Bế mạc Kỳ họp thứ 7, thông qua Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng

29/06/2024 11:34
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Với 460/460 biểu (100% đại biểu) có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/06, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc.

290620240925-z5584547305885_2f8dff483e1b4425f00096e405c28e6a.jpg
Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 20/6/2024, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được ý kiến của 420 đại biểu Quốc hội, trong đó có 386 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 34 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.

290620240955-z5584498601920_fb402f0f376624aebb9d37034a0d1d5f.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với ý kiến đề nghị quy định thời hạn cụ thể đối với yêu cầu bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn và chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu; có giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề và tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu và điều chỉnh các nội dung liên quan trong dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị làm rõ hơn khái niệm các ngành kinh tế biển mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các ngành kinh tế biển mới đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do đó không nêu cụ thể trong dự thảo Nghị quyết…

Đối với lĩnh vực công thương, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung như đề xuất của đại biểu không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này; hơn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9, trong đó có yêu cầu nội dung này; do đó không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung về việc phổ biến tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài; việc phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn; giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là phù hợp với nội dung tại phiên chất vấn, do vậy đã tiếp thu và bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến đề nghị bổ sung nội dung về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng thể dục, thể thao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Các giải pháp về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong dự thảo Nghị quyết đã bao hàm nội dung đại biểu nêu; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Riêng về đề nghị giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam và từng phần của Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền phê duyệt Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam là vấn đề quan trọng, cần rà soát kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và có đề xuất phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết…

Đối với lĩnh vực kiểm toán, có ý kiến đề nghị không quy định việc xử lý đối với các Đoàn kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không khả thi, không phù hợp với thực tiễn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và không quy định nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.

Đối với đề nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do các trường hợp bất khả kháng hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp vượt thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Thẩm quyền ban hành cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán cần được các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng; do đó, không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể về kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu và điều chỉnh như dự thảo Nghị quyết.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 472 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 97,12%).

290620240924-z5584546318358_b7bd968664ef864ce989dc0cf27fceba.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Như vậy, với tuyệt đại đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thông qua Nghị quyết Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, có một số nội dung được đề cập như:

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15...

Quốc hội thông qua 21 nghị quyết, gồm: Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026; 02 Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV và Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

290620241008-z5584560374559_011023ca725951d3c05ef73f78940f6a.jpg
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc sáng ngày 29/6. Ảnh: quochoi.vn.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật, gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, hoàn thiện Hồ sơ theo quy định, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện văn bản, bảo đảm chất lượng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh;

Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước;

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu;

Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9 năm 2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở năm 2025.

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các chức năng của Quốc hội và trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát; rà soát, giải quyết các kiến nghị từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm, các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, bảo đảm chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tăng cường và nâng cao hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Quốc hội tán thành với Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất; kịp thời giải quyết, có giải pháp thực hiện các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Báo cáo số 842/BC-MTTW-ĐCT ngày 17/5/2024.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 460 đại biểu biểu quyết tán thành. Như vậy, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, đến hôm nay, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.

290620241034-z5584676040846_81b26d950cd21e343cced8c8b7e235c7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Theo chương trình, nội dung của Kỳ họp, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các cơ của Quốc hội, các quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị nội dung trình Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trọng tâm; có nhiều ý kiến phát biểu trí tuệ, sâu sắc, trên tinh thần xây dựng; phản ánh khách quan, toàn diện thực tế đời sống xã hội tại nghị trường.

Tại Kỳ họp này đã có 936 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và đã có 750 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 708 lượt đại biểu phát biểu thảo luận, 42 lượt đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận tại Hội trường; có 2.119 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 vị Bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về 4 lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường - Công thương - Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Kiểm toán nhà nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp, với tỉ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

“Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026; với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Đảng; sự chủ động, đồng hành, giám sát linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Huệ Phương