Nhiều trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ Anh buộc giáo viên phải đóng một khoản tiền không nhỏ để mua bò ủng hộ hộ nghèo tại xã Hữu Kiệm thoát nghèo để lên chuẩn nông thôn mới.
Tặng bò cho hộ nghèo ở Kỳ Sơn (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa từ Tạp chí Tri ân) |
Không ít giáo viên nơi đây đã rất bức xúc viết đơn lên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ bảo vệ.
Chúng tôi đã phản ánh trong các bài viết: “Giáo viên huyện Kỳ Sơn chật vật vì phải nộp tiền mua bò giúp hộ thoát nghèo;
"Giáo viên ở Kỳ Sơn được giảm một nửa tiền đóng góp ủng hộ mua bò";
"Buộc giáo viên ủng hộ tiền giúp dân xóa nghèo có phải cách làm hay?".
Sau những bài viết phản ánh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã có cuộc họp với hiệu trưởng các trường học quán triệt tinh thần chỉ đạo của huyện.
Cụ thể, không bắt buộc giáo viên phải đóng tiền ủng hộ theo mức đổ đồng mà kêu gọi trên tinh thần tự nguyện.
Ai có nhiều đóng nhiều (tùy tâm), ai có ít đóng ít, thậm chí không đóng cũng được.
|
Xác nhận thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thân tình với ông Vi Hòe, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn.
Nội dung cuộc trao đổi như sau:
Thưa anh, chuyện buộc giáo viên ủng hộ tiền cho hộ nghèo ở Hữu Kiệm mua bò để thoát nghèo có phải chỉ đạo của huyện?
Bí thư Vi Hòe cho biết: Tôi mới đi công tác về cũng nghe thông tin về chuyện này.
Nhưng hôm trước, trong cuộc làm việc với ngành giáo dục cũng có giáo viên hỏi, tôi đã trả lời:
Chủ trương chung của huyện là không bắt buộc đâu. Có thể một trường mô đó hiểu nhầm cách làm nên triển khai không đúng.
Việc đóng góp là do cái tâm thôi. Chúng tôi, tuyên truyền vận động theo Chỉ thị 05 cho cán bộ đảng viên.
Huyện chỉ đạo thêm tiếp tục thực hiện để thoát nghèo theo sự đồng tình ủng hộ, ít nhiều gì và không có cũng được.
Khi nghe chúng tôi nói: “Có trường lại quán triệt tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường buộc phải ủng hộ.
Lấy số tiền 12 triệu đồng (sau hạ xuống còn 6 triệu đồng) chia cho tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường để đóng.
Thế nên, giáo viên chưa kịp nhận lương nhà trường cho trừ ngay trên bảng lương.
Bí thư Vi Hòe phản ứng quyết liệt: “Không được như thế! Tôi nghe và nói đồng chí Chủ tịch Ủy ban huyện xuống kiểm tra ngay.
Tôi phản đối quyết liệt việc phân chia bắt buộc như thế. Họp hiệu trưởng và lãnh đạo Phòng Giáo dục, tôi vẫn nhấn mạnh vận động tuyên truyền thôi, ai khó khăn quá, điều kiện quá, không tham gia cũng được.
Chỉ là cái tâm, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Trách nhiệm của anh em người không có ăn mình tạo điều kiện cho có điều kiện một tí. Vẫn là tùy tâm, 10 nghìn đồng cũng được”.
|
Nói rồi, Bí thư cho biết: “Đây cũng là một vấn đề huyện rút kinh nghiệm để chỉ đạo cho tốt hơn”.
Thưa anh, giáo viên tâm tư: “Nếu đổ đồng buộc họ phải đóng 500, 600, 700 thậm chí 800 nghìn đồng một người thì chúng tôi không cam lòng.
Nhưng nếu ủng hộ theo tinh thần tự nguyện là tùy tâm thì chúng tôi vẫn chung tay với người nghèo”.
Bí thư Vi Hòe cười và nói: “Nếu hiểu được như thế là được rồi”.
Hiểu sai tinh thần chỉ đạo, ngành giáo dục địa phương muốn lấy thành tích?
Một số giáo viên cho biết, Công văn yêu cầu ủng hộ của cấp trên gửi về, một số hiệu trưởng đã yêu cầu trừ ngay số tiền lương của mọi người trong tháng để nộp về phòng giáo dục.
Nếu theo ý kiến của Bí thư huyện Kỳ Sơn những trường học này đã hiểu sai tinh thần chỉ đạo của huyện nên mới làm sai.
Chính vì việc làm sai như thế đã xảy ra nhiều ý kiến phản đối, bất bình kiến cho một phong trào vốn nhân văn đã bị nhiều người bàn tán và không đồng thuận.
Chẳng biết việc triển khai thu tiền ủng hộ một cách quyết liệt ở một số trường học ở Kỳ Sơn vừa qua, có xuất phát từ bệnh muốn lấy thành tích?