Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thời gian qua, cùng với việc triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung nguồn lực để tích hợp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Với những nỗ lực không ngừng ấy, năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với vị trí top 3 trong Bảng xếp hạng 17 Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.
Bảng xếp hạng DTI năm 2021 của các Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công. |
Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số vừa được tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.
17 Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công gồm: Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng 17 Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công, tăng 01 bậc so với DTI năm 2020.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp thứ 3/17 với 0,5747 điểm. DTI của các Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; Hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và Nhận thức số xếp hạng thứ 3.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Phủ số, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung các dịch vụ công trực tuyến cập nhật trên Hệ thống Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hệ thống Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
Đặc biệt, 100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội 24/7 thông qua Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, các nhà cung cấp dịch vụ kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử (I-VAN), ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số (dành cho cá nhân). Ứng dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số cũng liên tục được cập nhật các tính năng hữu dụng, tăng trải nghiệm thuận lợi cho người dùng.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện việc kết nối sử dụng dịch vụ “Xác nhận thông tin hộ gia đình” và triển khai dịch vụ “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành dịch vụ công “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe”, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của ngành, chính thức áp dụng, triển khai thực hiện từ ngày 15/6/2022. Tất cả những nỗ lực này đã mang lại tiện dụng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia các dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục nên nhận được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của đông đảo người dân.
Có thể nói, với vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng các Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công (năm 2021), Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.