Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Nhật Bản (ảnh nguồn báo Phương Đông, TQ) |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 12 tháng 1 có bài viết nhan đề "Nhân Dân nhật báo: Nếu Mỹ có thể làm chủ, hạ bệ Abe là phương án lựa chọn tốt nhất". Đây là một trong “liên khúc không dứt” các bài báo ra sức tuyên truyền, kích động chia rẽ quan hệ Mỹ-Nhật phục vụ cho lợi ích riêng của Trung Quốc. Sau đây là nội dung chính của bài báo.
Gần đây, nghe nói Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không ngủ ngon. Nhưng, ngày 9 tháng 1, trước khi tiến hành chuyến thăm châu Phi, ông Shinzo Abe tiếp tục có những phát biểu mới.
Theo giải thích của truyền thông Nhật Bản, ý của ông Shinzo Abe là, mặc dù bị phê phán cũng phải tiếp tục thăm đền Yasukuni. Ông Shinzo Abe kiên quyết kiên trì quan điểm, lập trường của mình.
Mỹ, nước cung cấp "ô" bảo vệ cho Nhật Bản, hy vọng quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương nắm lấy quyền phát ngôn, lần này hình như không chi phối được ông Shinzo Abe.
Đền Yasukuni thờ 14 tội phạm chiến tranh hạng A của Nhật Bản, được Tòa án quân sự quốc tế khẳng định.
Thăm đền Yasukuni thực chất là có ý đồ làm đẹp lịch sử xâm lược nước ngoài và thống trị thực dân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, làm đảo lộn sự phán xử chính nghĩa của cộng đồng quốc tế đối với chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, thách thức kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai và trật tự quốc tế sau Chiến tranh.
Trong khi đó, trật tự này chính là do các nước đồng minh như Mỹ lập ra.
Nhật-Mỹ là quan hệ đồng minh chặt chẽ nhất ở châu Á |
Thẩm Đinh Lập, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phục Đán cho rằng: "Ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni và phát biểu có liên quan của ông đối với nô lệ tình dục khiến cho Mỹ rất khó xử".
"Mỹ luôn khoe mình là bên chính nghĩa, biểu hiện của ông Abe làm cho họ thất vọng. Thăm đền Yasukuni cho thấy ông Abe không thức tỉnh về bá quyền, cũng có nghĩa là, đối với Mỹ, Nhật Bản đang mất giá".
Ở góc độ quan hệ đặc biệt Mỹ-Nhật, giáo sư Lý Nghĩa Hổ, Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Bắc Kinh phân tích, cho rằng, Mỹ-Nhật có quan hệ hai cấp. Thứ nhất là quan hệ giữa nước chiến thắng và nước chiến bại. Thứ hai là quan hệ giữa minh chủ và "tay sai".
Theo Lý Nghĩa Hổ: "Trong bối cảnh 'Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương', ông Abe mới bất chấp sai lầm lớn với thiên hạ. Nhưng, ông Abe nếu xóa bỏ cam kết, phá hoại trật tự sau Chiến tranh, sẽ đụng phải giới hạn của Mỹ".
"Mỹ thực sự muốn lợi dụng Nhật Bản 'quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương', nhưng tuyệt đối sẽ không cho phép ông Abe thách thức giới hạn này".
Đạt Nguy, Trưởng phòng Mỹ, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng, trước đây, cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi thăm đền Yasukuni, tờ "Thời báo New York" đã coi đó là sự "khiêu khích không cần thiết". "Đến nay, đối với hoạt động thăm viếng của ông Shinzo Abe, Mỹ vẫn còn tâm lý này".
Nhật Bản có công nghệ tàu ngầm thông thường tiên tiến, chẳng hạn công nghệ AIP. Trung Quốc lo ngại Nhật Bản từ bỏ "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí", xuất khẩu vũ khí trang bị tiên tiến cho các nước có tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc. Nhật Bản và Ấn Độ đạt thỏa thuận cung cấp thủy phi cơ US-2 do Nhật chế; Nhật Bản cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, Philippines; Nhật Bản có thể chia sẻ công nghệ AIP tàu ngầm với Australia... |
Lần này ông Shinzo Abe đã "gây sóng gió", bối cảnh lớn không tách rời chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ, không tách rời sự đồng ý ngầm và cái mà báo chí TQ gọi là "dung túng" của Mỹ. Bài báo đặt câu hỏi: Tất cả việc làm của Abe, người kiên trì thăm viếng đền Yasukuni thực sự phù hợp với lợi ích của Mỹ? Bài báo cũng tự trả lời "phủ định".
Thẩm Đinh Lập cũng khẳng định: "Đương nhiên là không phù hợp. Ông Abe rõ ràng là phối hợp quá mức". "Ông Abe làm quá mức của Mỹ, đã quên rằng Nhật Bản và Mỹ là không bình đẳng. Nhật Bản chỉ có thể đi trong bàn cờ lớn do Mỹ sắp đặt, không thể vượt giới hạn".
