Báo nước ngoài chỉ ra 4 lý do khiến thành tích giáo dục Đông Á vượt trội

13/12/2016 06:12
Thùy Linh (lược dịch)
(GDVN) - Gần đây, học sinh ở các quốc gia Đông Á liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc khảo sát quốc tế, tạo khoảng cách ngày càng xa so với phần còn lại thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu toàn cầu về xu hướng Toán và Khoa học quốc tế (TIMSS) và chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), đều cho thấy: Học sinh các quốc gia Đông Á có vị trí cao trong bảng xếp hạng.

Nghiên cứu về xu hướng Toán và Khoa học quốc tế (TIMSS) là chương trình đánh giá thành tích trong môn khoa học và toán của các học sinh lớp 4 và lớp 8 ở các quốc gia khác nhau, được thực hiện bốn năm một lần. 

Còn chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do OECD tổ chức ở hơn 70 quốc gia, theo chu kì 3 năm một lần, bắt đầu từ năm 2000. Chương trình này đánh giá học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.

Những năm gần đây, vị trí của các nước đều thay đổi, có lên có xuống trong bảng xếp hạng, nhưng giáo dục ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chiếm vị trí cao.

Đặc biệt, gần đây khoảng cách giữa các nước này và phần còn lại của thế giới ngày càng xa.

Tờ Business Insider liệt kê 4 yếu tố chính giúp nền giáo dục của các nước Đông Á sở hữu những học sinh ưu tú như vậy.

1. Về văn hóa và tư duy

Giáo dục của các nước Đông Á đề cao sự nỗ lực, chăm chỉ học tập hàng ngày chứ không phải sự thông minh bẩm sinh bởi theo họ, đây là chìa khóa thành công. 

Nhiều nghiên cứu về giáo dục ở các nước Đông Á đều nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng này.

Quan niệm này ẩn chứa nhiều tích cực vì họ cho rằng đại đa số học sinh đều có khả năng thành công nếu kiên trì cố gắng. 

Học sinh Nhật Bản sử dụng bàn tính truyền thống trong cuộc thi tại Tokyo vào năm 2008 (Ảnh:Business Insider)
Học sinh Nhật Bản sử dụng bàn tính truyền thống trong cuộc thi tại Tokyo vào năm 2008 (Ảnh:Business Insider)

Chương trình học đồng đều được áp dụng ở mọi nơi. Tại đây, ngoài giờ học chính khóa, học sinh được học phụ đạo chuyên sâu. 

Tuy nhiên, việc học nhiều cũng khiến các nhà nghiên cứu đau đầu vì lo lắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe tinh thần và hoạt động thể chất của trẻ nhỏ.

Nhiều nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng quá tải, căng thẳng, áp lực cao về thành tích cho các bậc phụ huynh.

2. Chất lượng giáo viên

Nhà giáo là một trong những nghề nhận được nhiều sự tôn trọng ở các nước Đông Á. Tại đây, môi trường làm việc có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng được đãi ngộ tốt, thời gian đào tạo dài và được hỗ trợ trong việc phát triển chuyên môn.

Báo nước ngoài chỉ ra 4 lý do khiến thành tích giáo dục Đông Á vượt trội ảnh 2

Học sinh Việt Nam xếp thứ 8/72 quốc gia trong lĩnh vực khoa học

(GDVN) - Theo công bố kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 nước/vùng lãnh thổ tham gia đánh giá.

Tại Thượng Hải, giáo viên có khối lượng công việc thấp hơn nhiều so với ở Anh. Họ sử dụng các chuyên gia về toán kiêm dạy học. Mỗi ngày chỉ dạy 2 tiết học khoảng 30 đến 40 phút/tiết.

Do vậy, giáo viên có thời gian để nghiên cứu sâu hơn, cung cấp hỗ trợ mở rộng bài vở cho học sinh.

Tại Nhật Bản, ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã được giáo dục cách nghiên cứu bài học.

Việc này đòi hỏi giáo viên phải có kế hoạch, thiết kế, chuẩn bị bài giảng cẩn thận. Họ cũng thường xuyên học hỏi giữa các đồng nghiệp và tìm ra cách giảng dạy hiệu quả.

3. Sử dụng minh họa trực quan


Phần lớn cơ sở lý thuyết của các môn học ở Đông Á chịu ảnh hưởng từ các nghiên cứu và phát triển ở phương Tây. Tuy nhiên, họ áp dụng bằng những phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn. 

Ví dụ, phương pháp học tập bằng khám phá của Jerome Bruner, trong đó người học kiến tạo tri thức dựa trên kinh nghiệm đã có. Người học sẽ thực hiện các thí nghiệm chuyên ngành và tự suy ra các quy luật, kết quả từ thí nghiệm.

Áp dụng phương pháp này, tại Singapore, khi giảng dạy môn Toán chủ yếu sử dụng các phương tiện trực quan là các vật thể, hình ảnh, sơ đồ để dạy khái niệm, qua đó giúp học sinh dễ hiểu hơn.

4. Thay đổi toàn diện

Trong những năm 1970, kết quả giáo dục của Singapore tụt lại phía sau. Tuy nhiên họ đã có thay đổi vượt bậc nhờ sự chuyển đổi nền giáo dục mang tính quốc gia bao gồm việc xây dựng lại chương trình học, sách giáo khoa, đầu tư vào đội ngũ giảng dạy.

Tương tự như vậy, Thượng Hải và Nam Triều Tiên cũng có cuộc cải cách với kế hoạch được xây dựng cụ thể, chỉ đạo ở cấp quốc gia.

Điều này có nghĩa rằng tất cả các trường sử dụng tài liệu giảng dạy đều được Chính phủ phê duyệt, nhất quán về trình độ giáo viên và đa dạng loại hình đào tạo. 

Chính vì vậy, theo tờ Business Insider, các phương pháp giáo dục ở các quốc gia Đông Á cần được nhân rộng và khuyến khích những đất nước khác học tập tuy nhiên cũng cần tránh xa việc đề cao thành tích, áp lực thi cử.


 

Thùy Linh (lược dịch)