Khai thác cát ngay sau khi Phó Thủ tướng đi kiểm tra
Ngày 12/10, lộ trình cuộc thị sát nạn "cát tặc" của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên địa bàn xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) được giữ kín, bí mật ngay cả với lãnh đạo địa phương và chỉ được thông báo khi đoàn công tác đã đến hiện trường.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tận mắt chứng kiến một số tàu hút cát công suất lớn đang ngang nhiên hoạt động trên sông. Do các tàu hút cát này hoạt động suốt ngày đêm đã tàn phá hai bên bờ sông và hai bên bờ là từng "núi" cát được tập kết chờ vận chuyển, cảnh tượng không khác một công trường khai thác cát với quy mô công nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "Hà Nội và Hưng Yên cần khẩn trương phối hợp triển khai lực lượng, cùng với các đơn vị của Bộ Công an chủ động lên phương án xử lý triệt để bằng các biện pháp hành chính, kể cả xử lý hình sự.
Phải nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng "cát tặc" trên sông, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành chức năng".
Ngày 13/10, nhóm phóng viên có mặt dọc con sông Hồng thuộc địa phận xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để kiểm tra tình hình sau khi Phó Thủ tường có ý kiến chỉ đạo.
Tuy nhiên, thực tế thì nạn "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới kiểm tra và chỉ đạo dẹp bỏ. Những "con tàu ma" vẫn vươn vòi bạch tuộc xuống lòng sông Hồng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Ngay tại bến phà Đông Ninh hàng chục tàu lớn đang gầm rú hút cát dưới dòng sông. Ảnh cắt từ clip |
Tại bến phà Đông Ninh, nhóm phóng viên chứng kiến “cát tặc” đang dùng máy hút công suất lớn, cắm "vòi rồng" xuống lòng sông đục khoét tài nguyên khoáng sản quốc gia một cách công khai.
Hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ lần lượt nối đuôi nhau như một đoàn tàu, ngược xuôi chở cát từ máy hút cát và vận chuyển liên tục mà không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Tại địa điểm này "cát tặc" được khai thác theo hai cách. Cách thứ nhất là những con tàu lớn thì chạy lượn lờ quanh khu vực, khi tàu tìm được chỗ hút cát thì dừng lại, thả vòi "bạch tuộc" xuống lòng sông để thăm dò cát. Khi đó, hai người đàn ông ngồi hai bên quay tời điều chỉnh mức để vòi rồng có thể hút cát thuận lợi.
Sau đó, vòi rồng hút cát cùng đất lên, máy nước sẽ xối mạnh cho đất vỡ ra rồi đẩy về lòng sông, còn cát vào boong của tàu. Sau khi hút đầy boong, các tàu khai thác cát trái phép tấp vào bờ rồi bơm lên xe tải chờ sẵn ở những bãi cát trái phép.
Cát được đưa vào các bến trái phép ven để tại xã Đông Ninh để đi tiêu thụ. Ảnh Phan Thiên |
Cát được hút trực tiếp lên bờ... |
Cách thứ hai tuy thô sơ nhưng hiệu quả hơn đó là nhóm đối tượng dùng những chiếc thùng phi kết thành bè, cho máy móc lên trên và cắm ống hút trực tiếp xuống dòng sông. Sau đó, cát được hút trực tiếp lên những bãi trái phép ven đê…
"Không biết các cơ quan chức năng họ làm gì, ở đâu mà tình trạng khai thác cát tại địa phương diễn ra rầm rộ như thế này.Hôm nào cũng có tới có chục tàu lượn khắp dòng sông mà không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào ngăn cản. Nếu cứ đà này, đất làng chúng tôi sẽ sạt lở rồi trôi theo sông mất thôi" một người dân tại xã Đông Ninh cho biết.
Qua khảo sát cho thấy, cảnh khai thác tạc tại nơi đây diễn ra công khai, hàng chục còn tàu thì nhau "hút máu" dòng sông Hồng mà không hề sợ sệt khi phóng viên tiếp cận để ghi hình. Có vẻ như khu vực huyện Khoái Châu và đặc biệt là xã Đông Ninh này được "đặc cách" nên việc khai thác được nhóm "cát tặc" vô tư tung hoành.
“Cát tặc” núp bóng cải tạo lò gạch
Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn một cách công khai, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Đồng - Chủ tịch xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên). Trong buổi trao đổi với phóng viên ông Chủ tịch xã này cho thấy việc khai thác tại đây là chuyện bình thường, bởi theo ông thì dọc tuyến đê sông Hồng tại địa phận xã Đông Ninh cũng các xã lân cận đều có cảnh tượng này và có rất nhiều bãi cát trái phép!?
Ông Chủ tịch xã cho biết, tại xã nhà có ba bãi cát, bãi thứ nhất thuộc quản lý của Công ty TNHH Sáu Hằng (Công ty Sáu Hằng) đang chờ xin giấy phép, hai bãi còn lại là của ông Nguyễn Huy Vân và ông Lê Văn Phái là người địa phương được UBND xã Đông Ninh cho thuê để cải tạo lò gạch cũ.
Một năm cải tạo nhưng những hố này vẫn như cũ, không có gì gọi là cải tạo... |
...bên cạnh là các hố chứa cát được hút trực tiếp từ lòng sông Hồng lên. Ảnh: Phản Thiên |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, một năm nay nhưng bãi này không hề cải tạo mà núp bong dưới cách cải tạo để hút cát trái phép một cách trắng trợn. Những bãi này dùng ống cắm trực tiếp dưới lòng sông hút lên bờ, sau đó dùng máy xúc cát lên những chiếc xe ben để đi tiêu thụ…bãi cải tạo thì không thấy đâu chỉ thấy những xe ben nối đuôi nhau chở cát từ những lo gạch cũ mang đi tiêu thụ...
“Chính quyền địa phương không thể ngăn chặn được bởi khi bắt gặp thì chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở. Khi nào các cấp ban nghành vào cuộc chung tay thì địa phương mới làm. Huyện đã cử Đoàn thanh tra xuống nhưng cũng chẳng đưa ra ý kiến hay gì? Riêng bãi của Công ty Sáu Hằng thì đang đợi giấy phép” ông Đồng cho biết.
Bãi cát mà Công ty Sáu Hằng đang nổi trổi nhất khu vực...mặc dù theo ông Chủ tịch xã Đông Ninh là đang xin giấy phép. Ảnh: Phan Thiên |
Theo quan sát của phóng viên bãi cát của Công ty Sáu Hằng đang chờ giấy phép như lời ông Chủ tịch xã nói rộng đến cả vài nghìn m2. Hiện nay, cả một khu vực này đã chất đầy cát vàng, cát đen ngay sát chân đê. Hàng chục công nhân cùng các máy cẩu, xe tải liên tục làm việc. Tuy nhiên điều này dường như không được chính quyền xã quan tâm.
Khi hỏi về phương án, trách nhiệm của địa phương đối nạn cát tặc trên địa bàn thì vị Chủ tịch xã này chỉ cho biết bắt được thì nhắc nhở khi nào có đoàn cấp cao chỉ đạo vào cuộc cùng thì mới làm. Như vậy, lãnh đạo xã Đông Ninh chỉ đứng nhìn cảnh khai thác cát công khai, có biết nhưng không có cách ngăn cản.
Phải chẳng nạn “cát tặc” tại đây sẽ được thoải mái tung hoành?