Bầu cử thêm chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên

28/05/2021 10:17
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những đơn vị bầu cử tại một số địa phương không bầu đủ 2/3 số đại biểu Hội đồng Nhân dân đã ấn định và phải tổ chức bầu cử thêm.

Ngày 23/5, hơn 69 triệu cử tri trên cả nước đã thực hiền quyền và nghĩa vụ công dân, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh các địa phương đã hoàn tất công tác bầu cử, có những đơn vị bầu cử tại một số địa phương không bầu đủ 2/3 số đại biểu Hội đồng Nhân dân đã ấn định và phải tổ chức bầu cử thêm.

Người dân tại xã Bù Gia Mập, Bình Phước đi bầu cử. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Người dân tại xã Bù Gia Mập, Bình Phước đi bầu cử. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Các trường hợp phải tiến hànhbầu cử thêm đã được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định: Trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó thì Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử đó.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân của cấp đó nhiệm kỳ 2021-2026 chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử này thì Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân của cấp tương ứng phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử.

Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.

Đơn vị bầu cử đó được xác định là đơn vị bầu cử thiếu đại biểu (tức là sau khi đã tổ chức bầu cử thêm mà vẫn không bầu được đủ số đại biểu đã được ấn định).

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.

Trước đó, như tin đã đưa, ngày 26/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang ban hành Thông báo số 85/UBBC-TBTHNVBC về việc bầu cử thêm tại các đơn vị bầu cử không bầu đủ 2/3 số đại biểu Hội đồng Nhân dân đã ấn định.

Kiên Giang sẽ tổ chức bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Kiên Hải tại đơn vị bầu cử số 6; bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Minh Thuận (huyện U Minh Thượng) tại các đơn vị bầu cử số 6, 11, 13, 14 và bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Đông Thái (huyện An Biên) tại đơn vị bầu cử số 2.

Ủy ban Bầu cử tỉnh đề nghị các địa phương nói trên chọn Chủ nhật (ngày 6/6) để tổ chức bầu cử thêm.

Ngày 26/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo thông báo về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại cuộc họp báo, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Phước cũng cho biết riêng đơn vị bầu cử số 2 của xã Long Tân (huyện Phú Riềng) mới bầu được 3 trong tổng số 5 đại biểu, chưa đủ 2/3 số đại biểu được bầu theo luật định.

Theo ông Lê Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước, Ủy ban Bầu cử tỉnh sẽ tổ chức cuộc bầu cử thêm tại đơn vị bầu cử số 2 của xã Long Tân. Thời gian tổ chức bầu cử là 15 ngày sau khi công bố kết quả bầu cử theo luật định.

Theo TTXVN