Đồng lương giáo viên vốn thấp nhưng lại phải cõng trên vai biết bao khoản phải chi, phải trừ.
Có giáo viên nhận lương ra, cầm chưa nóng tay đã chẳng còn đồng nào.
Giáo viên buộc phải đóng góp rất nhiều khoản tự nguyện. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn) |
Đồng nghiệp cũng lâm vào cảnh như mình, biết vay mượn ai để cầm cự cho hết tháng? Những ai thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả này?
Chục khoản phải đóng
Mấy cô giáo trẻ ra trường được vài năm lương tháng mới hơn 3 triệu đồng.
Dù vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tiếng Anh học 10 năm cũng đủ giao tiếp đơn giản, vi tính cũng có thể nói khá rành.
Ấy vậy mà các thầy cô cũng phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua vài cái chứng chỉ về kẹp vào hồ sơ cho đủ yêu cầu.
Chưa hết, còn phải đăng ký đi học tại chức, từ xa để lấy bằng đại học vì theo quy định mới, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học mới đủ chuẩn.
Cũng đã yên thân đâu, còn chứng chỉ nghề nghiệp chưa có, lại phải tranh thủ để lấy cho được kẻo nay mai khó khăn cho việc ký hợp đồng.
Thế là hơn 3 triệu tiền lương chưa mua nổi cái chứng chỉ. Hiện tại cần 3 chứng chỉ thì lấy tiền đâu ra?
Rồi tiền đi học nâng cao trình độ? Nhiều thầy cô cho biết chỉ còn cách về ăn bám bố mẹ và xin tiền để đi học.
Một giáo viên chia sẻ, nghe mẹ nói rằng ngỡ nuôi cho ăn học thành giáo viên là khỏi phải lo, ai dè đi dạy vài năm rồi vẫn phải nhờ bố mẹ trợ giúp như ngày nào.
Giáo viên có thâm niên cao hơn, tuy đồng lương đỡ hơn chút nhưng lại phải kéo theo “cả mấy tàu há mồm”.
Thế nên tiền nuôi con không đủ tiền đâu để học chứng chỉ này đến chứng chỉ kia?
Trăm khoản phải trừ
Hàng chục khoản phải chi ở trên cũng đã ngợp thở, hàng trăm khoản phải trừ khác đang cấu víu vào đồng lương còm của thầy cô càng thấy hãi hơn.
Nếu tính một năm, giáo viên phải gánh không biết bao khoản mang tên “tự nguyện” được trừ thẳng vào lương.
Ngoài số tiền phải đóng theo quy định như tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí, đảng phí (giáo viên là đảng viên), đoàn phí (giáo viên là đoàn viên) thì còn hàng chục loại quỹ khác chỉ nghe đã thấy ngợp.
Đó là quỹ mái ấm công đoàn, quỹ phụ nữ nghèo, quỹ trợ tang, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ ủng hộ bão lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ nuôi dưỡng gia đình chính sách, quỹ giao thông nông thôn, quỹ quốc phòng, quỹ thắp sáng ước mơ, quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ tiếp bước cho em đến trường...
Có những loại quỹ giáo viên được phép đóng tự nguyện hoặc quy định đóng với số tiền vừa phải.
Nhiều thầy cô tự cân đối thu chi trong gia đình, người khấm khá đóng nhiều hơn chút, người khó khăn lại bớt đi một chút nên cũng bớt phần khó khăn.
Nhưng có loại quỹ buộc phải trừ thẳng vào lương được tính bằng tổng thu nhập một ngày lương nên mức đóng khá cao.
Cấp trên đưa công văn xuống thế là kế toán các trường tính lương và trừ thẳng tay.
Người khấm khá cũng như người nghèo khó, người đang gặp cảnh ngặt nghèo đột xuất đều bị trừ theo kiểu đổ đồng nhau.
Có nên quy định trừ một ngày lương quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” cho giáo viên?
Hằng năm, giáo viên bị trừ khoảng 4-5 ngày lương cho các loại quỹ. Đó là quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ tiếp bước cho em đến trường.
Trong những loại quỹ trừ trực tiếp một ngày lương, quỹ tiếp bước cho em đến trường trừ trực tiếp vào lương của giáo viên theo kiểu đổ đồng quả là vô lý.
Bởi, giáo viên là lực lượng hằng ngày đang dạy dỗ, và trực tiếp giúp đỡ học sinh nghèo, khó khăn của lớp mình, của trường mình.
Giáo viên chúng tôi làm công việc trợ sức cho những học trò nghèo thường xuyên.
Từ việc mua cho một số học sinh từng bộ sách giáo khoa, những cuốn vở, những bộ đồ, rồi đôi giày, đôi dép…đến mua bảo hiểm y tế, tai nạn.
Có thầy cô giáo còn bỏ tiền mua xe, kêu gọi thêm bạn bè chung tay giúp đỡ.
Nhưng chính thầy cô vẫn bị trừ thêm một khoản tiền không nhỏ để nộp vào quỹ.
Chưa nói, bản thân nhiều thầy cô cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bi đát, con cái họ vẫn đang cần sự giúp đỡ chung tay của nhiều người.
Điều vô lý ở chỗ, cũng trong một địa bàn nhưng các cơ quan ban ngành của toàn thị xã được phép ủng hộ theo tinh thần tự nguyện về quỹ tiếp bước cho em đến trường.
Nhưng riêng ngành giáo dục họ vẫn đè cổ giáo viên chúng tôi để trừ một ngày lương.
Cách làm này đã mang đến nhiều điều lợi cho một số lãnh đạo của ngành. Số tiền thu được nhanh và nhiều.
Chẳng thế mà năm nào ngành giáo dục địa phương tôi cũng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu quỹ tiếp bước cho em đến trường.
Chỉ riêng giáo viên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi đồng lương còm phải gồng gánh bao nhiêu là khoản.
Cuộc sống vật chất đã khó khăn càng khó khăn hơn, khi nhà giáo chưa "ấm bụng", con cái còn thiếu trước hụt sau thì liệu có thể toàn tâm, toàn ý dốc sức cho giáo dục?