Thẩm Đinh Lập cho rằng, chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ thực chất là vì sự trỗi dậy của quốc gia mới nổi làm cho khoảng cách giữa Mỹ và các nước khác thu hẹp. Trong các vấn đề quốc tế, Mỹ cảm thấy lực bất tòng tâm, Mỹ muốn lôi kéo một số nước, thực hiện "tái cân bằng sức mạnh". Ông Abe rất vui mừng làm "đầy tớ".
Nhưng, vốn là Mỹ lợi dụng Nhật Bản, hiện nay, trái lại đã chuyển sang ông Shinzo Abe lợi dụng Mỹ để thực hiện giấc mơ "quốc gia bình thường" của Nhật Bản.
Ông Abe làm cho châu Á-Thái Bình Dương không còn an ninh, là "người gây phiền phức" thực sự, hơn nữa đã chạm tới lợi ích của Mỹ.
Nhật Bản là nước có năng lực chế tạo vũ khí trang bị tiên tiến, cả tàu ngầm, máy bay, tên lửa, radar, vệ tinh, xe tăng... Nhật chủ trương tăng cường quan hệ với các nước có "lợi ích chung". |
Đạt Nguy cho rằng, ông Abe thăm đền Yasukuni làm xấu đi quan hệ Trung-Nhật, Nhật-Hàn, khiến cho tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương phức tạp hóa, điều này đương nhiên không có lợi cho chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tư tưởng chủ đạo của Mỹ là thông qua Nhật Bản thực hiện chính sách châu Á của họ.
Mỹ hy vọng ông Shinzo Abe nghe lời, có thể phát huy vai trò lơn hơn về kinh tế và an ninh. Nhưng, qua việc làm xáo trộn của ông Abe, Mỹ lại tỏ ra phần nào chấp nhận.
Theo Lý Nghĩa Hổ: "Nhật Bản gần đây sở dĩ tùy ý làm bậy như vậy, không tách rời việc Mỹ dung túng, nuông chiều, không tách rời sự nhượng bộ mới của Mỹ".
Đạt Nguy cũng cho rằng, ngoài thăm đền Yasukuni, việc sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ lệnh cấm thực hiện quyền tự vệ tập thể do ông Abe chủ trương đều được Mỹ ngầm cho phép.
Sau khi ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, Mỹ dùng "thất vọng" để bày tỏ thái độ, tuy nghiêm trọng hơn "đáng tiếc", nhưng vẫn không phải là "phản đối". Điều này phản ánh tâm trạng phức tạp và nhạy cảm này của Mỹ. Hiện nay, xem ra, Mỹ hầu như đang quan sát tình hình.
Tự do hàng hải ở Biển Đông là một thách thức lớn của Nhật Bản. Trong hình là biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vừa kết thúc thử nghiệm và huấn luyện dài ngày trên Biển Đông. |
Lý Nghĩa Hổ cho rằng: "Mỹ thể hiện 'thất vọng', hàm ý là, Mỹ muốn vạch ra ranh giới đỏ cho Abe. Ranh giới này chính là không thể thách thức trật tự quốc tế sau Chiến tranh, làm đảo lộn quy tắc quốc tế sau Chiến tranh". "Nhưng, Mỹ còn đang quan sát hành động của ông Abe và phản ứng của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga".
Đáng tiếc, việc Mỹ "ám thị" hầu như không có hiệu quả gì. Ông Abe cho biết, có ý định tiếp tục thăm đền Yasukuni chính là "bằng chứng".
Mỹ không hành động đã bắt đầu gây nghi ngờ. Thẩm Đinh Lập cho rằng, các phương tiện truyền thông chính của Mỹ và giai cấp tinh hoa cần đứng lên, để người dân Mỹ nhìn rõ ông Shinzo Abe "điên rồ" như thế nào, tạo bầu không khí dư luận mạnh mẽ, từ đó tác động đến chính sách của Chính phủ Mỹ.
Tờ "Chosun Ilbo" Hàn Quốc ngày 9 tháng 1 cũng có bài xã luận cho rằng: "Mỹ không nên mập mờ nước đôi đối với vấn đề lịch sử của Nhật Bản".
Nhật Bản quyết định thành lập Quân đoàn cơ động đổ bộ (Thủy quân lục chiến) để đối phó với Trung Quốc ở hướng tây nam. |
Giữa Mỹ-Nhật có nguyên tắc hợp tác quốc phòng chặt chẽ, khi một bên bị đe dọa, bên kia có nghĩa vụ đứng ra. Nhưng, nếu những người theo "chủ nghĩa quân phiệt" Nhật Bản tiếp tục một sự kiện Trân Châu Cảng trong chiến tranh Thái Bình Dương? Mỹ nên làm thế nào? Hy vọng đây chỉ là một sự hài hước "màu đen". - bài báo tự nhận định và ra sức tuyên truyền.