng giảm.
Ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông tin về việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Vũ Phương. |
Ông Mai Đức Thắng cũng thông tin: “Để giải quyết tình trạng nợ đọng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến hành thanh tra các doanh nghiệp có số nợ đọng từ 3 tháng trở lên.
Đặc biệt, những doanh nghiệp nợ kéo dài từ 6 tháng trở lên, Bảo hiểm xã hội tiến hành thanh tra đột xuất.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức thanh tra tại 4 doanh nghiệp của Ninh Bình. Khi Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký quyết định thanh tra thì đã có 3 doanh nghiệp nộp tiền ngay, 1 doanh nghiệp có khó khăn nên đã báo cáo xây dựng lộ trình trả nợ”.
Nói về việc trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cơ quan bảo hiểm đề nghị xử lý hình sự. Ông Mai Đức Thắng cho biết: “Không phải doanh nghiệp nào nợ cũng đề nghị xử lý hình sự.
Bởi chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam, người lao động sẽ mất việc làm, bảo hiểm xã hội cũng không thu được.
Đối với doanh nghiệp đã thanh tra xử phạt nhiều lần mà vẫn cố tình, chây ì hay doanh nghiệp có lợi nhuận cao mà trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội lúc đó mới đề nghị khởi tố hình sự.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ điều chỉnh để thu hút người dân tham gia |
Hiện ngành bảo hiểm mới đề nghị và gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý hình sự một số doanh nghiệp ở hai tỉnh thành là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, Hà Nội có 3 doanh nghiệp và Thành phố Hồ Chí Minh có 1 doanh nghiệp. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành củng cố hồ sơ để đưa ra xét xử”.
Liên quan đến vụ việc một số bác sĩ làm việc ở Khoa sơ sinh và Khoa nội tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã lập khống hồ sơ bệnh án, nâng số ngày điều trị để kê khống hơn 700 triệu đồng tiền bảo hiểm y tế, Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố 5 người về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Về việc này Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Đào Việt Ánh cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện vụ việc từ tháng 1/2018. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và vụ việc đang trong quá trình điều tra để khởi tố.
Để tăng cường quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế chặt chẽ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình kiểm tra tất cả các hồ sơ thanh toán liên quan.
Ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh: “Quan điểm của ngành Bảo hiểm xã hội nếu phát hiện bất cứ sai phạm nào có dấu hiệu hình sự, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định”.